Những nhân viên ngân hàng dễ mất việc nhất

Những nhân viên ngân hàng dễ mất việc nhất
6 giờ trướcBài gốc
Nhiều giao dịch viên ngân hàng có thể mất việc vì cuộc cách mạng công nghệ. Ảnh: Nam Khánh.
Cuộc cách mạng công nghệ trong ngành ngân hàng đang diễn ra nhanh và sâu rộng hơn bao giờ hết. Theo ông Hoàng Nam Tiến - Phó chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT - chỉ trong vài năm tới, hàng chục nghìn nhân viên giao dịch ngân hàng sẽ mất việc vì sự trỗi dậy của AI, big data và hệ thống ngân hàng trực tuyến.
Đáng chú ý, phần lớn số này là những người có trình độ đại học, từng được xem là lực lượng nòng cốt của các nhà băng.
AI và làn sóng thay đổi cục diện nhân sự ngân hàng
Động lực chính thúc đẩy sự thay đổi này là sự trưởng thành của thế hệ Z, nhóm khách hàng ưa thích các kênh internet banking thay vì đến quầy giao dịch truyền thống.
Cùng với đó, các hệ thống live banking, chatbot thông minh và ứng dụng ngân hàng số đang làm cho quy trình mở tài khoản, chuyển tiền, thậm chí tư vấn sản phẩm tài chính trở nên nhanh chóng, chính xác mà không cần con người tham gia trực tiếp.
Không chỉ giao dịch viên, các vị trí trong khối tín dụng và đánh giá tín dụng cũng bị đe dọa. AI và dữ liệu lớn đang cho phép ngân hàng phân tích hồ sơ khách hàng nhanh hơn, chính xác hơn nhiều so với phương pháp truyền thống.
Trong nhiều trường hợp, mô hình chấm điểm tín dụng tự động còn cho thấy khả năng hạn chế rủi ro nợ xấu hiệu quả hơn việc đánh giá thủ công của con người.
Báo cáo mới nhất của Citigroup cho thấy 54% công việc trong ngành ngân hàng có nguy cơ bị thay thế hoàn toàn bởi AI. Những vị trí có nguy cơ cao gồm nhân sự hành chính - văn phòng, chăm sóc khách hàng, phân tích - báo cáo và thậm chí cả chuyên viên quan hệ khách hàng.
Thực tế hiện nay, nhiều ngân hàng Việt đang chủ động tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy để đón đầu làn sóng chuyển đổi.
Khép lại quý I, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, lãnh đạo của nhiều nhà băng đều khẳng định xu hướng ứng dụng số hóa là chiến lược trọng tâm trong thời gian tới.
Việc cắt giảm 10-20% nhân sự được xem là điều “bình thường”; thậm chí có nơi sẵn sàng cắt giảm tới 40% trong bối cảnh cần phải tiết giảm chi phí và nâng cao hiệu quả.
Robot tự động hóa quy trình giúp rút ngắn 95% thời gian xử lý giao dịch và giảm tới 99% sai sót do thao tác thủ công. Ảnh: ABB.
Tại VietinBank, Chủ tịch HĐQT Trần Minh Bình tiết lộ ngân hàng đang thử nghiệm mô hình contact center ứng dụng AI, có khả năng thay thế tới 70% nhân sự vận hành. Hay tại PVcomBank, AI được tích hợp sâu trong nhận diện, giao dịch hợp kênh và giám sát dịch vụ tự động.
Trước đó, TPBank và BIDV đã tiên phong ứng dụng RPA (robot tự động hóa quy trình), giúp rút ngắn 80-95% thời gian xử lý giao dịch và giảm tới 99% sai sót do thao tác thủ công.
Dễ nhận thấy những công việc mang tính chất lặp lại, thao tác đơn giản từ nhập liệu, xử lý hồ sơ, đến hỗ trợ mở tài khoản đang dần bị robot thay thế.
Giám đốc Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam Đinh Đức Quang đánh giá một bộ phận mở tài khoản trước đây cần đến 10 người thì nay chỉ cần 2-3, nhờ số hóa quy trình từ A-Z.
Đặc biệt, các bộ phận hành chính, xử lý dữ liệu, kiểm soát viên tuyến giữa sẽ là những đối tượng đầu tiên bị “tái cấu trúc”. Khi công nghệ đảm nhận việc kiểm tra, phê duyệt hồ sơ, hay đối soát giao dịch, nhu cầu nhân lực tại các vị trí trung gian gần như bị triệt tiêu.
Mất vị trí cũ nhưng mở ra cơ hội mới
Dù cơn sóng AI có thể cuốn đi hàng loạt công việc truyền thống trong ngành ngân hàng, các chuyên gia đều cho rằng đây không phải là làn sóng “sa thải ồ ạt”, mà là quá trình tái cấu trúc lực lượng lao động để thích nghi với yêu cầu mới.
Ông Dương Việt Tùng - Giám đốc Vận hành akaBot thuộc Tập đoàn FPT - cho biết khi triển khai RPA, vai trò của cán bộ nghiệp vụ thay đổi rõ rệt. Họ không còn thực hiện thao tác thủ công, mà chuyển sang giám sát robot, tối ưu hóa quy trình và đưa ra đề xuất cải tiến. Đây chính là những năng lực không thể bị thay thế bởi máy móc.
Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng thì dự báo xu hướng tinh gọn bộ máy sẽ còn tiếp tục đến ít nhất năm 2030, thời điểm mà các ngân hàng đạt được mức độ tự động hóa tối ưu.
Tuy nhiên, trong quá trình đó, sẽ xuất hiện nhiều vai trò mới như chuyên gia dữ liệu, quản trị AI, thiết kế trải nghiệm số, chuyên viên phân tích hành vi khách hàng bằng công nghệ…
Phó giám đốc Trung tâm Sinh viên và Quan hệ Doanh nghiệp, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM Trương Tiến Sĩ cũng nhận định việc tinh giản hiện tại chủ yếu nhằm loại bỏ những nhân sự không đáp ứng được yêu cầu công việc trong bối cảnh mới, chứ không phải giảm biên chế một cách triệt để.
Ngược lại, các nhà băng đang cần rất nhiều nhân sự chất lượng cao cho mảng công nghệ tài chính, đặc biệt là các kỹ sư AI, chuyên gia blockchain và chuyên viên quản trị dữ liệu lớn.
Chính vì vậy, nhân sự ngành ngân hàng hiện không thể chỉ đơn thuần giỏi nghiệp vụ truyền thống mà cần bổ sung kỹ năng công nghệ. Một giao dịch viên nếu biết thêm về vận hành hệ thống, hiểu nguyên lý hoạt động của AI, hoặc có khả năng phân tích dữ liệu sẽ có nhiều cơ hội được giữ lại và phát triển.
Ngoài ra, những công việc mang yếu tố con người như bán hàng, tư vấn tài chính, tiếp thị sản phẩm vốn đòi hỏi trí tuệ cảm xúc và khả năng tương tác vẫn sẽ là những vị trí rất khó bị AI thay thế trong ngắn hạn.
Như ông Đinh Đức Quang chia sẻ robot không thể thuyết phục khách hàng mua bảo hiểm, tư vấn tài chính hay xây dựng niềm tin. Do đó, các nhân viên cần chủ động chuyển mình, phát triển thêm kỹ năng giao tiếp, thuyết phục và tư duy giải quyết vấn đề nếu muốn tồn tại và tiến xa.
Ở một góc nhìn rộng hơn, AI không làm mất đi việc làm, mà đang định hình lại toàn bộ thị trường lao động trong ngành ngân hàng. Theo báo cáo của akaBot, riêng khối lượng công việc mà robot ảo đảm nhiệm có thể tương đương 12.000 giờ lao động mỗi năm, tức bằng 40-60 nhân sự toàn thời gian.
Lúc đó, các ngân hàng vẫn sẽ cần một đội ngũ mới để vận hành, giám sát và phát triển các giải pháp công nghệ.
Hồng Nhung
Nguồn Znews : https://znews.vn/nhung-nhan-vien-ngan-hang-de-mat-viec-nhat-post1554391.html