Bởi lẽ, hội nghị lần này đã bàn những quyết sách mang tính lịch sử và quyết định rất nhiều nội dung quan trọng, cốt lõi của đất nước, của dân tộc và mang tầm chiến lược cả trăm năm trong giai đoạn cách mạng mới của Việt Nam. Đó là, trung ương đã thảo luận và đi đến thống nhất cao về việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố thuộc tỉnh).
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp lần thứ 3 về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Tính “lịch sử” của hội nghị còn thể hiện qua việc trung ương thống nhất về số lượng đơn vị cấp tỉnh (34 tỉnh, thành phố gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc trung ương) cùng với tên gọi và nơi đặt trung tâm hành chính - chính trị của các tỉnh, thành phố mới. Thống nhất kết thúc hoạt động của cấp huyện sau khi Quốc hội quyết nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) và sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã với mục tiêu giảm khoảng 60 - 70% số đơn vị hành chính cấp xã trong cả nước so với hiện nay.
Phải khẳng định rằng, đây là những nội dung hoàn toàn mới, phức tạp, chưa có tiền lệ và phải thực hiện trong hoàn cảnh “vừa chạy, vừa xếp hàng”. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị chu đáo, khoa học, đột phá, chặt chẽ và tinh thần quyết tâm chính trị cao, sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân, cùng tinh thần đổi mới không ngừng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII đã hoàn thành xuất sắc các nội dung và chương trình đã đề ra.
Đánh dấu đây là hội nghị mang một dấu mốc lịch sử trong hành trình cải cách toàn diện và hiện đại hóa nền hành chính Việt Nam. Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, mục tiêu của các quyết sách chiến lược nói trên là xây dựng chính quyền theo hướng “gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn”, đồng thời mở ra cục diện mới cho sự phát triển của đất nước với tầm nhìn lâu dài, ít nhất là cho 100 năm tới.
Những quyết sách đó không đơn giản chỉ là bước đi mang tính kỹ thuật tổ chức, mà còn mang ý nghĩa chính trị sâu sắc, thể hiện rõ quyết tâm đổi mới và hiện đại hóa bộ máy nhà nước theo hướng phục vụ, hiệu quả, minh bạch và dân chủ hơn của Đảng ta, đặc biệt là người đứng đầu của Đảng ta hiện nay là Tổng Bí thư Tô Lâm. Xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, chuyển từ quản lý thụ động sang chủ động phục vụ nhân dân, mô hình quản trị hiện đại kiến tạo phát triển, đủ năng lực tổ chức triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống; biến khát vọng phát triển đất nước đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao thành hiện thực.
Việc tinh gọn bộ máy không chỉ đơn thuần là giảm số lượng tổ chức hay biên chế, mà còn là tái cấu trúc tổng thể cả hệ thống chính trị. Mục tiêu là để khắc phục tình trạng cồng kềnh, chồng chéo chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan. Loại bỏ sự trùng lặp, trung gian không cần thiết; nâng cao tính linh hoạt và năng lực phản ứng chính sách của bộ máy hành chính. Tổ chức bộ máy lần này không phải xây dựng theo tư duy “chia đều”, mà là dựa trên nguyên tắc chức năng – nhiệm vụ – hiệu quả thực tiễn.
ĐỨC NGUYỄN