Tổng thống Donald Trump và một sắc lệnh hành pháp trong những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ - Ảnh: AP
Ngay khi chính thức nhậm chức Tổng thống thứ 47 của Mỹ, ông Trump đã ký gần 100 sắc lệnh với nhiều chính sách mới từ nhập cư, năng lượng đến kinh tế, thuế quan.
Nước Mỹ trước tiên
Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh đổi tên Vịnh Mexico thành Vịnh Mỹ. Ngọn núi cao nhất ở Bắc Mỹ hiện mang tên Denali sẽ được đổi lại thành Núi McKinley – tên ban đầu của ngọn núi này trước khi Tổng thống Barack Obama đổi tên. Theo nội dung sắc lệnh do thư ký báo chí của tổng thống đăng trực tuyến, việc đổi tên là để tôn vinh "sự vĩ đại của nước Mỹ".
Di cư
Tân Tổng thống Mỹ đã ký tới 10 sắc lệnh hành pháp liên quan tới vấn đề an ninh biên giới phía nam và chống nhập cư trái phép ngay trong ngày cầm quyền đầu tiên. Đáng chú ý là sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia tại biên giới, tạo điều kiện cho quân đội Mỹ hoàn thành việc xây dựng bức tường biên giới giáp Mexico và cho phép Lầu Năm Góc triển khai lực lượng quân thường trực vùng các thành viên Vệ binh Quốc gia tới khu vực này. Ngoài ra, Washington còn đình chỉ chương trình tái định cư người tị nạn trong ít nhất 4 tháng.
Tổng thống Trump cũng ký sắc lệnh chấm dứt quyền công dân dựa trên nơi sinh, vốn được ghi trong Tu chính án số 14 của Hiến pháp Mỹ, theo đó sẽ không cấp quyền công dân cho những trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Mỹ nhưng cha mẹ không có tư cách công dân Mỹ. Tuy nhiên, động thái này chắc chắn sẽ đối mặt với những thách thức pháp lý từ các cơ quan lập pháp.
Khí hậu và năng lượng
Tổng thống Trump sẽ ký sắc lệnh nới lỏng hệ thống quy định trước đây của chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden áp đặt các hạn chế nhằm vào các công ty khai thác nhiên liệu hóa thạch. Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump một lần nữa sẽ rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đưa quốc gia có lượng khí thải lớn nhất thế giới ra khỏi nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu lần thứ 2 trong vòng 1 thập kỷ. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng sẽ chấm dứt những chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực xe điện.
Mỹ khôi phục khai thác dầu khí tại Bắc Cực và ven biển
Một trong những quyết định đầu tiên của Tổng thống Trump là hủy bỏ các nỗ lực của chính quyền Biden nhằm cấm khai thác dầu khí tại Bắc Cực và các khu vực ven biển nước Mỹ. Trước đó, ông Biden đã ban hành lệnh cấm khai thác dầu khí ngoài khơi trên hầu hết các bờ biển Mỹ nhưng phần lớn chỉ mang tính biểu tượng và không ảnh hưởng đến các khu vực thác.
Sắc lệnh mới của ông Trump không chỉ cho phép khai thác trở lại, mà còn hủy bỏ một bản ghi nhớ năm 2023 vốn cấm tiến hành khai thác trên diện tích rộng 6,5 triệu ha ở Bắc Cực. Bằng bước đi này, ông Trump đã cho thấy rõ chiến lược năng lượng của mình, bao gồm ưu tiên sản xuất nội địa và giảm bớt phụ thuộc vào các nguồn năng lượng từ nước ngoài.
Ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về năng lượng
Cũng trong ngày nhậm chức, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về năng lượng. Đây là lần đầu tiên Mỹ sử dụng quyền lực khẩn cấp để thúc đẩy sản xuất năng lượng nhằm giảm chi phí cho người dân và đảm bảo nguồn cung ổn định. Nó cũng mở đường cho việc tăng cường sản xuất năng lượng nội địa, qua đó khẳng định vị thế dẫn đầu toàn cầu của Mỹ trong lĩnh vực này. Hiện Mỹ là nhà sản xuất dầu thô và khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, đồng thời đứng đầu về xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Trong lĩnh vực công nghệ, ông Trump đã thu hồi sắc lệnh của ông Biden về việc kiểm soát rủi ro trí tuệ nhân tạo (AI).
Ông Trump công bố dự án đầu tư 500 tỷ USD cho AI
Tổng thống Trump công bố dự án đầu tư lên tới 500 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo, dẫn đầu bởi Softbank, Oracle và OpenAI.
Dự án mang tên Stargate "sẽ đầu tư ít nhất 500 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo tại Mỹ. Dự án lớn lao này là lời tuyên bố vang dội về niềm tin vào tiềm năng của nước Mỹ dưới thời tổng thống mới", ông Donald Trump ngày 21/1 cho biết trong bài phát biểu tại Nhà Trắng.
Giám đốc điều hành (CEO) OpenAI Sam Altman, CEO SoftBank Masayoshi Son và nhà sáng lập Oracle Larry Ellison tham dự buổi công bố.
Công bố hồ sơ vụ ám sát Tổng thống Mỹ Kennedy
Trong sắc lệnh được ký duyệt ngày 23/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ đạo giám đốc tình báo quốc gia và Bộ trưởng Tư pháp trình bày kế hoạch nhằm giải mật các hồ sơ liên quan vụ ám sát tổng thống John F. Kennedy trong vòng 15 ngày.
"Tôi xác định tiếp tục che giấu thông tin trong các hồ sơ liên quan vụ ám sát tổng thống Kennedy là không phù hợp với lợi ích công cộng và động thái công bố các hồ sơ này đáng lẽ phải thực hiện từ lâu", sắc lệnh có đoạn.
Trong sắc lệnh, ông Trump cũng cho giới chức 45 ngày để xem xét các hồ sơ liên quan vụ ám sát cựu bộ trưởng tư pháp Robert F. Kennedy, em trai cố Tổng thống Kennedy, và mục sư Martin Luther King, Jr., sau đó trình lên Tổng thống kế hoạch để "công bố đầy đủ và toàn diện các hồ sơ này".
"Rất nhiều người đã chờ đợi điều này suốt nhiều thập kỷ. Mọi thứ sẽ được tiết lộ", ông Trump nói với phóng viên khi ký sắc lệnh tại Nhà Trắng.
Các băng đảng ma túy
Truyền thông đưa tin ông Trump có kế hoạch liệt các băng đảng ma túy là các tổ chức khủng bố nước ngoài, hoàn thành lời hứa mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử là sẽ truy quét nguồn gốc của chất gây nghiện fentanyl.
Chính sách làm việc của nhân viên liên bang
Ông Trump tuyên bố sẽ sẽ chấm dứt các chính sách làm việc tại nhà cho hàng chục nghìn viên chức liên bang, vốn đã được ban hành trong đại dịch COVID-19. Vào tháng 12/2024, Trump cho biết sẽ sa thải bất kỳ viên chức liên bang nào không trở lại văn phòng khi chính quyền mới của ông nhậm chức.
Rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO)
Tổng thống Trump ký sắc lệnh hành pháp bắt đầu quá trình rút Mỹ khỏi WHO. Quyết định của Mỹ rút khỏi WHO sẽ có hiệu lực trong 12 tháng và Washington cũng sẽ cắt mọi đóng góp tài chính cho tổ chức này, vốn chiếm khoảng 18% ngân sách hoạt động của WHO. Nhiều nhà khoa học lo ngại hành động này có thể làm mất đi những thành quả đã đạt được trong hàng thập kỷ trong việc chống lại các bệnh truyền nhiễm như AIDS, sốt rét và bệnh lao. Các chuyên gia cũng cảnh báo động thái này có thể làm suy yếu khả năng phòng vệ của thế giới trước những đợt bùng phát nguy hiểm mới có nguy cơ gây đại dịch.
Thuế quan
Tân Tổng thống Trump đã tuyên bố thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu "không có giá trị hay hiệu lực" tại Mỹ. Tuyên bố này của "ông chủ Nhà Trắng" đồng nghĩa với việc Mỹ chính thức rút khỏi thỏa thuận mang tính lịch sử mà chính quyền tiền nhiệm đã đàm phán với gần 140 quốc gia năm 2021.
Về thuế quan, ông chủ thứ 47 của Nhà Trắng đã ký các sắc lệnh áp thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Mỹ từ Canada và Mexico, và áp thêm 10% thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Trung Quốc; chỉ đạo các cơ quan liên bang khởi động điều tra các hoạt động thương mại như thâm hụt thương mại, các hoạt động tiền tệ bất bình đẳng, hàng giả và quy định đặc biệt cho phép các mặt hàng có giá trị thấp xuất khẩu vào nền kinh tế lớn nhất thế giới mà không bị đánh thuế.
Cho phép Tiktok tiếp tục hoạt động
Tân Tổng thống Mỹ đã ký lệnh hành pháp cho phép mạng Tiktok hoạt động thêm 75 ngày, để tạo điều kiện cho công ty mẹ ByteDance thoái vốn khỏi ứng dụng này.
Viện trợ nước ngoài
Tổng thống Trump quyết định tạm dừng cấp viện trợ cho nước ngoài trong 90 ngày. Ông đã ký sắc lệnh yêu cầu "tất cả những người đứng đầu các bộ và cơ quan chịu trách nhiệm về các chương trình hỗ trợ phát triển nước ngoài của Mỹ sẽ ngay lập tức tạm dừng các nghĩa vụ mới và giải ngân các quỹ hỗ trợ phát triển" để chờ đánh giá về tính hiệu quả và tính nhất quán với chính sách đối ngoại của Mỹ.
Vụ bạo loạn tại Điện Capitol
Tổng thống Trump cho biết ông sẽ ân xá cho khoảng 1.500 bị cáo trong vụ bạo loạn ngày 6/1/2021 tại Điện Capitol.
Theo Baochinhphu.vn