Những người trẻ đi làm nhưng 'thất nghiệp'

Những người trẻ đi làm nhưng 'thất nghiệp'
8 giờ trướcBài gốc
Chán nản vì việc quá... nhẹ nhàng
Mỗi ngày làm việc của Thu Hoài, 25 tuổi, chỉ thực sự "sôi động" trong khoảng ba giờ đầu buổi sáng, khi cô nàng sử dụng AI để chỉnh sửa ảnh và thiết kế ba mẫu bài đăng cho fanpage công ty. Thời gian còn lại, cô nàng 25 tuổi lang thang trên mạng, xem video giải trí hoặc đọc tiểu thuyết online.
“Làm văn phòng mà như làm thêm, nhàn hạ đến mức đôi khi chính mình cũng thấy chán,” Hoài chia sẻ về công việc tại một công ty quảng cáo ở quận Đống Đa, Hà Nội.
Thu Hoài chán nản với công việc hiện tại. (Ảnh: NVCC)
Hoài gia nhập công ty với vị trí designer vào đầu năm nay, lương 12 triệu đồng. Ban đầu, cô hào hứng với môi trường làm việc trẻ trung, năng động, nơi mọi người thường xuyên trao đổi ý tưởng sáng tạo. Nhưng chỉ sau vài tháng, sự hào hứng đó dần bị bào mòn bởi khối lượng công việc ít ỏi, cách quản lý thiếu sát sao và sự phụ thuộc quá lớn vào công nghệ.
"Ban đầu, sếp nói cần người sáng tạo, nhưng cuối cùng mọi ý tưởng mới đều bị từ chối. Công việc chỉ cần lặp đi lặp lại theo khuôn mẫu cũ là đủ," Hoài kể.
Hoài bắt đầu sử dụng công cụ AI để tiết kiệm thời gian và chỉ cần 1-2 giờ mỗi ngày là xong việc. Phần lớn thời gian còn lại, cô tự tìm cách giết thời gian trong văn phòng.
Ngược lại, Hoàng Phúc, 26 tuổi, lại rơi vào trạng thái “đi làm như thất nghiệp” vì cảm giác không phù hợp với vị trí hiện tại. Là nhân viên hành chính tại một công ty công nghệ ở quận 7, TP.HCM, công việc của anh chàng chủ yếu là xử lý giấy tờ, lập báo cáo định kỳ và hỗ trợ các phòng ban khi cần.
"Mình chọn công việc này vì nghĩ rằng nó ổn định, nhưng thực tế, công việc rất nhàm chán và không có cơ hội phát triển, " Phúc chia sẻ.
Công ty của Phúc có chính sách làm việc linh hoạt, cho phép nhân viên không cần đến văn phòng mỗi ngày. Điều này vô tình khiến Phúc càng "xa rời" tinh thần làm việc. Thay vì tập trung, Phúc dành thời gian để học thêm một khóa lập trình trực tuyến, chuẩn bị chuyển nghề.
“Mình không muốn mãi sống trong cảnh an phận, nhưng cũng không thể nghỉ ngay vì còn áp lực tài chính,” anh nói.
Hoài và Phúc là những điển hình của người lao động rơi vào tình trạng jobless employed (đi làm như thất nghiệp) - thuật ngữ mô tả những người có công việc nhưng không làm việc hoặc làm rất ít. Họ không muốn hoặc không có cơ hội thăng tiến, phát triển bản thân, tạo ra giá trị trong công việc dẫn nên năng suất và hiệu quả thấp.
Bắt đầu thay đổi từ chính mình
Theo số liệu từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vào năm 2020, khoảng 22% lực lượng lao động toàn cầu đang đối mặt với tình trạng "đi làm như thất nghiệp". Tại Việt Nam, một khảo sát của CareerBuilder chỉ ra rằng có tới 58% người lao động cảm thấy không thỏa mãn với công việc mà họ đang làm.
"Nguyên nhân phổ biến nhất đến từ sự thay đổi trong cách nhìn nhận về công việc. Thế hệ trẻ ngày nay không còn coi tiền lương hay vị trí là yếu tố hàng đầu mà tìm kiếm sự cân bằng và ý nghĩa trong công việc, những công việc lặp đi lặp lại, nhàm chán và mơ hồ về tương lai dễ khiến các bạn chán nản và mất động lực.
Tuy nhiên, nhiều công ty hiện nay tuyển dụng không đúng người hoặc bố trí nhân sự vào vị trí không phù hợp, dẫn đến việc người lao động cảm thấy không đáp ứng được kỳ vọng về giá trị cá nhân và khó hòa nhập với văn hóa doanh nghiệp.", Th.S Nguyễn Mai Lan, chuyên viên tuyển dụng tại Công ty Cổ phần One Mount Việt Nam nhận định.
Th.S Nguyễn Mai Lan cho rằng những nhân viên thiếu động lực sẽ làm giảm tinh thần chung của đội nhóm. (Ảnh minh họa bởi AI)
Ngoài ra, Th.S cho biết sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) cũng góp phần làm gia tăng hiện tượng này: "Nhiều công việc trước đây cần hàng giờ để hoàn thành giờ chỉ mất vài phút nhờ công nghệ, khiến người lao động trẻ dư thừa thời gian nhưng thiếu định hướng".
Không chỉ ảnh hưởng đến năng suất lao động, hiện tượng "jobless employed" còn để lại hậu quả lâu dài cho cả người lao động và doanh nghiệp.
“Về lâu dài, những nhân viên thiếu động lực sẽ làm giảm tinh thần chung của đội nhóm, gây khó khăn trong việc xây dựng văn hóa công ty, từ đó vô tình tạo ra lực lượng 'zoombie công sở', nhóm người không chịu học hỏi, không làm việc nhưng cũng không nghỉ việc. Điều này dễ gây sự mâu thuẫn trong nội bộ. ” chị Mai Lan chia sẻ.
Với cá nhân người lao động, việc không cảm thấy ý nghĩa trong công việc dễ dẫn đến tình trạng mất phương hướng, đặc biệt với những người trẻ đang trong giai đoạn định hình sự nghiệp.
Để giải quyết hiện tượng này, chuyên gia khuyến nghị cả doanh nghiệp lẫn người lao động cần có những thay đổi mang tính hệ thống.
Doanh nghiệp cần xây dựng môi trường làm việc kích thích sự sáng tạo và phát triển cá nhân. Đồng thời, việc áp dụng các hệ thống đo lường hiệu suất rõ ràng, minh bạch sẽ giúp tăng trách nhiệm của nhân viên với công việc.
Về phía người lao động, chị Mai Lan cho rằng họ nên chủ động tìm kiếm cơ hội nâng cao kỹ năng và định hướng rõ ràng cho bản thân. “Thay vì chờ đợi sự thay đổi từ công ty, hãy bắt đầu thay đổi từ chính mình,” chị khuyến nghị.
Hiếu Nguyễn
Nguồn SVVN : https://svvn.tienphong.vn/nhung-nguoi-tre-di-lam-nhung-that-nghiep-post1702923.tpo