Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trước tình hình nguồn cung ứng vaccine thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng bị gián đoạn vào những tháng đầu năm 2023 khiến cho tỷ lệ miễn dịch cộng đồng trên địa bàn Thành phố rất thấp. Khảo sát cho thấy, chỉ có 86% trẻ em từ 9 tháng đến dưới 5 tuổi có miễn dịch với bệnh sởi, thấp hơn nhiều so với ngưỡng cần thiết là 95%, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã dự báo dịch sởi sẽ bùng phát. Đúng như dự báo, những tháng nửa cuối năm 2024, dịch sởi đã bùng phát mạnh trên địa bàn với hàng ngàn ca mắc sởi ở trẻ em và người lớn. Sở Y tế đã chủ động tham mưu UBND Thành phố công bố dịch sởi và ban hành Kế hoạch phòng chống bệnh sởi, triển khai Chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trẻ trên địa bàn, giúp chủ động kiểm soát và ngăn chặn sự bùng phát lan rộng của dịch sởi.
Ê kíp các bác sĩ của hai bệnh viện phối hợp thực hiện can thiệp thông van tim cho bào thai ngay trong bụng mẹ. Ảnh: SYT
Một trong những điểm sáng nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 là triển khai thành công kỹ thuật thông tim can thiệp cho bào thai mắc bệnh tim bẩm sinh. Việt Nam cũng trở thành quốc gia đầu tiên của khu vực Đông Nam Á thực hiện thành công kỹ thuật này. Cũng trong năm 2024, lần đầu tiên trên cả nước, 2 bệnh viện công lập tại TP Hồ Chí Minh đạt chuẩn quốc tế về chất lượng bệnh viện do 2 tổ chức có uy tín trên thế giới công nhận. Trong đó, Bệnh viện Hùng Vương đạt chứng nhận của tổ chức ACHSI (Australia) và Bệnh viện Truyền máu Huyết học đạt chứng nhận JCI (Hoa Kỳ).
Trước yêu cầu chuyển đổi số trong lĩnh vực khám chữa bệnh, năm 2024, TP Hồ Chí Minh đã triển khai sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh tại tất cả cơ sở khám chữa bệnh. Trong năm, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác phát triển toàn diện với 31 Sở Y tế tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và duyên hải miền Trung nhằm tăng cường trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm trong phòng chống dịch bệnh, quản lý y tế, đào tạo nguồn nhân lực, hướng tới mục tiêu giảm tải cho các bệnh viện thành phố và nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe người dân trong khu vực.
Năm 2024, TP Hồ Chí Minh cũng chuyển đổi phương thức đấu thầu thuốc từ riêng lẻ sang đấu thầu gộp cho tuyến y tế cơ sở nhằm đáp ứng đủ cơ số thuốc cho trạm y tế. Đồng thời hình thành mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng, góp phần triển khai hiệu quả các chương trình y tế cộng đồng trên địa bàn Thành phố. Thành phố bước đầu triển khai Đề án “Phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện theo hướng chuyên nghiệp giai đoạn từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo”. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để ngành Y tế Thành phố tiếp tục triển khai các hoạt động từ việc quy hoạch, phát triển thêm các trung tâm cấp cứu 115, các trạm cấp cứu vệ tinh đến đa dạng hóa các loại hình, phương tiện cấp cứu và nhất là đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong công tác tiếp nhận cuộc gọi, tư vấn từ xa, điều phối mạng lưới các trạm cấp cứu vệ tinh… góp phần nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân Thành phố.
Đinh Hằng (TTXVN)