Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công ít lâu thì diễn ra sự kiện trọng đại: Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946.
Cán bộ làm công tác bầu cử khi ghi danh cử tri đã hỏi đồng bào vùng cao Quảng Trị họ gì? Nhiều người ngơ ngác. Từ thuở khai thiên lập địa, cha sinh mẹ đẻ ai nào có biết họ là gì, nay nghe hỏi vậy không khỏi bất ngờ và lúng túng.
Bỗng có người đề nghị: đồng bào vùng cao không có họ, nay mọi người xin lấy họ của Bác Hồ làm họ của mình. Tất cả mọi người đồng thanh hưởng ứng. Từ đó, người Vân Kiều, Pa Kô tự hào mình là người thân, là con cháu Bác Hồ.
Đến năm 1957, khi biết tin Bác Hồ kính yêu vào thăm tỉnh Quảng Bình, đồng bào dân tộc vùng cao Quảng Trị sống ở đặc khu Vĩnh Linh liền cử ông Hồ Ray ra xin gặp Bác, đề đạt nguyện vọng cho đồng bào Vân Kiều, Pa Kô được mang họ Hồ.
Bác vui vẻ đồng ý. Tin mừng như cánh chim rừng bay hoài không mỏi, đồng bào vùng cao Quảng Trị đầu non cuối núi đều phấn khởi vô cùng. Họ tự hào khôn xiết, tổ chức hội thề coi xa gần đều là anh em kết nghĩa, vui buồn với nhau, sống chết có nhau một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng đến thắng lợi hoàn toàn. Lời thề sắt son ấy vẫn vẹn nguyên qua bao gian nan thử thách cho đến ngày hòa bình, thống nhất và hôm nay.
Tôi nhớ lần gặp Mẹ Việt Nam Anh hùng Hồ Thị Đá ở vùng cao Hướng Hóa. Chồng con mẹ đều đã anh dũng hy sinh vì chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Do gan dạ, mưu trí, lập được nhiều chiến công trong kháng chiến chống Mỹ xâm lược, bà Hồ Thị Đá là một trong những người con miền Nam ra thăm miền Bắc trong những tháng ngày ác liệt nhất và vinh dự được gặp Bác Hồ.
Trong cuộc gặp gỡ vô cùng đáng nhớ này, Bác Hồ đã căn dặn cô gái vùng cao Quảng Trị về lại miền Nam phải kiên cường, bền bỉ đấu tranh để thống nhất nước nhà. Bà còn được Bác tặng một chiếc gương để soi mình giữ vững khí tiết trong cuộc chiến cam go một mất một còn; một hộp diêm Thống Nhất để nhắc nhở đồng bào các dân tộc phải chiến đấu ngoan cường thì Bắc - Nam mới sum họp một nhà.
Đặc biệt hơn, Bác đã tự mình đặt tên mới cho bà là Hồ Thị Đá, ngụ ý tinh thần dũng cảm phải cứng như đá núi. Vậy là cả họ và tên của bà đều được nhận từ vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Những kỷ niệm và kỷ vật thiêng liêng được mẹ Đá nâng niu gìn giữ qua những tháng năm sự sống chết chỉ trong gang tấc. Những khi gặp gian lao, nguy hiểm, bà lại tự nhủ lòng phải sống xứng đáng với họ tên của Bác Hồ đã đặt cho mình.
Bản làng Vân Kiều ở xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
Lên vùng cao Quảng Trị hôm nay, nhiều người sẽ nhận thấy bức tranh thay đổi ở miền núi. Lối sống du canh, du cư đốt rừng làm rẫy đã không còn; bà con giờ trồng ruộng lúa nước mỗi năm hai vụ, được an cư lạc nghiêp, xóa đói giảm nghèo từ chăn nuôi và trồng rừng; đau ốm không còn tin vào thầy mo cúng bái mà biết tìm đến thầy thuốc, đến bộ đội biên phòng; đồng bào đã biết quý trọng hơn cái chữ Bác Hồ nên chăm lo hơn cho con trẻ đến trường.
Gia đình ông Hồ Văn Cùm ở xã Mò Ó, huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) có hai đứa con học đại học và cao đẳng, một đã ra trường có việc làm, một còn đang học. Nhà ông chăm chỉ trồng rừng và chăn nuôi, mỗi năm thu nhập khoảng 50 triệu đồng - cũng là chuyện nhiều người làm được và còn làm hơn thế. Được biết Mò Ó là một trong 8 xã của tỉnh Quảng Trị thí điểm xây dựng nông thôn mới. Cũng cần nói thêm Đakrông là một trong 62 huyện nghèo nhất nước ta.
Vùng cao khó khăn còn nhiều như lá rừng, chuyện này ai cũng biết. Nhưng muốn đi lên không thể thiếu những tấm lòng, như chuyện Nhà nước và Nhân dân phải cùng chung tâm nguyện. Thì mới đây thôi, tại xã Thuận, vùng biên huyện Hướng Hóa, ông Hồ Văn Hạnh đã hiến cho nhà nước 1.500 m2 đất để xây trường mẫu giáo, mảnh đất mà có người dưới xuôi lên trả giá 50 triệu đồng - một số tiền không hề nhỏ, nhất là với đồng bào miền núi còn lắm khó khăn.
Vậy mà ông Hạnh tâm sự giản dị: “Mình mong muốn con cháu học hành biết chữ mà làm người cho tốt. Đó là tương lai của bản làng. Nhìn bọn trẻ không được đến trường, mình buồn lắm nên hiến đất xây trường, còn bán đất lấy tiền thì chỉ có mình hưởng thôi”.
Nhưng nào phải chỉ mình ông hiến đất, cả xã Thuận còn nhiều người như thế, tổng số diện tích đất đã hiến lên đến 55 ha, một con số kỷ lục. Nếu có chính sách phát triển đúng hướng, được người dân đồng thuận cao thì ắt sẽ vượt qua gian khó và thành công. Đó là bài học huyện Hướng Hóa áp dụng thành công, đạt danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Ông Hồ Văn Chiến, ở xã Hướng Hiệp tuổi tác đã cao, cống hiến cũng nhiều nhưng ông không chịu nghỉ ngơi mà vẫn năng nổ tham gia việc xã hội, trăn trở theo bản làng.
Thay đổi ở vùng cao, trước hết và quyết định vẫn là chuyện nguồn lực con người. Tất cả bắt đầu từ giáo dục. Nếu không được học hành, nếu không có quyết tâm sắt đá vươn lên thì làm sao hai nữ thạc sĩ đầu tiên của dân tộc Vân Kiều, Pa Kô là Hồ Thị Minh và Hồ Thị Lệ Hằng ở huyện Hướng Hóa lại có thể bảo vệ thành công luận văn của mình với kết quả xuất sắc như vậy. Đó là những cháu con Bác Hồ làm rạng danh vùng cao…
Tất cả những con người ấy, bằng tâm lực của mình mong mỏi góp phần thay đổi diện mạo vùng cao. Và như một lẽ thường tình, đồng bào Vân Kiều, Pa Kô vẫn đang hòa mình trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam để tô bồi cho quê hương, đất nước, với quyết tâm sắt đá phải kiến thiết và bảo vệ hết sức mình Tổ quốc chúng ta.
Theo Phạm Xuân Dũng (baodaklak.vn)