Những người mẹ giàu lòng nhân ái

Những người mẹ giàu lòng nhân ái
2 ngày trướcBài gốc
Trong một phòng chăm sóc trẻ khuyết tật, chị Nguyễn Kim Chi, viên chức Trung tâm BTXH Kiên Giang thay áo, chải đầu, buộc tóc, trao những phần quà từ nhà hảo tâm cho các trẻ. Các em thích thú khi được chị Chi tặng quà, xoa đầu yêu thương. Dù phát âm không rõ, nhưng câu nói: “Con cảm ơn mẹ” của các trẻ là niềm vui, động lực để chị Chi không quản ngày đêm chăm sóc, lo cho các em từng miếng ăn, giấc ngủ.
Chị Kim Chi có 25 năm công tác tại Trung tâm BTXH Kiên Giang. Hiện, chị chăm sóc 2 nhà trẻ với 11 cháu, trong đó có 6 cháu tăng động, chậm phát triển, bại não. “Công việc tuy không đòi hỏi trình độ cao nhưng phải có tâm, thương các em như người thân, như con thì mới làm được” - chị Chi chia sẻ.
Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Bảo trợ xã hội Kiên Giang Đỗ Thanh Tuấn và chị Nguyễn Kim Chi trao quà của các nhà hảo tâm cho các trẻ
Chị Chi kể, có những đêm chị tỉnh giấc vì cơn động kinh của các trẻ; một, hai lần đầu chị còn bỡ ngỡ nhưng sau đó chị biết cách chăm sóc các con. Thấy các con khiếm khuyết, đau đớn, chị càng thương và tận tâm chăm sóc. Chị dạy cho trẻ khiếm khuyết bỏ tã, biết đi vệ sinh, lễ phép, vâng lời. Những công việc tưởng chừng đơn giản nhưng đối với trẻ khiếm khuyết nơi đây mỗi điều nhỏ nhất các em học được lại là một điều lớn lao và cần sự ân cần, kiên trì dạy dỗ của những người mẹ giàu tình thương.
Ở căn phòng khác, chị Nguyễn Thị Đào, viên chức Trung tâm BTXH Kiên Giang đang chăm sóc một trẻ bị khuyết tật nằm một chỗ. Rồi chị chuyển sang chăm sóc các cháu nhỏ, ôn bài cho các bé đang tuổi đi học… Chị còn dạy trẻ biết giặt quần áo, đi xe đạp, rèn luyện sự tự tin, mạnh dạn để các em đến trường. Chị Đào có 10 năm làm việc ở trung tâm. Có trẻ được chị chăm sóc từ lúc mới sinh nên chị hiểu tính cách, tâm lý trẻ và thương các bé như con. “Công việc hàng ngày của tôi chủ yếu là chăm trẻ sơ sinh, trẻ đi học, trẻ khuyết tật. Các em quấn quýt bên tôi như người thân nên tôi càng thương các em” - chị Đào nói.
Các trẻ quấn quýt bên chị Nguyễn Thị Đào
Bằng tình thương, sự chăm sóc chu đáo, ân cần của những người mẹ như chị Chi, chị Đào đã giúp trẻ mồ côi có sự chở che và niềm vui trong cuộc sống. Em Võ Bé Bi (14 tuổi) có nhiều năm sống ở trung tâm bộc bạch: “Ba con mất, mẹ đi đâu không biết. Lúc nhỏ, con sống với bà ngoại, sau này con được đưa vào trung tâm. Các mẹ thương con, cho con ăn, học, dạy con biết điều hay lẽ phải. Con sẽ học chăm ngoan để các mẹ vui”.
Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm BTXH Kiên Giang Đỗ Thanh Tuấn cho biết, trung tâm đang nuôi dưỡng 30 trẻ mồ côi, chia thành 3 nhóm gồm nhóm trẻ nhỏ từ 1 đến dưới 3 tuổi, nhóm trẻ khuyết tật (trong đó có những trẻ đặc biệt nặng nằm một chỗ) và nhóm trẻ đi học từ 4 tuổi trở lên. Ngoài được chăm sóc, nuôi dưỡng, các trẻ tại trung tâm được hưởng chính sách hỗ trợ học mầm non, giáo dục phổ thông, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học. Chúng tôi chăm sóc các em như người thân của mình. Từ việc ẵm, bồng, đút ăn, tắm rửa, vệ sinh cho các trẻ nhỏ đến các trẻ khuyết tật không có khả năng tự chăm sóc bản thân đều được những nhân viên cẩn thận săn sóc.
Trung tâm Bảo trợ xã hội Kiên Giang tiền thân là Làng trẻ mồ côi Mong Thọ, thành lập năm 1992. Sau đó, do nhu cầu trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh, Làng trẻ mồ côi Mong Thọ đổi tên thành Trung tâm Bảo trợ xã hội Kiên Giang. Trung tâm tọa lạc tại xã Thạnh Lộc, tỉnh An Giang.
THU OANH
Nguồn An Giang : https://baoangiang.com.vn/nhung-nguoi-me-giau-long-nhan-ai-a423604.html