Đội cứu hộ Việt Nam giải cứu thành công một người còn sống
Trưa ngày 2/4, khi đang triển khai công tác cứu hộ tại Bệnh viện Ottara Thiri ở thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar, Đội cứu hộ Quân đội nhân dân Việt Nam nhận được thông tin một người mắc kẹt trong đống đổ nát do động đất vẫn còn sống.
Ngay khi nhận được thông tin, đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam đã cử Đội công binh gồm 6 người giàu kinh nghiệm và khỏe nhất đến phối hợp cùng lực lượng cứu hộ của Thổ Nhĩ Kỳ và Myanmar tìm cách giải cứu nạn nhân. Bước đầu xác định nạn nhân là một thanh niên khoảng 26 - 27 tuổi, mắc kẹt bên trong một khách sạn.
Khi lực lượng cứu hộ đến tiếp cận vị trí nơi nạn nhân mắc kẹt, nạn nhân vẫn nói được và cho biết anh còn khỏe, chỉ thiếu đồ ăn và nước uống. Vào khoảng 16h chiều cùng ngày, lực lượng Việt Nam giải cứu thành công thanh niên này.
Đây được xem là một thành công của đội cứu hộ Quân đội nhân dân Việt Nam sau năm ngày triển khai công tác tìm kiếm, cứu nạn tại Myanmar.
Chạy đua với thời gian để tìm kiếm, cứu nạn tại Myanmar
Cả đêm 1/4 và sáng 2/4, lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Việt Nam đã chạy đua với thời gian, khẩn trương triển khai tìm kiếm cứu nạn tại khu dân cư Bala Tidi, quận Zabu Thiri thuộc thủ đô Naypitaw của Myanmar. Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, không quản ngại đêm tối, nguy hiểm; lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam đã nhanh chóng rà soát từng vị trí để tìm kiếm nạn nhân và giúp đỡ nhân dân Myanmar khắc phục những tổn thất do động đất gây ra.
Toàn bộ các dãy nhà trên khu dân cư Bala Tidi đều bị sập đổ giống nhau, toàn bộ tầng một bị sụp cùng với sức nặng của ba tầng trên đè xuống, khiến cho lực lượng cứu hộ rất khó khăn trong công tác tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp.
Rất nhiều phương án đã được đưa ra để có thể xử trí tình huống. Trong điều kiện không có máy móc lớn, chỉ dùng công cụ và sức người thì sự mưu trí, sáng tạo, linh hoạt của những người lính công binh rất quan trọng.
Đã đến ngày thứ năm tính từ khi trận động đất kinh hoàng xảy ra. Mùi tử thi tại khu vực tìm kiếm rất nặng, lại thêm thời tiết nắng nóng. Lực lượng công binh và quân y phải có nhiều biện pháp để đối phó, bảo đảm an toàn sức khỏe cao nhất cho toàn bộ lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ tại đây, cũng như nhân dân trong khu vực.
Trung tá Lại Bá Thành, Khoa Gan - Mật - Tụy, Bênh viện Quân y 103 cho hay: "Có thể anh em tâm lý hoặc chưa quen với tử thi đang trong giai đoạn phân hủy. Trước khi tiếp cận hiện trường, chúng ta phải khử khuẩn. Sau đó, trong quá trình anh em làm, quân y tiếp tục khử khuẩn cho anh em, đảm bảo làm sao an toàn cao nhất. Thời tiết khí hậu và cường độ lao động này sẽ làm anh em mệt mỏi và tốn năng lượng rất nhiều".
Đoàn Cứu hộ cứu nạn Quân đội nhân dân Việt Nam hôm nay, ngày 2/4 cũng đã quyết định thành lập Sở Chỉ huy lâm thời tại khu vực Bệnh viện Oattara Thiri để tập trung xử lý triệt để mọi công việc; đồng thời thiết lập một đội y tế cứu trợ thảm họa có đầy đủ các dụng cụ khám, chữa bệnh, cấp cứu thuốc trên ngành nội khoa và ngoại khoa. Ngay sáng 2/4, đội y tế đã khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho một số người dân. Cùng ngày, đội chó nghiệp vụ tiếp tục được triển khai tìm kiếm ở các vị trí khác trong bệnh viện nghi có nạn nhân đang mắc kẹt.
"Chúng ta sẽ triển khai tiếp các biện pháp với quyết liệt cao nhất để làm sao để sớm tìm được các nạn nhân mất tích đang bị vùi lấp, giảm thương đau cho người dân. Đó cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ và tình cảm của chúng ta đối với nhân dân nước bạn", Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Cục phó Cục Cứu hộ Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định.
Những chiến binh thầm lặng
Giữa những mảng tường sập đổ và khói bụi đặc quánh, có những bước chân thầm lặng nhưng kiên cường. Không phải là chiến sĩ trong bộ quân phục, mà là những chiến binh bốn chân – thính tai, nhạy mũi, và tuyệt đối trung thành với nhiệm vụ. Chúng là Javo, VAT, Lộc Xa, và Olas – đội chó nghiệp vụ của Quân đội Nhân dân Việt Nam – những người hùng không cần lời khen, nhưng xứng đáng với mọi tấm huân chương.
Mỗi ngày, trong tiết trời nắng nóng gần 40 độ C tại Naypyidaw, các chú chó vẫn bền bỉ đánh hơi, leo trèo qua những mảng bê tông nặng trĩu, len lỏi vào nơi con người khó tiếp cận. Có khi chỉ một cái liếc mắt, một cú giật dây, là cả đội cứu hộ phải khẩn trương di chuyển đến điểm được đánh dấu – vì đó có thể là nơi có nạn nhân đang chờ được đưa ra.
Thiếu tá Nguyễn Văn Hưởng, Đội tìm kiếm cứu nạn, Khoa Giám biệt nguồn hơi, Trường Trung cấp 24 Biên phòng cho biết: "Những chú chó tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn của chúng tôi có nhiệm vụ chính là đánh hơi, tìm kiếm nguồn hơi nạn nhân ở các khu vực bị sập đổ và bị đất đá vùi lấp do sạt lở đất".
Không hô vang, không giơ cao cờ, những chiến binh bốn chân âm thầm góp phần vào hành trình đầy khó khăn của đội cứu nạn, cứu hộ. Mỗi tín hiệu của các chú quân khuyển là cả một mạng sống có thể được cứu – hay một gia đình được khép lại nỗi mong chờ tuyệt vọng.
"Tất cả các chú chó hàng ngày đều được kiểm tra sức khỏe vào buổi sáng trước khi làm nhiệm vụ, từ nhiệt độ đến các vết thương ngoài da, sao cho đảm bảo khả năng hít ngửi là tốt nhất. Các chú chó cũng đều được đảm bảo quy chuẩn dinh dưỡng theo tính toán sao cho tốt nhất để hoàn thành nhiệm vụ", Đại úy Du Quốc Bảo, bác sĩ thú ý thuộc Đoàn công tác tìm kiếm cứu nạn tại Myanmar chia sẻ.
Không cần nói, các chú chó vẫn truyền đi thứ tín hiệu rất con người – đó là lòng tận tụy, sự dũng cảm, và một thứ tình đồng đội vượt qua cả ngôn ngữ.
Sinh nhật đáng nhớ tại Myanmar
Với nhiều người, sinh nhật là một dịp ý nghĩa để kỉ niệm, được ở bên cạnh bạn bè, người thân. Tuy nhiên, với lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn tại Myanmar, ngày sinh nhật là một kỉ niệm không thể nào quên, khi họ tạm gác niềm vui vì sứ mệnh nhân đạo quốc tế.
Trung tá Nguyễn Thắng Anh, Phó trưởng phòng Biên Phiên dịch, Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng xúc động chia sẻ: "Ở trong quân đội 20 năm, có lẽ đây là sinh nhật ý nghĩa nhất đối với bản thân tôi, ở nhiều góc độ. Ngay trước ngày sinh nhật, tôi nhận được lệnh sang Myanmar. Thứ hai là trong ngày sinh nhật của tôi, đoàn có được những bước rất đột phá trong tìm kiếm cứu nạn. Tính đến thời điểm hiện tại, chúng ta thu thập được năm thi thể nạn nhân trong vòng một ngày".
"Trong một buổi sáng, tôi đi năm địa điểm, trong đó có một điểm khiến tôi thấy rất xúc động, đó là địa điểm bị vùi lấp có năm nạn nhân là năm cháu bé, tuổi từ 5-10 tuổi và một phụ nữ. Tôi cảm thấy vô cùng đau thương, vô cùng cảm thông với những người mẹ đang đau đớn trước thi hài những đứa con và may mắn khi tối nay tôi về vẫn có thể gọi điện cho những đứa con của mình. Như vậy là quá may mắn so với những nạn nhân ở Myanmar đợt này", Trung tá Nguyễn Thắng Anh cho biết thêm.
"Mình sang đây với sự quyết tâm, với sự chia sẻ, cảm thông và đại diện cho đất nước, cho quân đội đến hỗ trợ cho nhân dân nước bạn. Đó là động lực to lớn nhất để chúng tôi tiếp tục ngày mai thức dậy tràn trề năng lượng, cố gắng làm được tốt nhất, nhanh nhất có thể cho người dân tại đây", Phó trưởng phòng Biên Phiên dịch, Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng hào hứng nói.
Phúc Minh
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/nhung-nguoi-linh-viet-nam-tham-gia-ho-tro-myanmar-319263.htm