Để lọt vào nhóm hiếm hoi trên thế giới đạt điểm tuyệt đối SAT, đòi hỏi các thí sinh sự xuất sắc toàn diện về kỹ năng đọc hiểu, suy luận và tư duy logic, nhưng trước hết là chiến thuật học tập và làm bài hiệu quả.
Phạm Đỗ Thái An (lớp 12 chuyên Sinh, Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội) cho hay, trong 3 tháng ôn luyện thi SAT, ngoài theo học tại một trung tâm, em tự tìm kiếm tài liệu trên mạng để luyện tập.
An đánh giá phần Toán của bài thi SAT không quá khó nhằn. “Mặc dù bài thi tổng hợp khá nhiều dạng toán như phương trình, đường thẳng, lượng giác... nhưng với học sinh Việt Nam, những kiến thức này đều không đánh đố”.
Tuy nhiên, An cho rằng, có một số câu hỏi “dễ lừa” nếu thí sinh không để ý, chẳng hạn thay vì yêu cầu tìm x, đề sẽ hỏi tìm 3x, 4x. Nếu không đọc kỹ đề, thí sinh sẽ rất dễ nhầm lẫn.
Phạm Đỗ Thái An (lớp 12 chuyên Sinh, Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội) đạt điểm SAT tuyệt đối 1.600.
Với cá nhân An, thách thức không ở phần Toán mà nằm ở phần Đọc Viết. Nữ sinh thường sai ở các bài dạng Words in context. Để cải thiện, mỗi lần sai, An thường ghi chép nội dung hay nhầm lẫn, đến cuối tuần sẽ in thành một tập để chữa lại.
Một bí quyết của An khi làm phần Đọc Viết là tránh đọc dịch từng câu chữ - việc khá tốn thời gian. Thay vào đó, em tìm từ khóa, nắm ý chính của bài, từ đó tăng tốc độ đọc và dễ hiểu hơn. “Một số bạn có thói quen học thuộc những câu hay lặp lại trong đề. Nhưng thực tế, đôi khi trong đề có thể giữ đoạn đầu bài và thay đổi ở câu hỏi. Nếu ỷ lại sự giống nhau mà không để ý câu hỏi, chọn theo điều mình thuộc sẽ rất dễ sai. Vì vậy, cách học hiệu quả là rèn tư duy để giải bài”, An nói.
Nguyễn Thị Diệu Anh (lớp 12 Anh 1, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) chia sẻ để có kết quả học tập tốt, em chú trọng nắm chắc kiến thức căn bản trước khi mở rộng hay tăng dần bài tập nâng cao.
Nữ sinh luôn tập trung nghe giảng và tranh thủ giải quyết các bài tập trên lớp để về nhà có thời gian cho việc tìm kiếm, học thêm các kiến thức mới hoặc bổ trợ.
Diệu Anh luôn cố gắng luyện nói và dùng tiếng Anh trong mọi hoạt động, bối cảnh hằng ngày. Em học theo cách tự nhiên, không gò ép bản thân mỗi ngày phải nghe đủ bao nhiêu giờ...
Nguyễn Thị Diệu Anh (lớp 12 Anh 1, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) đạt điểm SAT tuyệt đối 1.600.
Trước mỗi kỳ thi, Diệu Anh cố gắng luyện càng nhiều đề càng tốt. “Em học qua việc luyện đề và luôn có một quyển vở để ghi lại những lỗi sai khi luyện. Cứ sai chỗ nào, em sẽ tập trung học thêm, đọc thêm kiến thức vùng đó”, nữ sinh nói.
Diệu Anh cho rằng, tinh thần luôn nỗ lực, không bỏ cuộc cũng rất quan trọng. Để đạt điểm SAT tuyệt đối, em đã phải thi đến lần thứ hai. Ở lần thử sức đầu tiên, em chỉ đạt 1.390 - số điểm thấp hơn kỳ vọng.
“Lúc nhận kết quả không như mong đợi, em khá buồn. Nhưng sau khi suy ngẫm lại, em thấy số điểm khi đó phản ánh đúng bởi em chưa có sự chuẩn bị và đầu tư thích đáng. Em đã tự nhủ phải nỗ lực, quyết tâm hơn và kết quả được đền đáp xứng đáng”, Diệu Anh nói.
Nguyễn Hoàng Minh (lớp 12A2 Tin, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, bài thi SAT ngoài đòi hỏi nền tảng tiếng Anh, thí sinh còn phải học cách tư duy. “Đặc biệt phần Đọc hiểu, không chỉ đơn thuần dịch được là làm được, đề thi còn đánh giá tư duy thí sinh”, Minh nói.
Nam sinh cũng cho rằng, việc có chiến thuật làm bài thi hiệu quả rất quan trọng.
Trước thi, em dành nhiều thời gian để làm và chữa các đề, qua đó nhận biết được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân và không ngại trao đổi với thầy cô để khắc phục điểm yếu.
“Em thường tổng hợp các đề thi từ những năm trước do mọi người chia sẻ trên mạng. Khi làm đề, câu nào sai, em ghi chú để bổ sung kiến thức và làm những câu tương tự”, Minh nói.
Nguyễn Hoàng Minh (lớp 12A2 Tin, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) đạt điểm SAT 1.600.
Minh cho hay, áp lực về mặt thời gian của bài thi SAT khá lớn. Như phần Đọc hiểu, có 27 câu hỏi trong vòng 32 phút; tức trung bình chỉ có hơn 1 phút để giải quyết 1 câu. “Trong khi một câu của đề thi có thể rất dài và nhiều tình tiết gây mất tập trung, do đó cần tập trung cao độ vào những thông tin cốt lõi, tăng tốc độ đọc”.
Đây là lý do khi luyện tập và làm đề, em luôn bấm giờ và cố gắng cải thiện tốc độ làm bài. “Từ vựng và ngữ pháp là hai phần không quá khó trong đề thi SAT, nên em xác định làm nhanh nhất có thể để dành thời gian cho phần Đọc hiểu. Em thường chia thời gian ra, ví dụ 5 phút làm phần từ vựng, 5 phút làm phần ngữ pháp, còn lại dành cho Đọc hiểu. Đối với phần Đọc hiểu - một trong những phần khó nhất của bài thi, em thường làm các bài khó trước rồi mới làm bài dễ, đánh dấu lại những câu chưa chắc chắn để quay lại sau”, Minh chia sẻ.
Hàng ngày, nam sinh đề cao việc học hiệu quả, chất lượng thay vì số lượng giờ học hay bài tập.
Thanh Hùng