1. Là sinh viên Học viện Hàng không Việt Nam, chị Ngô Hạnh (phường 1, TP.Tân An, tỉnh Long An) từng ấp ủ ước mơ trở thành tiếp viên hàng không. Thế nhưng, chị đành gác lại ước mơ đó để lập gia đình, vun vén cho tổ ấm nhỏ. Ở nhà mãi cũng buồn, chị bắt đầu tập tành kinh doanh, làm bánh và bán online.
“Giai đoạn đầu khởi nghiệp, tôi gặp nhiều khó khăn. Trước đây, tôi sinh sống ở huyện Thủ Thừa nên thường gom các đơn đặt hàng rồi chạy lên TP.Tân An giao cho khách. Dần dần khách thương, biết đến nhiều nên hỏi thêm về các mặt hàng khác. Tôi nắm bắt thị hiếu tiêu dùng, nhập nhiều loại trái cây về bán và mở cửa hàng Green Food Market. Ban đầu, cửa hàng chỉ có vài mét vuông và 4-5 kệ hàng đơn giản. Sáng nào tôi cũng thức từ 2-3 giờ để chạy lấy hàng” - chị Hạnh kể.
Chị Ngô Hạnh (phường 1, TP.Tân An) tất bật chuẩn bị giỏ quà tết cho khách hàng
Mọi khó khăn nhanh chóng qua đi, chị Hạnh dần làm quen với guồng quay công việc thì đại dịch Covid-19 xảy đến. “Trong cái rủi có cái may”, do kinh doanh mặt hàng nông sản nên chị được các sở, ngành tỉnh chọn mua để cung ứng cho người dân.
Cũng trong đợt dịch, chị Hạnh tham gia nhiều đoàn thiện nguyện, tặng quà cho người dân ở các huyện biên giới, vùng sâu, vùng xa. Đến khi dịch bệnh qua đi, nhịp sống trở lại bình thường, chị Hạnh quyết định nhập bánh kẹo về bán để khách có thêm nhiều lựa chọn. “Tôi còn làm giỏ trái cây, giỏ bánh kẹo nhằm đáp ứng nhu cầu tặng đối tác, bạn bè, người thân của khách hàng là cán bộ cơ quan nhà nước, doanh nghiệp,... Ban đầu, tôi gói theo cảm tính và “học lỏm” từ các mẫu trên thị trường rồi theo học lớp đào tạo gói giỏ quà chuyên nghiệp ở Hà Nội. Dần dà, tôi tìm tòi nhiều mẫu mới, lạ mắt và làm theo. May mắn khách ủng hộ, đến khi số lượng đơn hàng tăng vọt, tôi hướng dẫn lại cách gói cho nhân viên để bảo đảm cung ứng đủ số lượng cho khách” - chị Hạnh chia sẻ.
Hiện tại, ngoài bán trực tiếp, chị còn kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Facebook. Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ, cô sinh viên trẻ Học viện Hàng không Việt Nam ngày nào giờ đây đã là chủ 2 cửa hàng nông sản sạch tại TP.Tân An.
Với khối lượng công việc nhiều, chị Hạnh được mẹ và chồng hỗ trợ hết mình nên an tâm làm việc, các con của chị đều ngoan ngoãn, vâng lờ.
2. Là sinh viên trường Đại học Kinh tế - Luật nhưng chị Lương Thị Thanh Hương (phường 4, TP.Tân An) lại có niềm đam mê mãnh liệt với các loại nhạc cụ. Ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, chị tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ và sớm bộc lộ năng khiếu.
Chị Hương chia sẻ, từ lúc 10 tuổi, chị đã yêu thích các loại nhạc cụ và thường xuyên tham gia ca đoàn của Nhà thờ Tân An.
Năm 2013, chị quyết định thành lập ca đoàn thiếu nhi ở TP.Tân An, mỗi tuần đều dành thời gian đi đi về về giữa TP.HCM và Long An để hỗ trợ dạy đàn cho các em.
Trong thời gian đỉnh điểm của đại dịch Covid-19, chị trải qua một vài biến cố tâm lý và tham gia công tác thiện nguyện rồi quyết định khởi nghiệp, làm những việc có ích cho cuộc sống.
Chị Lương Thị Thanh Hương (phường 4, TP.Tân An) hướng dẫn các bé tập đàn
Sau khoảng thời gian làm việc tại TP.HCM, chị quyết định “bỏ phố về quê” và khởi nghiệp với Helen Music Station. Ban đầu, trung tâm giảng dạy của chị Hương chỉ là khoảng sân trống trước nhà với vỏn vẹn 2 cây guitar, 1 cây organ và vài học viên.
Sau khoảng thời gian nỗ lực, cố gắng, hiện tại, số lượng nhạc cụ tăng lên đáng kể với 5 cây organ, 7 cây piano, 20 cây guitar cùng lớp học gồm 2 khu thoáng đãng, sạch sẽ, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 100 học viên.
Để bảo đảm chất lượng giảng dạy, chị Hương theo học lớp ngắn hạn tại Học viện Quản lý giáo dục - NAEM. Chị áp dụng kiến thức đã học vào giảng dạy, ưu tiên hình thức bồi dưỡng 1 kèm 1, giúp các bé phát huy tối đa năng lực, đồng thời tránh áp lực đồng trang lứa.
Ngoài ra, chị còn thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hỗ trợ các bé phát triển kỹ năm mềm như tổ chức cuộc thi nhạc cụ Đêm đông, Giải Thể thao mùa hè 2024, cuộc thi Lãnh đạo tài năng HMS,...
Nhắc về chặng đường khởi nghiệp, chị Hương nói: “Khởi nghiệp là quá trình dài hơi. Tôi vẫn đang cố gắng từng ngày để không phí hoài tuổi trẻ. Bên cạnh ước mong thành công, tôi còn hy vọng mang lại những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, trao truyền cho học viên tình yêu với âm nhạc”.
Dù hoạt động khác lĩnh vực nhưng với sự đam mê, kiên trì, chị Ngô Hạnh và chị Lương Thị Thanh Hương gặt hái thành công nhất định, phần nào truyền cảm hứng cho “phái đẹp” đang ấp ủ ước mơ khởi nghiệp./.
Ngọc Hân