Những rủi ro của Hàn Quốc khi cân nhắc phát triển vũ khí hạt nhân

Những rủi ro của Hàn Quốc khi cân nhắc phát triển vũ khí hạt nhân
một ngày trướcBài gốc
Tàu ngầm USS Vermont của Hải quân Mỹ cập bến căn cứ hải quân ở thành phố Busan, Hàn Quốc ngày 23/9/2024. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Gần đây, Bộ Năng lượng Mỹ đã đưa Hàn Quốc vào danh sách các "quốc gia nhạy cảm", làm dấy lên những suy đoán và tranh luận sôi nổi trong giới học giả và chính trị gia Hàn Quốc. Nhiều người cho rằng động thái này của Mỹ có thể báo hiệu lo ngại ngày càng tăng về những tiếng nói ủng hộ vũ khí hạt nhân đang mạnh mẽ hơn ở Seoul.
Cuộc tranh luận về việc Hàn Quốc có nên sở hữu vũ khí hạt nhân tập trung vào ba yếu tố chính: liệu nước này có lý do chính đáng để phát triển vũ khí hạt nhân hay không, tính khả thi về mặt kỹ thuật và ngoại giao. Ngoài ra, còn có câu hỏi liệu một quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu như Hàn Quốc có thể chịu đựng được các lệnh trừng phạt quốc tế nếu cộng đồng quốc tế phản đối hay không.
Jun Bong-geun, chuyên gia hạt nhân và là Chủ tịch Hiệp hội Chính sách Hạt nhân Hàn Quốc, đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình với Korea Times: "Nói một cách đơn giản, Hàn Quốc đang ở vị thế tệ nhất để phát triển vũ khí hạt nhân riêng". Ông chỉ ra rằng bất kỳ quốc gia nào theo đuổi vũ khí hạt nhân đều phải chuẩn bị tinh thần bị áp đặt các lệnh trừng phạt quốc tế nghiêm ngặt. Chuyên gia này đặt vấn đề: "Chúng ta có sự đồng thuận quốc gia về vấn đề này không? Lãnh đạo của chúng ta có đủ mạnh để thúc đẩy không? Câu trả lời là không".
Một câu hỏi quan trọng khác là liệu Mỹ, quốc gia luôn kiên định với chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân, có cho phép Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân hay không. Một số người cho rằng Tổng thống Donald Trump có thể sẽ cởi mở với ý tưởng này, vì có thể làm giảm trách nhiệm của Washington trên Bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, chuyên gia Jun Bong-geun tin rằng điều này khó có thể xảy ra. Ông lập luận rằng Washington, ngay cả dưới thời ông Trump, khó có khả năng từ bỏ chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân, vốn là nền tảng trong chính sách đối ngoại của nước này. Ông dẫn chứng việc Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio gần đây đã công khai phản đối Ukraine sở hữu vũ khí hạt nhân.
Ngoài những cân nhắc về chính trị và ngoại giao, một số người còn nghi ngờ về khả năng kỹ thuật của Hàn Quốc trong phát triển các cơ sở làm giàu và tinh chế, vốn là yếu tố then chốt để chế tạo vũ khí hạt nhân. Ông Jun Bong-geun ước tính rằng nếu không có bất kỳ cơ sở vật chất nào, sẽ mất ít nhất ba năm để xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết, ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất. Chuyên gia trên cũng lưu ý rằng điều này còn phụ thuộc vào việc Hàn Quốc không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt khiến họ không thể tiếp cận các vật liệu cần thiết.
Tuy nhiên, bất chấp những lo ngại này, cuộc tranh luận về việc Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân khó có thể lắng xuống, đặc biệt là khi niềm tin vào khả năng răn đe mở rộng của Mỹ ngày càng suy giảm. Sự ủng hộ của công chúng đối với việc sở hữu vũ khí hạt nhân ở Hàn Quốc hiện đang ở mức cao, dao động từ 60 đến 70% trong các cuộc khảo sát gần đây. Điều này cho thấy một bộ phận lớn người dân tin rằng Hàn Quốc cần có một bước đi táo bạo để tự bảo vệ mình.
Cheong Seong-chang, Giám đốc Trung tâm Chiến lược Bán đảo Triều Tiên tại Viện Sejong, là một người ủng hộ mạnh mẽ cho việc Hàn Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân. Ông dẫn đầu một nhóm các nhà nghiên cứu trong nước thúc đẩy phát triển vũ khí hạt nhân và đã xuất bản một cuốn sách vào năm 2023 ủng hộ lập trường này. Ông Cheong cho biết chủ đề này, vốn từng là điều cấm kỵ trong giới học giả, đã nhận được sự quan tâm đáng kể kể từ năm 2022, sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra và Bình Nhưỡng đẩy mạnh tham vọng hạt nhân của mình.
Ông Cheong giải thích rằng nếu Hàn Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân của riêng mình, an ninh và quan hệ liên Triều sẽ không còn bị ảnh hưởng đáng kể bởi những thay đổi trong chính sách của Mỹ. Ông chỉ ra rằng Seoul đôi khi cảm thấy thất vọng khi Mỹ sử dụng các đảm bảo an ninh của mình làm con bài mặc cả, chẳng hạn như khi Tổng thống Trump đe dọa rút quân đội Mỹ khỏi Hàn Quốc trừ khi Seoul tăng chi phí quốc phòng. Ông Cheong đặt ra một tình huống giả định: "Hãy tưởng tượng nếu Mỹ quyết định rút lực lượng của họ tại Hàn Quốc (USFK). Trong kịch bản đó, ngay cả những người hiện đang phản đối vũ khí hạt nhân cũng sẽ nghiêm túc cân nhắc điều đó. Nhưng đến lúc đó, sẽ quá muộn để chúng ta bắt đầu thảo luận".
Ông Cheong nhấn mạnh rằng đây là một chương trình nghị sự dài hạn và cần có một sự xem xét kỹ lưỡng ngay từ bây giờ. Đồng thời, Hàn Quốc cũng cần nỗ lực ngoại giao để thuyết phục các quốc gia láng giềng như Trung Quốc và Nhật Bản chấp nhận lập trường của mình. Ông cũng cho rằng Hàn Quốc có thể đàm phán với Mỹ để sửa đổi thỏa thuận năng lượng hạt nhân hiện tại và sử dụng nó như một đòn bẩy nếu Tổng thống Trump yêu cầu chia sẻ chi phí quốc phòng cao hơn. Theo ông, một Hàn Quốc có tiềm năng hạt nhân có thể giúp Mỹ kiềm chế Trung Quốc.
Những người ủng hộ việc Hàn Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân cũng chỉ ra rằng các cuộc thảo luận tương tự đang diễn ra ở các quốc gia châu Âu như Đức và Ba Lan, cho thấy một sự thay đổi trong nhận thức về an ninh toàn cầu. Ông Cheong kết luận: "Trong một thế giới mà Mỹ không còn muốn đóng vai trò là cảnh sát toàn cầu, mỗi quốc gia cần có biện pháp riêng để đảm bảo an ninh".
Tóm lại, tham vọng hạt nhân của Hàn Quốc là một vấn đề phức tạp, đan xen giữa nhu cầu tự vệ trước mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng từ Triều Tiên và những rủi ro tiềm ẩn về mặt ngoại giao, kinh tế và an ninh khu vực. Việc Seoul quyết định đi theo con đường nào sẽ có những tác động sâu sắc đến tương lai của Bán đảo Triều Tiên và trật tự an ninh ở Đông Bắc Á.
Vũ Thanh/Báo Tin tức
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/quan-su/nhung-rui-ro-cua-han-quoc-khi-can-nhac-phat-trien-vu-khi-hat-nhan-20250401090432780.htm