Những nguyên liệu thô nào đang chi phối ngành quốc phòng châu Âu?

Những nguyên liệu thô nào đang chi phối ngành quốc phòng châu Âu?
2 ngày trướcBài gốc
Xe chiến đấu Puma trong quá trình kiểm tra bảo trì tại cơ sở của nhà sản xuất Rheinmetall ở Unterluess, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu đang đối mặt với thách thức lớn về nguồn cung nguyên liệu thô chiến lược. Theo trang tin châu Âu Euronews.com ngày 12/4, NATO và EU gần đây đã công bố danh sách các nguyên liệu thô quan trọng phục vụ mục đích quốc phòng và khả năng phục hồi công nghệ. Đáng chú ý, bất chấp những nỗ lực giảm thiểu rủi ro, EU hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc - quốc gia đang thống trị thị trường sản xuất nhiều loại nguyên liệu quan trọng này.
Nguyên liệu thô trong các lĩnh vực quốc phòng
Theo nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), các lực lượng trên bộ, trên biển, trên không và hệ thống vũ khí dẫn đường đều cần đến nhiều loại nguyên liệu thô đặc biệt.
Ví dụ về lục quân, xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại sử dụng nhiều loại nguyên liệu thô cho các thành phần như cảm biến, vũ khí, lớp giáp, thân xe và hệ thống liên lạc. Đặc biệt, các cảm biến quân sự ngày càng phức tạp và phụ thuộc vào nhiều loại vật liệu đặc thù.
Các thiết bị ngắm hồng ngoại và nhìn ban đêm - yếu tố quan trọng trong môi trường tác chiến có tầm nhìn hạn chế - thường chứa thủy ngân, cadmium telluride, germanium, đồng và tantalum. Trong đó, đồng và germanium được EU phân loại là nguyên liệu thô chiến lược, với mức độ phụ thuộc nhập khẩu lần lượt là 17% và 42%.
Đáng chú ý, Trung Quốc là nhà sản xuất lớn nhất thế giới của cả hai loại nguyên liệu này, chiếm trung bình 38% sản lượng đồng toàn cầu và 83% sản lượng germanium toàn cầu trong giai đoạn 2016-2020.
Với hải quân, các tàu chiến hiện đại cũng sử dụng nhiều loại vật liệu quan trọng trong cấu tạo, mặc dù lĩnh vực hàng hải sử dụng ít nguyên liệu chiến lược hơn so với hàng không vũ trụ, lục quân hoặc vũ khí dẫn đường.
Tuy nhiên, vẫn có nhu cầu cao đối với nhiều vật liệu được đánh giá có rủi ro trung bình trong chuỗi cung ứng, như nhôm, sắt (và thép). Nhôm được sử dụng rộng rãi trong đóng tàu, bao gồm làm sàn tàu, các bộ phận của kết cấu khoang bên trong.
Số liệu cho thấy EU phụ thuộc đến 58% vào việc nhập khẩu nhôm, trong khi Trung Quốc là nhà sản xuất nhôm lớn nhất toàn cầu, chiếm trung bình 56% sản lượng nhôm toàn cầu trong giai đoạn 2016-2020.
Các giải pháp của châu Âu
Để giảm thiểu rủi ro về nguồn cung, EU đang nỗ lực thúc đẩy ba hướng chính: khai thác, chế biến và tái chế trong khối các vật liệu quan trọng. Bên cạnh Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng năm 2024 của EU, các quốc gia thành viên cũng đang phát triển các chiến lược quốc gia riêng.
Pháp đã ban hành kế hoạch quân sự giai đoạn 2024-2030, cho phép Bộ Quốc phòng yêu cầu thông qua sắc lệnh để tạo ra kho dự trữ công nghiệp các vật liệu, linh kiện và sản phẩm bán thành phẩm phục vụ lực lượng vũ trang.
Tây Ban Nha cũng đã công bố Chiến lược Công nghiệp Quốc phòng năm 2023, bao gồm các khuyến nghị nhằm cải thiện và củng cố cả chuỗi cung ứng lẫn việc cung cấp nguyên liệu thô.
Đức thì triển khai Chiến lược Công nghiệp Quốc phòng và An ninh Quốc gia năm 2024, mở đường cho việc sử dụng quỹ nguyên liệu thô quốc gia để tăng cường an ninh cung ứng trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Chiến lược này cũng nhấn mạnh nhu cầu tăng cường giám sát chuỗi cung ứng đối với các nguyên liệu thô quan trọng.
Các quốc gia châu Âu khác như Italy, Ba Lan và Anh cũng đang phát triển các chiến lược tương tự liên quan đến nguyên liệu thô và tiềm năng khai thác tài nguyên quốc gia. Tuy nhiên, các văn bản chính phủ cụ thể tập trung vào quốc phòng vẫn chưa được công bố đầy đủ.
Những nỗ lực trên cho thấy châu Âu đang ngày càng nhận thức rõ về tầm quan trọng chiến lược của việc đảm bảo nguồn cung nguyên liệu thô cho ngành công nghiệp quốc phòng, đặc biệt trong bối cảnh phụ thuộc quá nhiều vào một số nhà cung cấp, đứng đầu là Trung Quốc.
Vũ Thanh/Báo Tin tức
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/quan-su/nhung-nguyen-lieu-tho-nao-dang-chi-phoi-nganh-quoc-phong-chau-au-20250413162536184.htm