Dựa trên báo cáo tài chính quý I/2025 của 961 doanh nghiệp niêm yết chiếm 95,6% tổng vốn hóa toàn thị trường, nhóm phân tích của VNDIRECT ước tính lợi nhuận ròng quý I của các công ty niêm yết trên ba sàn chứng khoán đã tăng khoảng 22,6% so với cùng kỳ, được hỗ trợ không chỉ bởi nền so sánh thấp của cùng kỳ năm ngoái mà còn nhờ vào nền tảng kinh doanh cải thiện.
Nhìn sâu vào bức tranh tài chính, biên EBITDA tăng từ 15,4% lên 17,9%, được thúc đẩy bởi ngành Vận tải (+6,7 điểm %) và Du lịch & hàng không (+6 điểm %). Điều này phản ánh khả năng kiểm soát chi phí bán hàng và quản lý tốt hơn.
Một yếu tố khác cũng góp phân thúc đẩy lợi nhuận tăng trưởng là môi trường lãi suất thấp. Nhóm phân tích ước tính chi phí nợ đã giảm xuống 6,1% trong quý I/2025, tức giảm 0,5 điểm % so với quý trước.
Xét theo ngành, ngành điện và bất động sản là hai lĩnh vực có hiệu suất tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất khi ghi nhận lợi nhuận tăng ba chữ số trong quý đầu năm.
Ảnh: VNDIRECT
Lợi nhuận ngành bất động sản tăng 134,4% so với cùng kỳ, đánh dấu quý thứ ba liên tiếp tăng trưởng, được thúc đẩy bởi sự phục hồi của thị trường nhờ chính sách hỗ trợ, môi trường lãi suất thấp và các chương trình bán hàng hấp dẫn từ chủ đầu tư. Tuy nhiên nếu loại trừ VHM và VEF, mức tăng trưởng lợi nhuận ròng chỉ đạt khoảng 1,3% trong quý vừa qua, bất chấp doanh thu tăng mạnh hơn 144%.
Trong khi đó, lợi nhuận ngành điện tăng 223,9% so với cùng kỳ nhờ các nhà máy điện khí phục hồi từ mức nền thấp do sản lượng huy động thấp năm ngoái, cùng với sự phục hồi sản lượng từ thủy điện nhờ hiệu ứng nền thấp do El Ninõ trong quý I/2024.
Cũng chứng kiến hoạt động kinh doanh tích cực là ngành hàng cá nhân & gia dụng với lợi nhuận tăng 62% so với cùng kỳ, nhờ nhu cầu xuất khẩu tăng lên do lo ngại thuế quan từ chính quyền Trump áp lên hàng hóa Việt Nam.
Ngành hóa chất ghi nhận lợi nhuận tăng 44,6% trong quý, nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện khi chi phí đầu vào giảm trong khi giá bán duy trì ổn định.
Ngành bán lẻ có lợi nhuận tăng trưởng 44% lợi nhuận trong quý I, chủ yếu nhờ tăng trưởng doanh thu mạnh của MWG. Mảng điện tử ghi nhận doanh thu trên mỗi cửa hàng cải thiện sau tái cơ cấu, trong khi mảng bách hóa tiếp tục mở rộng chuỗi. Dù biên lợi nhuận gộp thấp hơn cùng kỳ, lợi nhuận ròng vẫn tăng 71,3% nhờ kiểm soát chi phí hiệu quả, đặc biệt là khấu hao thấp hơn và không còn chi phí bất thường từ việc thu hẹp chuỗi.
Ngược lại, ngành dầu khí lại trải qua một quý kém sắc do giá dầu thấp. Tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành ghi nhận -63,8% so với cùng kỳ, chủ yếu do giá dầu bình quân trong quý giảm gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến các cổ phiếu có giá bán gắn liền với giá dầu như BSR, PLX và OIL.
Xét theo vốn hóa, VNDIRECT chỉ ra rằng ngoại trừ nhóm vốn hóa nhỏ thì lợi nhuận ròng tất cả các nhóm cổ phiếu đã tăng so với cùng kỳ trong quý I/2025. Trong đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn ghi nhận lợi nhuận tăng vượt trội so với nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, dù tốc độ tăng trưởng đã chậm lại so với quý cuối cùng của năm ngoái.
MSN, VHM, BCM, SSB, GVR và MWG là những cổ phiếu đóng góp hàng đầu. Cụ thể, lợi nhuận ròng quý I của nhóm cổ phiếu VN30 đã tăng 12,8% svck, với 22/30 doanh nghiệp tăng trưởng, dẫn đầu là MSN (+277% svck), VHM (+204% svck), BCM (+203% svck), SSB (+191% svck) và MWG (+149% svck). Ngược lại, PLX ghi nhận lợi nhuận giảm 88% trong bối cảnh giá dầu giảm.
MSN, VHM, BCM, SSB, GVR và MWG là những cổ phiếu đóng góp hàng đầu vào tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường quý I. Ảnh: VNDIRECT
Diên Vỹ