Trong báo cáo phân tích mới đây, Agriseco Research kỳ vọng lợi nhuận thị trường quý 1/2025 tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô phục hồi tốt hơn trong 2 tháng đầu năm nay với 3 động lực chính.
Thứ nhất, kinh tế vĩ mô 2 tháng đầu năm đạt nhiều kết quả tích cực và kỳ vọng tiếp tục khởi sắc. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng được thúc đẩy, lạm phát được kiểm soát, thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định. Kim ngạch xuất nhập khẩu 2 tháng tăng 12%, xuất siêu ước đạt 1,54 tỷ USD. Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực với vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký đạt 6,9 tỷ USD, tăng 35,5% và vốn FDI thực hiện gần 3 tỷ USD, tăng 5,4%.
Thứ hai, quy mô nguồn vốn, tài sản gia tăng. Một trong những động lực quan trọng để tăng trưởng kết quả kinh doanh là tăng trưởng về nguồn lực tổng tài sản và vốn chủ sở hữu, Agriseco Research nhận định.
Tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp năm 2024 tăng lần lượt là 15% và 10% so với cùng kỳ năm trước. Từ đó các doanh nghiệp có thể gia tăng năng lực hoạt động, công suất để đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh theo đà tăng trưởng của nền kinh tế nhằm cải thiện doanh thu và lợi nhuận trong quý 1/2025.
Cuối cùng, mặt bằng lãi suất duy trì mức thấp giúp tiết giảm chi phí lãi vay. Mặt bằng lãi suất giai đoạn hiện tại đang ở mức thấp trong nhiều năm qua khiến chi phí lãi vay của các doanh nghiệp cũng được tiết giảm đáng kể, theo ước tính, chi phí lãi vay các doanh nghiệp niêm yết năm 2024 giảm khoảng 33% so với cùng kỳ năm 2023. Agriseco Research kỳ vọng chi phí tài chính tiếp tục xu hướng giảm trong năm 2025, từ đó hỗ trợ lợi nhuận của doanh nghiệp trong quý 1/2025.
5 ngành có triển vọng bứt phá lợi nhuận
Agriseco Research dự báo 5 nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận cao trong quý đầu năm gồm bất động sản, thủy sản, chăn nuôi, bán lẻ và ngân hàng.
Bất động sản đang được kỳ vọng sẽ trở thành ngành dẫn đầu với mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế lên tới 30%. Sự hồi phục mạnh mẽ được ghi nhận rõ rệt ở phân khúc căn hộ và đất nền, đặc biệt tại các khu vực trọng điểm như TP HCM và các tỉnh lân cận.
Theo ghi nhận từ thị trường, tỷ lệ giao dịch tại các dự án lớn đã tăng trở lại, cùng với sự cải thiện đáng kể về nguồn cung. Bên cạnh đó, dòng vốn FDI vào các khu công nghiệp cũng tăng trưởng ấn tượng 36% trong hai tháng đầu năm, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của nhóm bất động sản công nghiệp.
Do đó, các doanh nghiệp có quỹ đất lớn và uy tín được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng này.
Chăn nuôi dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận tương đương 30% nhờ sự cải thiện rõ rệt về giá bán. Giá lợn hơi đã tăng khoảng 20-25% so với cùng kỳ, chạm mốc 75.000 đồng/kg tại nhiều địa phương.
Ngành còn được hưởng lợi kép từ việc giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như ngô và lúa mì duy trì ở mức thấp, giúp mở rộng đáng kể biên lợi nhuận.
Các doanh nghiệp lớn đang tích cực mở rộng quy mô đàn, đồng thời tận dụng lợi thế từ việc siết chặt các quy định về chăn nuôi trong khu dân cư có hiệu lực từ năm 2025.
Thủy sản được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận khoảng 25% nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của giá xuất khẩu cá tra .
Theo số liệu thống kê, giá cá tra xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong tháng 1/2025 đã tăng 13,6% so với cùng kỳ. Ngành còn được hưởng lợi từ việc Mỹ áp dụng thuế nhập khẩu sớm đối với các sản phẩm thủy sản từ Trung Quốc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng thị phần.
Tỷ giá USD tăng nhẹ 1-2% từ đầu năm cũng góp phần hỗ trợ doanh thu xuất khẩu của ngành.
Bán lẻ đang trên đà phục hồi với kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận khoảng 20%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong hai tháng đầu năm đã tăng 10%, cao hơn mức tăng trưởng 8,4% của cùng kỳ năm trước.
Sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng nội địa là động lực chính cho sự tăng trưởng này. Các tập đoàn bán lẻ lớn tiếp tục mở rộng mạng lưới cửa hàng với chiến lược kinh doanh bài bản, trong khi các doanh nghiệp bán lẻ tại sân bay hưởng lợi từ sự gia tăng mạnh mẽ của lượng khách du lịch quốc tế.
Ngân hàng được dự báo sẽ duy trì đà tăng trưởng ổn định với mức tăng lợi nhuận khoảng 15%. Ngành được hưởng lợi từ việc tăng trưởng tín dụng tiếp tục duy trì ở mức cao với mục tiêu cả năm 2025 đạt 16%. Biên lãi ròng (NIM) được cải thiện đáng kể nhờ chi phí vốn ở mức thấp và tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng trưởng tích cực từ quý III/2024.
Chất lượng tài sản cũng được nâng cao nhờ các biện pháp xử lý nợ xấu chủ động cùng với bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định. Các ngân hàng có mô hình kinh doanh bền vững được đánh giá sẽ tiếp tục dẫn dắt đà tăng trưởng của toàn ngành, theo chuyên gia Agriseco Research.
Kiều Chinh