Những tài xế thiếu ý thức trên cao tốc

Những tài xế thiếu ý thức trên cao tốc
2 giờ trướcBài gốc
Trên chuyến hành trình từ TP.HCM đi Nha Trang và ngược lại bằng đường cao tốc, anh bạn đồng hành đi cùng, một người quê Phan Rang, Ninh Thuận, không ngớt lời khen con đường.
Anh nói ngày trước anh đi từ nhà vào TP.HCM hay ngược lại phải mất 7 – 8 giờ, nay chỉ mất 4 giờ. "Mai mốt có thêm đường sắt tốc độ cao nữa là quá tuyệt", anh hào hứng.
Một vụ tai nạn trên cao tốc TP.HCM - Nha Trang xảy ra hôm 19/9 làm 2 người chết, nhiều người bị thương.
Đã hơn nửa năm toàn tuyến cao tốc TP.HCM – Nha Trang được đưa vào sử dụng, việc lưu thông nhanh chóng, an toàn, thuận tiện hơn rất nhiều so với đi quốc lộ trước đây.
Duy chỉ có một điều cần phải bàn: Tai nạn giao thông vẫn luôn là nỗi lo phập phồng bởi ý thức chấp hành luật lệ của không ít tài xế. Bởi đây là nguyên nhân chính gây ra nhiều vụ tai nạn thời gian qua trên tuyến này.
Tôi hay chạy xe trên cao tốc và chứng kiến không ít vụ tai nạn. Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, phần lớn nguyên nhân các vụ tai nạn đều do lỗi của tài xế. Trong đó phổ biến là lỗi không bảo đảm tốc độ tối đa – tối thiểu, lỗi không giữ khoảng cách và vượt ẩu.
Từ TP.HCM đi Nha Trang, đoạn TP.HCM – Dầu Giây – Phan Thiết có 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp và suốt tuyến tốc độ quy định là 60 - 120km/h. Đoạn Phan Thiết – Vĩnh Hảo – Cam Lâm – Nha Trang, tốc độ quy định tối đa là 90km/h, các làm dừng khẩn cấp đứt đoạn, cách nhau chừng 7-8km.
Đây cũng chính là đoạn đường thường xảy ra tai nạn. 8 tháng đầu năm, trên các tuyến cao tốc này xảy ra 35 vụ tai nạn giao thông, làm chết 16 người và bị thương nhiều người khác.
Đến 30/4/2025, cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ được nối thông từ Bắc chí Nam, mở ra không gian phát triển kinh tế - xã hội mới cho đất nước.
Hôm 6/10, khi chạy xe tốc độ 90km/h đoạn Phan Thiết – Vĩnh Hảo và tuân thủ tốc độ này, tôi bị nhiều xe tải, xe khách cùng chiều phía sau thúc còi, đá đèn đòi vượt. Khi không vượt được, các xe này dí sát vào đuôi xe tôi uy hiếp.
Tôi buộc phải giảm tốc độ nhượng bộ và điện thoại báo cho Đội 6 (Cục CSGT) làm nhiệm vụ trên tuyến. Đây là đoạn chưa có camera nên tài xế rất hay lạm dụng tốc độ.
Ở đoạn TP.HCM – Long Thành – Phan Thiết thì hay gặp cảnh xe "bò" làn trái ở tốc độ 60 – 70 – 80km/h trong khi tốc độ quy định tối đa là 120km/h. Thế cho nên những xe tuân thủ tốc độ phải liên tục đánh võng sang làn để né mấy chiếc xe ù lì này. Thật bực mình khi đang đi ở tốc độ cao mà phải cứ lượn vòng vèo né qua né lại để tránh những tài xế vô ý thức, chạy tốc độ thấp nhưng cứ chiếm làn trái.
Tôi thường vào diễn đàn của các nhóm tài xế và ở đó, thật bất ngờ khi thấy có rất nhiều người thản nhiên bảo vệ cho cái lý lẽ "chạy chậm ôm làn trái" của mình. Dĩ nhiên những người này luôn nhận nhiều "gạch đá". Đáng lo là số này không hề ít.
Hồi tôi học lái xe, cách đây 15 năm, những người dạy lái luôn chỉ cho những mánh khóe để vượt xe trước, đè xe sau, chen lấn qua ngã tư, ép người đi xe máy… Tôi rất bất bình và phản ứng.
Con trai tôi hiện cũng đang học lái xe và cuối tuần tôi hay bồi dưỡng thêm cho con, hướng dẫn cháu đi đúng luật, nhắc cháu không được học theo mánh khóe của các thầy dạy. Mánh khóe chẳng bao giờ tốt.
Đi trên cao tốc nhiều, bằng kinh nghiệm, tôi thấy rằng TNGT phần lớn là do người lái. Chính phân tích của cơ quan chức năng cũng đã chỉ ra điều này. Đổ lỗi cho con đường chỉ là biện bạch.
Đường sá nay đã tốt hơn xưa rất nhiều. Không lâu nữa, đường cao tốc sẽ nối thông toàn quốc, từ Hà Nội đến TP.HCM và dài đến Cần Thơ.
Lợi ích mà cao tốc đem lại thì đã quá rõ ràng, không cần bàn đến nữa. Chỉ có điều, việc lưu thông trên cao tốc cần phải tuân thủ các quy định một cách nghiêm túc để giảm thiểu đến mức thấp nhất tai nạn có thể xảy ra.
Chừng nào tài xế còn dùng mánh khóe, thiếu ý thức, thậm chí cố tình vi phạm thì không ai nói trước được điều gì. Và rồi sẽ lại có những câu "giá như", "biết vậy"... được thốt lên một cách muộn màng...
Đặng Đại
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/nhung-tai-xe-thieu-y-thuc-tren-cao-toc-192241013070347758.htm