Ông Donald Trump (trái) khi là tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) trong sự kiện tại Trung Quốc năm 2017. Ảnh: AFP/TTXVN
Khi những quan chức trong nội các và các nhân vật chủ chốt khác đang dần lộ diện sau khoảng 1 tuần giành chiến thắng bầu cử, ông Trump đang tiếp tục chứng tỏ bản thân không hề đi ngược lại với những cam kết đưa ra trong chiến dịch bầu cử của mình trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.
Ông Blake Berger, cố vấn tại Viện Chính sách Xã hội châu Á tại Mỹ, cho biết: "Cho dù là thương mại, ngoại giao, an ninh, tôi dự đoán ông Trump sẽ có cách tiếp cận cứng rắn, cạnh tranh và đối đầu hơn đối với Trung Quốc". Trong phát biểu vào ngày 12/11, ông Berger cho biết ông Trump đã cho thấy bản thân là người "thích giao dịch, khó đoán, đơn phương" ngay từ trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế lên tới 60% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Ông cũng có thể đưa ra các biện pháp hạn chế thương mại khác, chẳng hạn như kiểm soát xuất khẩu và hạn chế đầu tư của Trung Quốc.
Một số chuyên gia nhận định, có thể ông Trump sẽ áp dụng thuế quan vào ngay sau khi chính thức trở lại Nhà Trắng như là một cách chứng minh đang thực hiện lời hứa quan trọng trong chiến dịch tranh cử. Ngoài thuế quan, Mỹ còn có "bộ công cụ khổng lồ cho chiến tranh kinh tế" mà chính quyền Trump có thể sử dụng, bao gồm áp nhiều lệnh trừng phạt hơn đối với các công ty Trung Quốc và mở rộng kiểm soát xuất khẩu sang nhiều ngành công nghiệp hơn.
Bà Selena Ling, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng OCBC cho biết mức 60% thuế quan của ông Trump có khả năng sẽ chỉ là tương đối, miễn ông đạt được mục tiêu và có được thỏa thuận có lợi với phía Trung Quốc.
Tuy nhiên, nếu Mỹ áp thuế 60% thì nhiều khả năng nền kinh tế Trung Quốc sẽ bị giảm khoảng 1% tăng trưởng.
Những nhân vật cấp cao có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc
Việc Tổng thống đắc cử Donald Trump chọn Thượng nghị sĩ Marco Rubio và Hạ nghị sĩ Mike Waltz lần lượt làm Ngoại trưởng và Cố vấn An ninh Quốc gia càng cho thấy Trung Quốc sẽ là trung tâm trong chính sách đối ngoại.
Nhà phân tích về Trung Quốc Neil Thomas nhận định, việc hai ông Rubio và Waltz xuất hiện trong nội các 2.0 là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy ưu tiên chính sách đối ngoại của ông Trump sẽ tập trung vào Trung Quốc hơn tất cả mọi thứ khác…Trong bốn năm tới và xa hơn nữa, Trung Quốc vẫn sẽ là trọng tâm chính.
Ông Waltz là người đi đầu trong ủng hộ lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trong Hạ viện. Ông đóng vai trò chủ chốt trong việc bảo trợ dự luật nhằm giảm phụ thuộc của Mỹ vào khoáng sản có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Ông Mike Waltz phát biểu tại Wisconsin, Mỹ vào ngày 17/7/2024. Ảnh: Reuters/TTXVN
Điều đó phù hợp với những gì ông Waltz – người sẽ giữ chức Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ đã nói. Đầu tháng này, ông Waltz đã viết trên tờ The Economist rằng Mỹ nên khẩn trương chấm dứt xung đột ở Ukraine và Trung Đông để có thể tập trung chú ý vào chiến lược với Trung Quốc.
Với ông Marco Rubio, trong danh sách dài các ứng viên ngoại trưởng của ông Trump, ông được đánh giá là người có quan điểm cứng rắn nhất về chính sách đối ngoại, đặc biệt là với các đối thủ địa chính trị của Mỹ.
Ông Donald Trump (trái) và ông Marco Rubio trong chiến dịch vận động tranh cử ở Raleigh, Bắc Carolina ngày 4/11/2024. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Ông Rubio ủng hộ một dự luật nhằm ngăn chặn nhập khẩu hàng hóa do người dân ở một số khu vực của Trung Quốc sản xuất.
Tại Thượng viện Mỹ, ông Rubio là một trong những người chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ nhất. Đáng chú ý nhất là vào năm 2019, ông đã kêu gọi Bộ Tài chính Mỹ đánh giá tính chất an ninh quốc gia trong thương vụ TikTok mua lại Musical.ly, dẫn đến cuộc điều tra và yêu cầu thoái vốn gây tranh cãi.
Là thành viên đảng Cộng hòa cao cấp nhất trong Ủy ban Tình báo Thượng viện, ông Rubio cũng gây sức ép với chính quyền của Tổng thống Joe Biden, yêu cầu chặn mọi giao dịch với Huawei sau khi công ty công nghệ Trung Quốc này ra mắt laptop mới sử dụng chip AI của Intel.
Bên cạnh đó, giới nghiên cứu cũng nhận định nhiều khả năng cựu Đại diện Thương mại Mỹ, ông Robert Lighthizer sẽ được trao một vai trò trong chính quyền. Sau khi ông Trump đắc cử, ông Lighthizer đã được nhắc đến như ứng viên tiềm năng cho vị trí bộ trưởng tài chính, bộ trưởng thương mại hoặc cố vấn kinh tế hàng đầu.
Nếu ông Robert Lighthizer được lựa chọn trong Chính quyền Trump 2.0 thì đây là nhân vật có thể dẫn đầu trong nỗ lực áp dụng thuế quan trừng phạt Trung Quốc. Ông Lighthizer là người theo chủ nghĩa bảo hộ thương mại lâu năm. Bất kể vai trò chính thức của ông là gì, rất có thể ông Lighthizer sẽ hỗ trợ ông Trump thực lời hứa tranh cử trong việc áp đặt mức thuế quan hà khắc đối với đối thủ kinh tế Trung Quốc.
Nhân tố ôn hòa Elon Musk
Một số nhà phân tích cho rằng tỷ phú Elon Musk – người được bổ nhiệm lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) có thể là tiếng nói ôn hòa, có cách tiếp cận mềm mỏng hơn với Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay. Tỷ phú Musk có lợi ích kinh doanh ở Trung Quốc và có thể trở thành người trung gian quan trọng cho cuộc đối thoại giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tỷ phú Elon Musk dự một sự kiện của hãng ở Gruenheide, Berlin (Đức). Ảnh: Getty Images/TTXVN
Tesla phụ thuộc vào Trung Quốc để sản xuất và đây cũng là thị trường tiêu dùng chính của hãng xe này. Ông Musk là cái tên quen thuộc ở Trung Quốc và được các quan chức Trung Quốc tiếp đón nồng hậu khi đến thăm.
Ông Ian Bremmer, người sáng lập Eurasia Group cho biết ông Musk có thể trở thành người đối thoại chính, trung gian giữa người đứng đầu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và ông Elon chắc chắn sẽ quan tâm đến điều đó. Ông cũng đánh giá Chính phủ Trung Quốc chắc chắn sẽ liên hệ với ông Musk để xem có thể thông qua một cách nào đó để gây ảnh hưởng đến ông Trump.
Hiện nay, khoảng một nửa số xe điện Tesla được sản xuất tại Trung Quốc và tỷ phú Musk đã nhận được các đặc quyền từ Chính phủ Trung Quốc mà hiếm khi được trao cho các công ty nước ngoài khác. Ông Musk thậm chí còn ủng hộ một số quan điểm của Bắc Kinh về các vấn đề địa chính trị, trong đó cho rằng Đài Loan là "một phần không thể tách rời của Trung Quốc".
Ngoài ra, theo Giáo sư Chen Dingding, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Tế Nam của Trung Quốc, mặc dù mối quan hệ Mỹ - Trung có thể xấu đi dưới thời ông Trump, nhưng ít nhất sẽ không tệ như mối quan hệ giữa Mỹ và Nga hiện nay.
Từ năm 2018, khi ông Trump bắt đầu cuộc chiến thương mại với Trung Quốc cho đến năm 2023, thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã tăng lên chứ không giảm xuống.
Bất chấp những vấn đề trên, Trung Quốc vẫn được nhận định là đang chuẩn bị rất kỹ càng cho 4 năm đầy biến động sắp tới dưới thời ông Trump.
Bình Thanh/Báo Tin tức (tổng hợp)