Những nhiệm vụ trọng tâm của Công an cấp xã khi không còn Công an cấp huyện

Những nhiệm vụ trọng tâm của Công an cấp xã khi không còn Công an cấp huyện
20 giờ trướcBài gốc
Kể từ ngày 1/3/2025, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Công an cấp huyện sẽ điều chỉnh sang Công an xã, Công an tỉnh, không làm mất đi, không làm gián đoạn chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an địa phương. Việc không còn Công an cấp huyện đã đặt ra những yêu cầu và nhiệm vụ mới đối với Công an cấp xã, đòi hỏi lực lượng này phải đảm bảo an ninh, trật tự (ANTT) tại cơ sở một cách hiệu quả hơn.
Công an thị trấn Lấp Vò (huyện Lấp Vò) tiếp nhận hồ sơ cấp căn cước cho người dân
Trước đây, công tác thu nhận hồ sơ cấp căn cước sẽ do Công an cấp huyện và Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh đảm nhiệm, kể từ ngày 1/3/2025 đến nay, nhiệm vụ này của Công an cấp huyện đã được chuyển giao cho 9 Công an thị trấn thuộc Công an huyện và 3 Công an phường thuộc TP Cao Lãnh, TP Sa Đéc và TP Hồng Ngự thực hiện.
Công an thị trấn Lấp Vò bằng sự quyết tâm, không ngại khó đã nỗ lực học hỏi và làm tăng ca trong buổi sáng thứ Bảy hàng tuần để tạo mọi điều kiện cho người dân đến làm căn cước. Thiếu tá Nguyễn Trần Khương - Phó Trưởng Công an thị trấn Lấp Vò, cho biết: “Chỉ huy Công an thị trấn Lấp Vò thường xuyên tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ gắn với việc học tập, làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để nâng cao tinh thần trách nhiệm cho cán bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ, việc chấp hành điều lệnh Công an nhân dân, chấp hành kỷ luật, kỷ cương, nội quy, quy định của ngành. Xây dựng tư thế lễ tiết, tác phong làm việc chuẩn mực, làm việc khoa học, hết sức hết lòng phục vụ Nhân dân, thường xuyên cử cán bộ, chiến sĩ đi đào tạo, tập huấn để nâng cao trình độ nghiệp vụ. Ngoài cấp căn cước, Công an cấp xã còn được giao thêm nhiệm vụ tiếp nhận đăng ký, cấp biển số ô tô, xe máy, xe gắn máy”.
Theo ghi nhận tại Công an thị trấn Lấp Vò, từ ngày 1/3/2025 đến nay, Công an thị trấn đã thu nhận được 833 hồ sơ cấp căn cước, cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 được 246 hồ sơ; tiếp nhận đăng ký mới, sang tên, thu hồi xe ô tô được 10 trường hợp; đối với xe mô tô là 41 trường hợp. Thủ tục nhanh gọn, được sự hướng dẫn tận tình của lực lượng Công an nên hầu hết người dân đều không mất nhiều thời gian khi đến làm căn cước hay đăng ký xe.
Khi không còn Công an cấp huyện, Công an cấp xã phải tăng cường công tác đảm bảo ANTT tại cơ sở. Trong đó, chủ động nắm bắt tình hình ANTT trên địa bàn, đề xuất với cấp ủy Đảng, UBND cùng cấp và cơ quan Công an cấp trên về chủ trương, kế hoạch, biện pháp bảo đảm ANTT, an toàn xã hội và tổ chức thực hiện; tiếp nhận, phân loại, xử lý tin báo tố giác tội phạm; tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, giáo dục các đối tượng phải chấp hành hình phạt quản chế, cải tạo không giam giữ, người bị kết án tù nhưng được hưởng án treo cư trú trên địa bàn xã; quản lý người được đặc xá, người sau cai nghiện ma túy và người chấp hành xong hình phạt tù thuộc diện phải tiếp tục quản lý theo quy định của pháp luật; giải quyết các vụ việc ngay tại cơ sở, không để phát sinh thành điểm nóng; thực hiện công tác quản lý nhà nước về trật tự xã hội; tuyển sinh, tuyển dụng vào lực lượng Công an nhân dân; thực hiện công tác phối hợp với các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương trong việc đảm bảo ANTT, xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc...
Công an xã Bình Thạnh (TP Hồng Ngự) phối hợp lực lượng Biên phòng, Quân sự tuần tra bảo đảm an ninh trật tự khu vực biên giới
Tại Công an 8 xã biên giới trên địa bàn tỉnh, ngoài chức năng, nhiệm vụ được giao, Công an cấp xã phải chủ động phối hợp lực lượng Quân sự, bộ đội Biên phòng trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép và đấu tranh với các loại tội phạm tại khu vực biên giới.
Để làm tốt công tác này, Công an xã Bình Thạnh (TP Hồng Ngự) thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ người dân sống ở khu vực biên giới để nắm tình hình và lắng nghe ý kiến của người dân trong giải quyết các vấn đề nổi trên địa bàn. Công an cấp huyện tuy đã không còn nhưng Công an cấp xã vẫn luôn gần dân, sát dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân và sẵn sàng có mặt khi dân cần.
Sau khi giải thể Công an cấp huyện, hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ đã được điều động về Công an cấp xã và các phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh Đồng Tháp. Việc tăng cường lực lượng về Công an cấp xã hướng đến đẩy mạnh phục vụ Nhân dân, bám sát địa bàn, cơ sở, giải quyết nhanh chóng, kịp thời các mâu thuẫn nhỏ trong dân. Tuy nhiên, với trách nhiệm hết sức nặng nề, trong thời gian tới, Công an cấp xã cần được tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật, ngoại ngữ, tin học, nhất là nâng cao phẩm chất chính trị, chấp hành nghiêm điều lệnh Công an nhân dân để thực sự là chỗ dựa tin cậy của chính quyền địa phương và Nhân dân ở địa bàn cơ sở.
Thanh Thảo
Nguồn Đồng Tháp : https://baodongthap.vn/phap-luat/nhung-nhiem-vu-trong-tam-cua-cong-an-cap-xa-khi-khong-con-cong-an-cap-huyen-130451.aspx