Những người mẹ Bàn Cờ góp phần làm nên Mùa xuân đại thắng

Những người mẹ Bàn Cờ góp phần làm nên Mùa xuân đại thắng
16 giờ trướcBài gốc
Má Cẩm (bên phải) cùng bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hội Mẹ truyền thống Quận 3 (TPHCM)
Cứ địa quan trọng ở Sài Gòn
Trước năm 1954, Quận 3 đã là vùng lõi của cách mạng ngay giữa Đô thành Sài Gòn. Năm 1959, Quận 3 được chia thành 5 phường, gồm: Đài Chiến Sĩ, Yên Đỗ, Trương Minh Giảng, Bàn Cờ và Chí Hòa. Là quận trung tâm nên Quận 3 có vị trí đặc biệt quan trọng về chính trị, là nơi trú đóng của nhiều cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn: 13 cơ quan quân sự của Mỹ - Ngụy, 18 tòa đại sứ và lãnh sự các nước, 7 bộ và cơ quan trung ương của chính quyền Sài Gòn. Là nơi tập trung nhiều cơ quan quan trọng, nơi cư trú của giới nhà giàu nhưng hơn 56% người dân ở Quận 3 thuộc diện lao động nghèo, sống dọc theo kênh Nhiêu Lộc, phía sau khu ga Hòa Hưng, Bàn Cờ, Cống Bà Xếp… Thời đó, chính quyền Sài Gòn đã lập hệ thống mật vụ dày đặc để kiểm soát Quận 3 và bảo vệ các cơ quan quan trọng, các yếu nhân… Có thời điểm, có đến 5.000 cảnh sát, chúng xét hỏi hằng ngày, lập ra đội "Phòng vệ dân sự" tuần tra các khu phố, theo dõi những gia đình tình nghi…
Với phương châm "nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất", cách mạng đã chọn địa bàn Quận 3 là nơi hoạt động bí mật. Với tinh thần yêu nước và đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân, Quận 3 trở thành nơi hoạt động của các cơ sở, chiến sĩ cách mạng ngay trong lòng địch.
Đoàn đại biểu Câu lạc bộ Hội mẹ truyền thống Quận 3 (TPHCM) viếng Lăng Bác vào năm 1994
Những người mẹ giữa lòng đô thị: Từ hầm nổi đến "Người mẹ Bàn Cờ"
Trong con hẻm trên đường Nguyễn Thiện Thuật (Phường 2, Quận 3, TPHCM), hằng ngày, căn nhà của bà Nguyễn Thị Cẩm (sinh năm 1933, thường được gọi bằng cái tên thân thương Má Cẩm) là nơi gặp gỡ của những người bạn để cùng ôn lại kỷ niệm của một thời gian nguy nhưng đáng nhớ. Theo lời Má Cẩm, năm sinh đúng của Má là 1929. Ở tuổi 96, mái tóc bạc phơ nhưng Má Cẩm vẫn nhớ như in những chuyện cách đây hơn nửa thế kỷ. Trước khi lên Sài Gòn, Má từng tham gia hoạt động cách mạng tại Cần Thơ. Sau khi lên Sài Gòn và kết nối với tổ chức, do đang nuôi con nhỏ nên người mẹ này không thể trực tiếp ra ngoài hoạt động. Nhưng hễ có cán bộ, chiến sĩ liên lạc là Má nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao. "Bọn cảnh sát tuần tra, theo dõi dữ lắm, đi xét hỏi khắp nơi. Mình hoạt động bí mật nên phải khéo, chồng con của tôi không ai biết về nhiệm vụ này vì càng nhiều người biết thì càng nguy hiểm", Má Cẩm cho biết.
Thời gian trước năm 1968, tổ chức có giới thiệu 1 người về ở nhà Má Cẩm, tên Bảy Giang. Má kể: "Mỗi ngày, cô Bảy Giang đẩy chiếc xe chở dừa đi bán, chiều tối thì về ngủ tại nhà tôi. Vì nguyên tắc bí mật nên tôi cũng không hỏi nhiệm vụ gì. Sau ngày đất nước thống nhất, cô Bảy Giang là người đã làm hồ sơ đề nghị khen thưởng cho tôi". Ngoài trường hợp của nữ chiến sĩ biệt động Bảy Giang, Má Cẩm còn nuôi giấu cán bộ tên Lê Tấn Cẩm. Theo lời Má Cẩm, việc nuôi giấu cán bộ Lê Tấn Cẩm diễn ra không lâu. Có lẽ do yêu cầu của nhiệm vụ nên cán bộ Lê Tấn Cẩm phải chuyển đi nơi khác theo phân công của tổ chức. Còn các công việc nhận thư, truyền tin thì diễn ra thường xuyên, vì đó là nhiệm vụ của những người đã chấp nhận dấn thân vào nguy hiểm như Má Cẩm.
Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hội Mẹ truyền thống Quận 3, nhân chứng của những ngày phong trào đấu tranh của sinh viên - học sinh diễn ra sôi động tại Sài Gòn, cho biết: "Năm 1969, tôi mới 14-15 tuổi, đang học lớp Đệ tứ ở trường Tân Văn. Năm đó, phong trào biểu tình của sinh viên - học sinh rất rầm rộ. Một lần, tôi tham gia vào đoàn biểu tình cùng các anh chị thì bị cảnh sát vây ráp, quăng lựu đạn cay rồi bắt bớ. Chúng tôi chạy tỏa ra, tìm chỗ trốn. Chính các má, các chị ở khu Bàn Cờ, dù không quen biết nhưng cứ thấy chúng tôi là kéo vào nhà che giấu. Nếu bị cảnh sát hỏi, các má, các chị sẽ nói rằng đó là con em trong nhà, không phải người đi biểu tình. Các má, các chị thuộc nhiều thành phần, có người là lao động nghèo, tiểu thương, có người là công chức, giáo viên… Nếu bị phát hiện nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ hoặc giúp đỡ người biểu tình, các má, các chị sẽ bị bắt, bị dẫn đi tra khảo và có thể liên lụy đến người thân của mình. Nhưng các má, các chị không sợ điều đó. Đó chính là hình ảnh cao đẹp đã được tác giả Nguyễn Kim Ngân đưa vào bài thơ "Người mẹ Bàn Cờ" và được nhạc sĩ Trần Long Ẩn phổ nhạc trong bài hát cùng tên", bà Thu Hà cho biết.
Nhanh trí - Gan dạ
Bà Đoàn Lê Phong, một cựu tù cách mạng, khẳng định, hoạt động bí mật của các má, các dì có vai trò rất lớn đối với thành quả chung của cách mạng. Để chiến thắng phải có bộ đội chủ lực, nhưng nếu không có các má, các dì hỗ trợ hoạt động bí mật trong nội thành thì nhiệm vụ lớn rất khó thành công. Bà Đoàn Lê Phong kể, năm 1968, sau khi tham gia một số trận đánh, bà Phong bị thương ở tay, chân. Từ trong rừng, bà Phong được tổ chức đưa về nội thành tiếp tục hoạt động. Tại Sài Gòn, bà Phong được phân công về ở tại gia đình bà Tư Sương, tức bà Trần Thị Ngọc Sương, 1 công chức, cán bộ Bưu điện Sài Gòn. Trong một lần đi rải truyền đơn, bà bị địch bắt và tra tấn. "Chúng đè đầu tôi vào hồ nước. Không khai thác được gì, chúng lấy súng ra, lên đạn dọa bắn. Trong lần bóp cò đầu tiên, đạn bị kẹt, tôi khẽ cười. Thấy tôi không có vẻ gì sợ hãi, lại còn cười, chúng lại lên đạn, bắn lần 2. Đạn bay sát tai, tôi khóc nhưng quyết không khai. Sau khi không khai thác được gì, chúng đưa tôi về một ngôi trường để tiếp tục tra khảo", bà Phong kể lại.
Nguyễn Kim Ngân
Người mẹ Bàn Cờ
Có người mẹ Bàn Cờ
Tay gầy tóc bạc phơ
Chuyền cơm qua vách cấm
Khi ngoài trời đã thưa.
Có người chị Bàn Cờ
Lính ngồi canh trước cửa
Nhận sinh viên là chồng
Để đưa về khỏi ngõ
Có người em Bàn Cờ
Tảo tần trao tin thơ
Đưa từng người qua hẻm
Rồi nhìn theo bơ vơ
Đường Việt Nam Bàn Cờ
Tình Việt Nam như tơ
Đồng Việt Nam lầy lội
Giặc đợi chết từng giờ
Sau khi không khai thác được gì, cảnh sát đưa bà Phong về nhà bà Tư Sương để điều tra. Thấy bà Phong bị cảnh sát đưa về, bà Tư Sương nhanh trí nói: "Con nhỏ này bị khùng mà các ông bắt nó làm gì! Nó ở dưới quê lên đây sống với tôi 2-3 năm nay rồi, nó có biết chữ nào đâu mà đi rải truyền đơn". Nói rồi bà Tư Sương quay sang trách mắng mấy tên cảnh sát đã bắt và hăm dọa đứa cháu của mình. Nhờ sự gan dạ, nhanh trí của bà Tư Sương, bà Phong đã tránh được phen "sóng gió" ngay trước mắt. Sau lần đó, bà Phong và một số chiến sĩ cách mạng được trang bị súng ngắn để hoạt động nhưng trong lòng địch, không thể lúc nào cũng mang súng bên người. "Cô Tư Sương bàn với chúng tôi, sẽ đào vách tường để cất súng cho an toàn. Mỗi chỗ giấu 5-6 cây súng được bọc lại bằng nilon. Số vũ khí mỗi ngày một nhiều. Dần dần, nhà cô Tư Sương như một kho vũ khí của các chiến sĩ cách mạng", bà Đoàn Lê Phong nhớ lại.
Ngoài bà Đoàn Lê Phong, căn nhà số 51/10/14 Cao Thắng (Quận 3) của gia đình bà Trần Thị Ngọc Sương còn là nơi nuôi giấu nhiều cán bộ, chiến sĩ cách mạng khác. Đặc biệt, đây là nơi Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam bộ từng đặt máy thu tin tức từ Hà Nội, biên soạn tài liệu. Trước đó, từ năm 1954 đến 1957, nơi này từng đón nhiều cán bộ của ta như Trần Bạch Đằng, Phạm Dân, Tân Đức, Đỗ Văn Ba… cho tới khi Ban Tuyên huấn dời vào chiến khu. Ngày nay, căn nhà số 51/10/14 Cao Thắng đã trở thành di tích lịch sử quốc gia Cơ sở Ban Tuyên huấn xứ ủy Nam bộ.
Câu chuyện về bà Trần Thị Ngọc Sương và căn nhà số 51/10/14 Cao Thắng, hay câu chuyện của Má Cẩm là minh chứng về sự hy sinh thầm lặng của những người mẹ, người chị không ngại dấn thân vào hiểm nguy để nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ cách mạng, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975.
Phước Long
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/nhung-nguoi-me-ban-co-gop-phan-lam-nen-mua-xuan-dai-thang-20250404100558509.htm