Những 'quả bom' trong khu dân cư ở Hải Dương

Những 'quả bom' trong khu dân cư ở Hải Dương
2 giờ trướcBài gốc
Những điểm thu mua, tập kết phế liệu tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn cao nằm ngay trong các khu dân cư. Ảnh chụp tại ngõ 195, đường Phạm Văn Đồng, TP Hải Dương
Thời tiết mới nắng hanh gần 1 tuần, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ cháy rừng, cháy bãi tập kết cành cây sau bão. Mối nguy hỏa hoạn vẫn hiện hữu ở nhiều nơi, trong đó có các cơ sở thu mua phế liệu, nhất là các điểm tập kết, thu gom phế liệu trong các khu dân cư.
Điểm chung của những cơ sở này là có nhiều vật liệu dễ cháy, từ vỏ bao xi măng, giấy vụn, bìa các tông đến xốp, nhựa, vải vụn… Thậm chí trong số phế thải ấy có cả vỏ bình gas mi ni, thùng sơn, hóa chất dễ cháy. Kỳ lạ hơn nữa, không ít chủ cơ sở còn kiêm luôn cả thợ cơ khí, tranh thủ hàn lại những rào sắt, tủ sắt, thùng hàng với mục đích tái chế các sản phẩm bỏ đi thành vật dụng có ích, bất chấp việc tia lửa từ que hàn rơi xuống có thể gây cháy.
Thực tế đã có nhiều vụ cháy xảy ra tại các cơ sở thu gom phế liệu trong những năm qua như vụ cháy tại nhà tái chế phế liệu công nghiệp của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Vạn Hải Sơn ở khu 6, phường Phú Thứ (Kinh Môn) cuối tháng 12/2020; vụ hỏa hoạn tại khu vực chứa vải vụn phế liệu của một doanh nghiệp ở thị trấn Nam Sách hồi tháng 4/2022 và nhiều vụ nhỏ lẻ khác.
Báo Hải Dương đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ hỏa hoạn từ các điểm thu mua phế liệu này nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Chỉ cần dạo vài tuyến đường, tuyến phố ở khắp các địa phương trong tỉnh sẽ thấy không ít các điểm tập kết, thu gom phế thải bên đường, ngay sát nhà dân vẫn nghiễm nhiên tồn tại, không có dấu hiệu nào cho thấy được phòng cháy một cách cẩn thận, chưa kể việc gây mất mỹ quan và vệ sinh môi trường cho cư dân xung quanh.
Câu hỏi đặt ra là ai quản lý vấn đề này? Tôi đã từng đem thắc mắc hỏi trưởng khu dân cư nơi mình sinh sống khi thấy có quá nhiều hộ bất bình về điểm thu mua phế liệu trong khu. Câu trả lời là, khu chỉ nhắc nhở hộ kinh doanh chú ý bảo đảm môi trường và phòng cháy thôi, chứ họ xin cấp phép từ cấp trên, chúng tôi không quản được.
Tìm hiểu quy định của pháp luật thì được biết thu mua phế liệu là hoạt động kinh doanh thuộc nhóm 38 – hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải, tái chế phế liệu - trong danh mục các ngành nghề kinh tế Việt Nam theo Quyết định số 27/2018/QĐ-Ttg ngày 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, khi kinh doanh thu mua phế liệu thì thương nhân phải đăng ký kinh doanh. Mặc dù đây không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện (trừ hoạt động nhập khẩu phế liệu) theo quy định của Luật Đầu tư 2020, song cũng cần đáp ứng các điều kiện về đăng ký kinh doanh, an toàn môi trường, kho bãi như: được cấp phép thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; thực hiện cam kết bảo vệ môi trường; có biên bản kiểm tra xác nhận phòng cháy, chữa cháy từ cơ quan quản lý chuyên ngành…
Như vậy, xét về mặt quản lý nhà nước, UBND cấp xã, cấp huyện và các lực lượng chức năng về môi trường, phòng cháy, chữa cháy đều có thể kiểm tra, xử lý các hộ kinh doanh, thu mua phế liệu vi phạm quy định.
Đã đến lúc cần đưa ra quy định cụ thể về khoảng cách an toàn từ điểm thu mua phế liệu đến cộng đồng dân cư; quy định chặt chẽ hơn các yêu cầu về vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy với các điểm thu mua phế liệu nhỏ lẻ, tiến tới yêu cầu di dời các điểm thu mua này ra khỏi khu dân cư.
Chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở và các ngành chức năng chớ coi thường những “quả bom” tưởng như nhỏ này, bởi một khi chúng phát nổ thì thiệt hại sẽ rất lớn cho người dân và môi trường xung quanh, nhất là trong mùa hanh khô.
HOÀI ANH
Nguồn Hải Dương : https://baohaiduong.vn/nhung-qua-bom-trong-khu-dan-cu-o-hai-duong-395157.html