Những nhà giáo tiêu biểu toàn quốc ở Hải Dương

Những nhà giáo tiêu biểu toàn quốc ở Hải Dương
3 giờ trướcBài gốc
Một số nhà giáo tiêu biểu toàn quốc chụp ảnh cùng Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú lần thứ 16 và tuyên dương nhà giáo tiêu biểu năm 2024 ở Hà Nội, trong đó có 3 giáo viên Hải Dương
Lấy bằng tiến sĩ ở tuổi 32
Cô giáo Nguyễn Thu Quyên, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi luôn "mềm hóa" những con số khô khan của môn lịch sử, sinh động
Với 17 năm trong nghề, cô giáo Nguyễn Thu Quyên (sinh năm 1983) hiện công tác tại Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi đã dành trọn tâm huyết của mình với môn lịch sử và đang từng ngày lan tỏa tình yêu lịch sử đến với học sinh.
Từ khi học tại Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, chị Quyên đã mong ước được trở thành giáo viên. Tốt nghiệp Khoa Sư phạm lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, năm 2005, chị Quyên về công tác tại Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi cho đến nay.
Chị Quyên đã nỗ lực học tập, nghiên cứu và lấy bằng tiến sĩ khoa học lịch sử tại Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) ở tuổi 32.
Công tác giảng dạy tại ngôi trường THPT chuyên duy nhất của tỉnh Hải Dương, chị Quyên luôn đau đáu tìm giải pháp để “truyền lửa” tình yêu môn lịch sử tới học sinh.
Để thu hút học sinh trong các giờ giảng của mình, ngoài vững vàng về chuyên môn, chị Quyên còn tận dụng tối đa sự hỗ trợ từ công nghệ thông tin dưới nhiều hình thức như tranh, ảnh, video, sơ đồ tư duy… nhằm thiết kế bài giảng giúp học sinh dễ tiếp thu bài hơn.
Chị Quyên cho biết lịch sử là môn học được ví như dòng chảy thời gian, đưa ta trở về quá khứ, khám phá những nền văn minh rực rỡ, trang sử hào hùng của dân tộc nhưng cũng đầy những con số và sự kiện khó nhớ. Vì vậy, để tạo nên những tiết học thú vị, chị Quyên tích cực đổi mới phương pháp, biến những con số khô khan trở nên “mềm hóa”, sinh động.
Chị thường xuyên tổ chức thảo luận nhóm, chơi trò chơi, diễn kịch giúp các em nhận ra mối liên hệ giữa lịch sử với cuộc sống hiện tại. Từ đó, khuyến khích các em tự tìm tòi, nghiên cứu và chia sẻ những hiểu biết của bản thân về chủ đề lịch sử. Đặc biệt công trình nghiên cứu bảo tàng ảo 3D để dạy lịch sử được chị Quyên rất tâm đắc và học sinh hào hứng đón nhận.
Không chỉ là giáo viên có phương pháp giảng dạy hiệu quả, lôi cuốn học sinh, chị Quyên còn là một trong những giáo viên cốt cán của tỉnh. Chị từng là giáo viên cốt cán của Tổ chức dạy học tích cực do tiến sĩ Trần Khánh Ngọc sáng lập, trực tiếp giảng dạy và chia sẻ về các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực cho hơn 2.000 giáo viên toàn quốc từ 5-6 giờ sáng các ngày thứ hai, thứ tư, thứ sáu và chủ nhật dưới hình thức online qua Zoom.
Đến nay, chị Quyên đã trực tiếp bồi dưỡng 47 học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia với 4 giải nhất, 10 giải nhì, 21 giải ba, 12 giải khuyến khích; 23 học sinh đoạt giải học sinh giỏi khu vực duyên hải và đồng bằng Bắc Bộ với 9 huy chương bạc, 14 huy chương đồng.
Chị Quyên có 6 lần đạt sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh; 4 lần được tặng bằng khen/giấy chứng nhận của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo; 6 lần được Trung ương Đoàn tặng bằng khen; 11 lần được UBND tỉnh tặng bằng khen; 1 lần đoạt giải công trình tiêu biểu toàn quốc Cuộc thi tri thức trẻ vì giáo dục…
Đi làm 7 năm mới thi đại học sư phạm
Cô giáo Trần Thị Thanh Hà, Trường Tiểu học Cộng Hòa (TP Chí Linh) tích cực đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục
Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề, cô giáo Trần Thị Thanh Hà (sinh năm 1981), Trường Tiểu học Cộng Hòa (TP Chí Linh) cho biết sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Thương mại đã đi làm ở một số nơi. 7 năm sau chị mới trở lại thi đại học sư phạm.
Để thực hiện tốt mục tiêu bản thân đã đề ra, cũng như chứng minh cho tình yêu nghề, chị Hà luôn chủ động, tích cực học tập nâng cao trình độ, tìm tòi, cải tiến phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Nhiều sáng kiến kinh nghiệm của chị Hà đã được các cấp công nhận, đánh giá cao và áp dụng hiệu quả trong thực tế. Điển hình như sáng kiến “Tổ chức các trò chơi trong dạy học môn toán tạo hứng thú học tập cho học sinh lớp 2”; “Áp dụng phương pháp học thông qua chơi nhằm phát triển năng lực toán học cho học sinh lớp 3 - chương trình giáo dục phổ thông 2018”… Đây là những giải pháp tích cực trong việc đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức các hoạt động trong các tiết học toán, đáp ứng tốt mục tiêu đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Với những nỗ lực trên, chị đã gặt hái nhiều thành tích tiêu biểu. 5 năm học gần đây, chị Hà đều được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chị đã 3 lần đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và cấp thành phố; 4 sáng kiến được công nhận và xếp loại cấp cơ sở, 2 sáng kiến cấp tỉnh; 4 lần là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 2 lần chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.
Chị Hà đã được Chủ tịch UBND TP Chí Linh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tặng giấy khen. Ngoài ra, chị còn tham gia và đạt nhiều thành tích tiêu biểu, nổi trội, xuất sắc trong hoạt động đoàn thể, xã hội, phục vụ cộng đồng và đã được các cấp khen thưởng.
Truyền cảm hứng học môn địa lý
Cô giáo Hoàng Thị San, Trường THCS Lê Thanh Nghị (Gia Lộc) có 5 sáng kiến được công nhận cấp huyện, cấp ngành và được áp dụng rộng rãi trong dạy học
Chị Hoàng Thị San (sinh năm 1989), giáo viên môn địa lý Trường THCS Lê Thanh Nghị (Gia Lộc) tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội khoa sư phạm địa lý.
Năm 2011, chị San về giảng dạy tại Trường THCS Gia Lương (Gia Lộc). Năm 2019 được điều động về Trường THCS Lê Thanh Nghị để bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi và gắn bó cho đến nay.
Chia sẻ lý do chọn nghề giáo, chị San nói: “Từ khi học THCS, tôi đã thần tượng cô giáo dạy địa lý của mình. Vì muốn được như cô nên tôi đã theo đuổi ước mơ nghề giáo”.
Khi mới ra trường, lương thấp, phụ huynh không mặn mà cho con học môn địa lý, học sinh coi nhẹ môn này nên đôi lúc chị cũng chạnh lòng. Chương trình dạy và học có nhiều đổi mới, áp lực nên chị gặp không ít khó khăn.
Tuy nhiên, chị đã quyết tâm thay đổi cách nghĩ của phụ huynh và học sinh với môn địa lý bằng cách tìm tòi, nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy. “Để tạo hứng thú cho học sinh yêu thích môn địa lý, tôi đã hướng dẫn các em cách học bằng từ khóa, hình ảnh, hình vẽ, sơ đồ tư duy, quan sát hiện tượng bên ngoài để rút ra kiến thức. Tôi thiết kế các bài giảng đa dạng về phong cách, cho học sinh chơi trò chơi, đưa ra các tình huống có vấn đề trái ngược với điều các em biết để các em tìm lời giải. Tôi khởi động vào bài mới bằng nhiều hoạt động như cho học sinh tập giảng bài, làm sản phẩm nhóm, diễn tiểu phẩm phù hợp bài học…”, chị San nói.
Tình yêu nghề đã thôi thúc chị San dành nhiều tâm huyết trong giảng dạy, đặc biệt là đi sâu tìm tòi, nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo với 5 sáng kiến được công nhận cấp huyện, cấp ngành và được áp dụng rộng rãi trong dạy học. Trong đó, sáng kiến “Một số biện pháp tạo hứng thú nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong môn địa lý lớp 7 THCS” được công nhận cấp tỉnh.
5 năm học gần đây, đội tuyển học sinh giỏi môn địa lý do chị San phụ trách đều xếp hạng đồng đội từ thứ ba cấp tỉnh trở lên, trong đó có 3 lần xếp thứ nhất. Năm học 2023-2024, chị San đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh phân môn địa lý. Ngoài ra, chị từng đoạt giải ba cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo Cuộc thi tích hợp liên môn; bài giảng tham gia Cuộc thi thiết kế bài giảng E-leaning, được đưa lên kho học liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chị San luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có 5 lần nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và cấp tỉnh. Với những thành tích trên, chị San đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen; nhiều lần được Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc khen thưởng.
Việc bình chọn và tuyên dương nhà giáo tiêu biểu của năm được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện từ năm 2017. Đến nay, tỉnh Hải Dương đã có gần 20 giáo viên được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh nhà giáo tiêu biểu của năm.
Đây là những giáo viên có đóng góp đặc biệt xuất sắc, tạo ra những chuyển biến tích cực, hiệu quả trong đơn vị, có sức lan tỏa trong toàn ngành, qua đó tạo động lực thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trong tỉnh nói riêng, cả nước nói chung, góp phần thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
THẾ ANH
Nguồn Hải Dương : https://baohaiduong.vn/nhung-nha-giao-tieu-bieu-toan-quoc-o-hai-duong-398374.html