Những quốc gia nào từng cấm Telegram?

Những quốc gia nào từng cấm Telegram?
4 giờ trướcBài gốc
Pavel Durov - Tổng GĐ điều hành và đồng sáng lập Telegram. (Ảnh: TechCrunch)
Ngày 24-5, chia sẻ với Hãng tin Reuters, đại diện Telegram cho biết họ "ngạc nhiên" trước thông báo từ phía Việt Nam và đã phản hồi các yêu cầu pháp lý đúng hạn. Hạn chót để phản hồi là ngày 27-5 và họ đang xử lý yêu cầu này.
Trước đó, ngày 23-5, Cục Viễn thông (Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã có văn bản về việc ngăn chặn hoạt động của dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Quyết định mạnh mẽ này được đưa ra theo đề xuất từ Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) thuộc Bộ Công an, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc làm sạch không gian mạng và bảo đảm an ninh quốc gia.
Euronews cho biết 31 quốc gia đã, đang điều tra, cấm, hạn chế sử dụng Telegram. (Ảnh: Tass)
Telegram là một trong số nhiều ứng dụng trò chuyện thay thế cho phép bạn nhắn tin, gọi thoại và gọi video miễn phí. Mặc dù không phổ biến như các đối thủ chính (như WhatsApp, Facebook Messenger hay Snapchat), Telegram đã tạo ra được chỗ đứng đáng kể nhờ tính dễ sử dụng, tùy chọn tùy chỉnh và khả năng truyền tải tin nhắn đến nhiều đối tượng.
Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất đặt câu hỏi về tính an toàn của Telegram. Trên toàn cầu, ứng dụng này đã đối mặt với nhiều lệnh cấm hoặc hạn chế do những lo ngại tương tự.
Năm 2024, ứng dụng này đã trở thành mục tiêu chỉ trích gay gắt sau khi người đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Pavel Durov bị bắt giữ gần Paris, Pháp vì các hành vi phạm tội liên quan đến ứng dụng nhắn tin này, chẳng hạn như tội phạm có tổ chức.
Theo Hãng tin Reuters, ứng dụng nhắn tin miễn phí Telegram có gần 1 tỉ người dùng trên toàn thế giới. Mạng xã hội này cũng đã vướng vào các tranh cãi trên toàn cầu về các lo ngại về bảo mật và vi phạm dữ liệu, ảnh hưởng đến hơn 3 tỷ người trên toàn cầu. Hàn Quốc và Pháp là những quốc gia mới nhất có hành động pháp lý chống lại Telegram.
Theo Euronews, 31 nước đã, đang điều tra, cấm hoặc hạn chế sử dụng ứng dụng nhắn tin mã hóa từ năm 2015, bao gồm: Vương quốc Anh, Tây Ban Nha, Na Uy, Đức, Ukraine, Nga, Belarus, Trung Quốc, Iran, Ấn Độ, Thái Lan…
Na-uy coi Telagram là mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia. (Ảnh: Reuters)
Tại Hàn Quốc, tháng 9/2024, cảnh sát Hàn Quốc đã lập kế hoạch phối hợp với các cơ quan điều tra của Pháp và các tổ chức quốc tế để điều tra Telegram về việc trở thành nền tảng phát tán nhiều thông tin sai lệch và tạo điều kiện cho chủ nghĩa cực đoan.
Trong khi đó tại Ukraine, Telegram là ứng dụng được nhiều người sử dụng từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine diễn ra đầu năm 2022. Nó được dùng để liên lạc trên chiến trường. Tuy nhiên, người Nga cũng tìm kiếm thông tin từ các tin nhắn trên Telegram và tuyên truyền thông tin thông qua kênh này.
Đó là lý do Ukraine cân nhắc cấm Telegram trừ khi công ty thực hiện một số thay đổi nhất định như đặt văn phòng trong nước, xóa nội dung gây hại hoặc sai sự thật./.
TRẦN THÚY
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/nhung-quoc-gia-nao-tung-cam-telegram-post324655.html