Những người nên ngừng uống cà phê sau 15h
Báo VietNamNet dẫn nguồn trang BBC Morning Live cho biết, theo tiến sĩ Tom Naylor, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình, những người bị đau lưng nên ngừng uống cà phê sau 15h. Lý do, uống cà phê sau 15h không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ mà còn khiến tình trạng đau lưng trở nên tồi tệ hơn.
Khi bạn tiêu thụ lượng lớn caffeine (có nhiều trong cà phê, trà, đồ uống tăng lực), mức độ lo lắng/căng thẳng, viêm toàn thân có thể tăng lên. Nếu uống cà phê quá muộn, bạn dễ gặp khó khăn khi đi vào giấc ngủ, dẫn đến việc phục hồi kém sau cơn đau lưng.
Chuyên gia cho biết, caffeine là chất kích thích tác động kéo dài trong nhiều giờ sau khi tiêu thụ. Do đó, bạn cần cẩn thận về lượng cà phê bạn uống và thời điểm hấp thụ.
Ngoài ra, uống nhiều cà phê có nguy cơ gây ra các tác dụng phụ không mong muốn trong hệ cơ của chúng ta dẫn tới mí mắt giật, co thắt lưng, đau lưng. Cà phê có tính lợi tiểu, khiến người dùng đi tiểu thường xuyên hơn, gây mất nước, từ đó có thể gây đau lưng ở một số trường hợp.
Cà phê không tốt cho một số nhóm người
Những người nên hạn chế uống cà phê
Ngoài những người bị đau lưng nên dừng uống cà phê sau 15h, cà phê cũng không tốt với một số người mắc các bệnh dưới đây:
Người bị cao huyết áp
Báo Lao động dẫn nguồn tạp chí Eat This, Not That! cho biết, theo bà Sandy Younan Brikho, chuyên gia dinh dưỡng ở San Diego, Mỹ khuyên những người bị huyết áp cao (hay còn gọi là tăng huyết áp) nên ngừng uống cà phê càng sớm càng tốt. Caffeine trong cà phê sẽ làm tăng huyết áp. Những người bị cao huyết áp nhưng lại muốn uống cà phê thì nên tham khảo thêm các ý kiến của bác sĩ.
Người bị trào ngược dạ dày
Caffeine có thể kích hoạt các triệu chứng trào ngược axit trong dạ dày vì nó có tác dụng làm giãn cơ vòng thực quản dưới, gây trào ngược axit dạ dày lên thực quản.
Uống cà phê, trà và soda (tất cả đồ uống chứa caffein) liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản.
Người đối mặt với chứng mất ngủ hoặc ngủ không ngon giấc
Do hàm lượng caffeine cao, uống cà phê cách sáu giờ hoặc ít hơn trước khi đi ngủ có thể tác động làm gián đoạn giấc ngủ và tăng chứng mất ngủ. Nếu bạn không thể loại bỏ hoàn toàn thói quen uống cà phê của mình, thì bạn nên chuyển thói quen uống cà phê của mình sang sớm hơn trong ngày và cắt giảm khẩu lượng cà phê tiêu thụ trong ngày.
Người bị rối loạn lo âu
Do hàm lượng caffein cao, uống quá nhiều cà phê có thể gây ra các triệu chứng lo lắng bao gồm tim đập nhanh, run rẩy, đau đầu và mất ngủ.
Hạ An (Tổng hợp)