Khí đốt tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Hình minh họa
Báo cáo của Wood Mackenzie nhấn mạnh tầm quan trọng của khí đốt trong việc hỗ trợ năng lượng tái tạo và giảm phát thải; giá carbon là yếu tố cần thiết để LNG thay thế than đá; phân tích cho thấy LNG phát thải khí nhà kính ít hơn 60% so với than.
Khí đốt – Trụ cột quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng
Theo báo cáo mới nhất của Wood Mackenzie có tiêu đề “Cầu nối: Vai trò quan trọng của khí đốt trong quá trình chuyển đổi năng lượng”, khí đốt sẽ tiếp tục đóng vai trò thiết yếu trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, hỗ trợ mở rộng năng lượng tái tạo và đẩy nhanh việc loại bỏ than đá.
Dù thế giới đang dần hướng tới năng lượng tái tạo, khí đốt vẫn là một nguồn cung cấp quan trọng để đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu và giảm phát thải trong trung hạn.
“Trong 25 năm qua, nhu cầu khí đốt đã tăng 80% và hiện chiếm gần 25% tổng nhu cầu năng lượng toàn cầu”, ông Massimo Di Odoardo, Phó Chủ tịch Nghiên cứu về Khí đốt và LNG tại Wood Mackenzie cho biết. “Thành công của khí đốt đến từ nguồn tài nguyên dồi dào, chi phí khai thác thấp, khả năng lưu trữ và điều phối dễ dàng, cùng với lợi thế về mặt môi trường so với các nhiên liệu hóa thạch khác”, ông nói.
Điện khí hóa sẽ là động lực chính giúp giảm phát thải CO2, đặc biệt khi nguồn cung điện từ năng lượng tái tạo ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, tốc độ điện khí hóa không thể diễn ra quá nhanh và việc áp dụng các công nghệ carbon thấp mới, như hydro, vẫn đang ở giai đoạn đầu và tiến triển chậm. Hiện tại, than đá vẫn chiếm 30% nhu cầu năng lượng toàn cầu, nên việc chuyển đổi sang khí đốt như một nguồn nhiên liệu trung gian là một giải pháp hợp lý.
Những phát hiện chính từ báo cáo
Khi bị đốt cháy, khí đốt chỉ tạo ra một nửa lượng CO2 so với than và 70% so với dầu, đồng thời ít gây ô nhiễm hơn nhiều, khiến nó trở thành lựa chọn sạch nhất trong số các nhiên liệu hóa thạch.
Việc thay thế than bằng khí đốt đã giúp giảm đáng kể lượng CO2 và có thể tiếp tục hỗ trợ quá trình khử carbon tại các thị trường châu Á, nơi vẫn phụ thuộc nhiều vào than.
Các nhà máy điện sử dụng khí đốt đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung điện ổn định và linh hoạt, hỗ trợ tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo không liên tục.
Khí đốt có thể là chất xúc tác thúc đẩy các công nghệ carbon thấp khác, bao gồm thu giữ và lưu trữ carbon (CCS) và hydro carbon thấp.
Những thách thức còn tồn tại
Báo cáo cũng chỉ ra những rào cản mà ngành công nghiệp khí đốt đang phải đối mặt.
Giá LNG tăng cao từ năm 2022 có nguy cơ làm giảm khả năng mở rộng việc sử dụng khí đốt tại châu Á. Để thúc đẩy sự dịch chuyển này, cần có cơ chế định giá carbon phù hợp.
“Tại Trung Quốc và Ấn Độ, nơi khí đốt chủ yếu được sử dụng để cân bằng tải điện, nhu cầu khí đốt dự kiến sẽ tăng gần 100 tỷ mét khối (bcm) vào năm 2050. Đây là giải pháp thực tế nhất để đảm bảo tính linh hoạt khi đầu tư vào năng lượng tái tạo tăng cao”, ông Di Odoardo nói. “Tuy nhiên, nếu không có mức giá carbon khoảng 100 USD/tấn, việc giảm sự phụ thuộc vào than tại 2 quốc gia này là một thách thức rất lớn. Nhưng nếu làm được, có thể giúp giảm hơn 300 triệu tấn CO2 vào năm 2035”, ông nhận định.
Vấn đề phát thải cũng là một bài toán đáng lưu tâm. Mặc dù khí đốt và LNG vẫn tạo ra khí nhà kính, nhưng theo báo cáo, các cáo buộc cho rằng chuỗi giá trị LNG phát thải nhiều khí nhà kính hơn than là không có cơ sở.
“Phân tích của chúng tôi cho thấy trung bình, LNG có cường độ phát thải khí nhà kính thấp hơn khoảng 60% so với than. Ngay cả khi tính toán theo dự báo nóng lên toàn cầu (GWP) trong 20 năm và so sánh LNG có mức phát thải khí methane cao so với than đốt trong các nhà máy hiệu suất cao, LNG vẫn ít phát thải hơn 26%”, ông Di Odoardo giải thích. “Dù vậy, lượng CO2 và methane phát thải từ LNG cần được xử lý khẩn cấp để đảm bảo vị thế của LNG như một nguồn nhiên liệu bắc cầu quan trọng”, ông bổ sung.
Tương lai của LNG trong quá trình chuyển đổi năng lượng
Báo cáo kết luận rằng khí đốt, đặc biệt là LNG, sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch sang một tương lai ít carbon hơn, là cầu nối quan trọng khi các công nghệ carbon thấp mới vẫn đang trên đường đạt đến quy mô thương mại.
Nh.Thạch
AFP