Ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn có một “Vườn thú thân thiện” – nơi người chăm sóc không chỉ cho ăn, dọn chuồng mà còn túc trực khi thú ốm, sinh nở hay đau yếu. Họ hiểu từng con thú như người thân, từ thói quen ăn uống đến tính cách, sở thích.
Những người chăm sóc thú tại "Vườn thú thân thiện" hiểu từng con thú như người thân, từ thói quen ăn uống đến tính cách, sở thích.
Lần đầu dẫn con đến Vườn thú thân thiện, chị Thảo (phường Bảy Hiền) cho hay sau khi tham quan, bé liên tục đòi mua sách hình ảnh các con vật để về học tên.
“Tôi từng nghĩ vườn thú chỉ là nơi xem cho biết, nhưng đến đây rồi mới thấy khác hẳn. Bé nhà tôi được sờ vào capybara, tự tay cho ăn. Con nắm tay tôi suốt, hỏi đủ thứ. Tôi cũng học được cách hiểu động vật từ góc nhìn rất đời thường” - chị Thảo nói.
Các em đang cho thú ăn tại Thảo Cầm Viên.
Chăm thú như chăm người thân
Gắn bó với Thảo Cầm Viên gần 5 năm, bác sĩ thú y Lê Hữu Phúc bắt đầu ngày mới lúc 6 giờ 30 với công việc dọn chuồng, kiểm tra sức khỏe và chuẩn bị khẩu phần ăn riêng cho từng loài. Anh còn quan sát dáng đi, biểu cảm, cách ăn uống của từng con thú để sớm phát hiện dấu hiệu bất thường.
Sóc Bắc Mỹ thoải mái hoạt động tại Vườn thú thân thiện.
“Hồi xưa, tôi hay xem các chương trình về động vật hoang dã. Đến lớp 12, tôi quyết định chọn ngành thú y để được tiếp cận với thế giới động vật.
Tôi đặc biệt chú ý đến từng đặc điểm sinh học của mỗi loài. Chẳng hạn capybara cần cành cây để mài răng, nếu không thì răng chúng sẽ mọc dài gây trở ngại cho việc ăn. Chuột lang, meerkat không tự tổng hợp được vitamin C nên tôi phải theo dõi chế độ ăn và nước uống rất kỹ” - anh Phúc chia sẻ.
Anh Phúc ngồi một góc để tiếp cận Cầy Meerkat tại Vườn thú thân thiện.
Khi mới được đưa về Thảo Cầm Viên, capybara rất nhút nhát, thường lẩn trốn mỗi khi anh Phúc đến gần. Để làm quen, anh kiên nhẫn ngồi hàng giờ trong góc chuồng, lặng lẽ đặt những củ bắp, củ khoai – món khoái khẩu của chúng ngay bên cạnh.
Cầy Meerkat.
Không ra lệnh, không ép buộc, anh Phúc chỉ lặng lẽ ở bên cạnh các con thú, để sự hiện diện của mình trở nên quen thuộc. Gần 2 tháng sau, những con capybara đầu tiên mới dám tiến lại gần, chạm nhẹ vào anh và chấp nhận sự tiếp xúc.
“Chỉ khi động vật cảm thấy an toàn và thoải mái, chúng mới cho phép mình tiến gần. Từ đó, người chăm sóc mới có thể kiểm tra sức khỏe, huấn luyện và tạo điều kiện để du khách tiếp xúc đúng cách” - anh Phúc nói.
Với anh Phúc, chăm sóc động vật không chỉ là công việc, mà còn là quá trình hình thành một mối quan hệ đầy tình thân.
Anh Phúc cho biết đây là cách “huấn luyện nhẹ”, tập trung vào việc tạo dựng lòng tin và hình thành thói quen thân thiện thông qua sự gần gũi. Khi con đầu đàn đã tin tưởng và chủ động tiếp cận, các con còn lại cũng dần quen theo, nhờ vào đặc tính sống theo bầy đàn của loài capybara.
Quá trình này được anh áp dụng cho nhiều loài khác nhau như hà mã, hươu cao cổ, gấu mèo..., với nguyên tắc cốt lõi là không nóng vội.
Môi trường sống cho thú luôn được đảm bảo.
Anh kể về cụ hà mã già tên Chia, 42 tuổi, sức khỏe đã yếu, không còn tự ăn được. Trong 3 tháng cuối đời của Chia, anh Phúc đều đặn tự tay chặt cỏ, cắt nhỏ cà rốt, bí đỏ, đút từng miếng ăn vào mỗi buổi.
“Thương lắm! Tôi chăm Chia như chăm người thân, quen từng mùi, phản ứng, thậm chí hiểu được nhu cầu của nó. Làm nghề này, không chỉ hiểu thú mà còn phải để thú hiểu lại mình” - anh Phúc chia sẻ.
Sóc Bắc Mỹ tỏ ra dạn dĩ, sẵn sàng tiếp xúc gần với người chăm sóc.
Tại Vườn thú thân thiện, mỗi loài đều có quy trình chăm sóc ghi chép rõ ràng để người khác có thể tiếp nối mà không ảnh hưởng đến nếp sinh hoạt. Như capybara sống trong môi trường ẩm ướt và thường xuyên ngâm mình dưới nước nên lông của chúng khá cứng.
Nhiều bạn trẻ vào nói lông capybara giống lông chổi nhưng thật ra đó là cấu tạo sinh học đặc trưng, mình phải tìm hiểu kỹ để chăm sóc tốt nhất.
Nhân viên chăm sóc capybara sau khi du khách kết thúc tham quan.
Bên cạnh thú đến từng hơi thở cuối cùng
Mới đây, những dòng tin trên báo chí về việc chú hổ trắng Bengal tên Ngộ Không (10 tuổi) đã chết vào đêm 7-7, sau gần hai tuần được điều trị do mắc nhiều bệnh lý, khiến nhiều người tiếc thương.
Suốt gần 7 năm chăm sóc Ngộ Không, anh Huỳnh Thế Hùng được nhiều người gọi là “ba nuôi” vì sự gắn bó đặc biệt với chú hổ quý này.
Công việc hằng ngày của anh Hùng không chỉ là cho ăn, vệ sinh chuồng trại mà còn huấn luyện, dạy hổ phản xạ, leo trèo và giao tiếp với con người.
“Lúc mới vào làm, cứ thấy nó tiến lại gần là tôi muốn lùi ra. Dù gì cũng là hổ, mà lại chưa quen. Nhưng sau một thời gian tiếp xúc, tôi hiểu nó và nó cũng hiểu tôi. Phải mất gần hai năm, tôi mới được nó chấp nhận” - anh Hùng nhớ lại.
Anh Hùng dọn dẹp khuôn viên gần nơi ở của Ngộ Không.
Ngộ Không dần trở nên quấn quýt, mỗi khi anh đến gần lại dụi đầu vào anh như một đứa trẻ. Một sáng tháng 7, linh cảm có điều chẳng lành, anh đến sớm và chứng kiến khoảnh khắc cuối cùng của Ngộ Không.
“Hôm đó, dù ca làm bắt đầu lúc 6 giờ 30 nhưng từ 5 giờ là tôi đã có mặt ở chỗ làm. Khi đó Ngộ Không vẫn còn sống, thở yếu. Khi tôi bước đến, nó mở mắt nhìn rồi lặng lẽ nhắm lại. Hơn 6 giờ, nó mất. Tôi cảm giác như nó đợi mình đến rồi mới yên tâm ra đi” - anh Hùng nghẹn ngào nói.
Ảnh Ngộ Không trước lúc qua đời. Ảnh: Thảo Cầm Viên
Anh Hùng dành phần lớn thời gian ở Thảo Cầm Viên. Trong đợt dịch COVID-19, anh cùng đồng nghiệp “cắm trại” suốt nhiều tháng để chăm sóc đàn thú, với phòng nghỉ chỉ cách chuồng hổ một lớp kính.
“Tối đến, tôi nằm bên này, nó nằm bên kia. Không chạm vào được, nhưng cứ thấy tôi đứng dậy là nó cũng đứng lên, mừng rỡ” - anh Hùng nhớ lại.
Anh kể, có lần đang buồn, anh đứng lặng trước chuồng hổ thì Ngộ Không chạy đến áp sát vào người như muốn an ủi. Những lúc bị bệnh, chỉ cần anh gọi tên, Ngộ Không khẽ rên, chớp mắt nhẹ như báo hiệu mình đang mệt. Khi đó, anh lập tức gọi bác sĩ thú y đến kiểm tra.
“Chăm nó từ nhỏ tới lớn, tôi thương như con. Không còn khoảng cách nào nữa cả" - anh Hùng bộc bạch.
Mọi hoạt động của chuột lang luôn được nhân viên chăm sóc theo dõi.
Lan tỏa tình yêu thiên nhiên đến cộng đồng
Ông Mai Khắc Trung Trực, Giám đốc Xí nghiệp Động vật (Thảo Cầm Viên Sài Gòn), cho biết mô hình “Vườn thú thân thiện” ra đời nhằm giúp con người kết nối với động vật qua cảm xúc, đặc biệt là trẻ em thành thị ít có cơ hội gần gũi với thiên nhiên. 'Khi được vuốt ve, cho ăn, quan sát, các em sẽ học cách giao tiếp và điều chỉnh hành vi tích cực hơn" - ông Trực nói.
Điểm nổi bật của mô hình là hoạt động “Nhân viên vườn thú kể chuyện”, chia sẻ những câu chuyện thật về tập tính, thói quen và khoảnh khắc xúc động của từng cá thể.
“Không chỉ kể chuyện, mô hình này còn là sự kết hợp giữa không gian, con người, động vật và du khách, tất cả đều hướng đến sự thân thiện” - ông Trực nói.
Điểm nổi bật của mô hình "Vườn thú thân thiện" là hoạt động “Nhân viên vườn thú kể chuyện”.
Thảo Cầm Viên hiện đã xây dựng các khu tương tác, chia sẻ câu chuyện thú trên mạng xã hội, tổ chức sinh nhật thú để kết nối cộng đồng. Đội ngũ chăm sóc gồm cả lao động phổ thông gắn bó trực tiếp và chuyên gia thú y, sinh học.
“Chăm thú phải đúng cách, sai giờ hay sai khẩu phần đều ảnh hưởng đến sức khỏe con vật” - ông Trực nhấn mạnh.
Song song đó, tại Thảo Cầm Viên cũng có các hoạt động giáo dục, bảo tồn như thuyết trình, tour trải nghiệm, thi tìm hiểu, tái thả động vật... phối hợp với trường học và các đơn vị.
“Bảo tồn là đam mê của tôi. Thảo Cầm Viên đổi mới cũng là cơ hội để lan tỏa tình yêu thiên nhiên đến cộng đồng” - ông Trực nói.
HẢI NHI