Những tấm ảnh thắng giải 'Nhà khoa học làm việc' năm 2025

Những tấm ảnh thắng giải 'Nhà khoa học làm việc' năm 2025
7 giờ trướcBài gốc
Ngày 13-5, Tạp chí khoa học Springer Nature đã công bố những bức ảnh chiến thắng giải thưởng thường niên “Nhà khoa học làm việc” năm 2025, với chủ đề chung là quá trình chuyên gia nghiên cứu thực địa tại các vùng hẻo lánh.
Từ nghiên cứu cực quang tại Nam Cực, đến truy vết cá voi tại Vịnh Na-uy và những con ếch nhỏ tại vùng nhiệt đới, những bức ảnh thắng giải năm nay như mở ra một góc nhìn đa dạng, thú vị hơn về công việc hằng ngày đầy trở nhọc của các nhà khoa học tại mọi miền của thế giới.
Những bức ảnh chiến thắng đã được chọn lựa cẩn thận trong hơn 200 tác phẩm dự thi được gửi đến tòa soạn, bởi một hội đồng bình chọn của tạp chí này.
Những nhiếp ảnh gia chiến thắng sẽ nhận được giải thưởng gồm 500 euro (670 USD) và gói năm để truy cập tạp chí khoa học này.
Từ truy vết cá voi tại Vịnh Na-uy...
Tấm ảnh xếp đầu giải thưởng “Nhà khoa học làm việc” năm nay thuộc về cô Emma Vogul, một nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ ngành Địa động vật học đang làm việc cùng với GS Audun Rikardsen tại Đại học Tromsø (Na-uy).
Bức ảnh chiến thắng đã bắt trọn khoảnh khắc bình lặng hiếm hoi dưới ánh đèn thuyền đánh cá gần đó của ông Rikardsen, đương lúc thuyền con của họ đang chấp chới giữa những cơn sóng ồ ạt của biển Na-uy.
“Nó đem lại cảm giác khá yên bình. Tôi đã quá quen với sự bận rộn của các chuyến thực địa, bức ảnh trông khá chu đáo, như có sự sống, một khoảnh khắc chậm rãi” - cô Vogul chia sẻ.
Tấm ảnh chiến thắng giải thưởng 'Nhà khoa học làm việc' 2025 của Tạp chí khoa học Nature Ảnh: Emma Vogel/Nature
Công việc nghiên cứu thực địa của hai thầy trò bao gồm việc theo đuôi các tàu đánh cá đến vịnh hẹp ở Bắc Na-uy để rình các loài cá voi sát thủ và cá voi lưng gù thường đến kiếm ăn tại đây. Sau đó, họ sẽ dùng loại súng hơi (ông Rikardsen đang cầm) để bắn máy định vị vệ tinh này lên chúng.
Những thiết bị định vị này sẽ giúp các nhà khoa học theo dõi chu kỳ lặn ngụp của cá voi, bao gồm thời gian lặn và độ sâu lặn tối đa của chúng. Nếu cần thiết, họ sẽ thu thập một số mẫu mô của cá voi để giám sát sức khỏe của loài sinh vật lớn nhất hành tinh này.
Đằng sau bức ảnh, người xem có thể thấy bóng dáng của cá voi sát thủ đằng sau ông Rikardsen. “Tôi rất vui vì có thể bắt trọn được khoảnh khắc đấy. Đây là một địa điểm tuyệt vời để làm thực địa. Bạn thậm chí có thể nghe thấy hơi thở của chúng, kể cả trước khi bạn thấy chúng” - cô Vogul cho biết.
...đến thực địa tại miền hẻo lánh
'Một nắm ếch' - ảnh thắng giải được chụp tại Rừng Quốc gia Lassen, Mỹ. Ảnh: Ryan Wagner/Nature
Tấm ảnh thắng giải 'Nhà khoa học làm việc’ của nghiên cứu sinh Tiến sĩ Ryan Wagner (ĐH Bang Washington, Mỹ) được chụp lúc đồng nghiệp của anh - chuyên gia môi trường học Kate Belleville, đang tắm cho ếch bằng dung dịch tẩy loài nấm độc gây hại cho loài lưỡng cư tại Rừng Quốc gia Lassen (California, Mỹ).
“Bạn sẽ lầm tưởng chúng là dế nếu bạn đang không tìm kiếm chúng. Nhưng vì kích cỡ của loại ếch này, chúng tôi phải cẩn thận khi bắt chúng” - anh Wagner cho biết. Anh cùng đồng nghiệp của mình cũng đã đánh dấu những con ếch mini này bằng loại phẩm màu đặc thù.
'Khoan giữa đêm vùng cực' - ảnh thắng giải được chụp tại quần đảo Svalbard, Nauy. Ảnh: Dagmara Wojtanowicz/Nature
Trong một buổi sáng vắng ánh mặt trời tại quần đảo Svalbard (Na-uy), kỹ sư Dagmara Wojtanowicz (Viện Cực Na-uy) đã bấm máy chụp lại cảnh đồng nghiệp của mình - chuyên gia địa sinh học James Bradley và chuyên gia vi sinh học Catherine Larose, đang khoan ra một lõi băng để nghiên cứu cách các loài vi sinh vật và các loài sinh vật khác sinh tồn dưới cái lạnh giá tối tăm của vùng cực.
'Kẻ theo đuổi sương mù' - ảnh thắng giải được chụp trên đỉnh Helmos, Hy Lạp. Ảnh: Lionel Favre/Nature
Với bức ảnh thắng giải của mình, kỹ thuật viên Lionel Favre cho biết anh và đồng nghiệp của mình tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ - anh Michael Lonardi vừa kết thúc buổi thực địa 15 tiếng của mình sau khi thành công đo đạc dữ liệu thời tiết trên đỉnh Helmos (Hy Lạp).
Thuộc nhóm nghiên cứu quá trình tạo mây khắp châu Âu, anh Favre và đồng nghiệp cho biết nhóm của anh đã phải đợi gần 1 tháng để mây dần tạo hình.
“Chúng tôi đã phải đợi rất lâu để thời tiết tại đây tiến vào điều kiện phù hợp, và chúng tôi rất háo hức. Chúng tôi đi lúc trời chưa hửng sáng để đuổi mây, và thả bóng [thời tiết] suốt cả ngày” - anh Favre chia sẻ.
'Đãi vàng' - ảnh thắng giải được chụp tại vùng bờ Đông Siberia. Ảnh: Jiayi Wang/Nature
Tác giả bức ảnh thắng giải - anh Vương Gia Nghĩa cho biết đây là bóng lưng của GS Du Hạo Thành (ĐH Khoa học Địa chất Trung Quốc) khi trở về cabin ấm áp ánh lửa của mình sau một ngày dài thực địa, và trên đỉnh đầu họ là khoảng không nơi chân trời và địa chất giao hẹn để tạo nên “mỏ vàng” rực ánh sao tại vùng bờ Đông Siberia.
Anh và GS Du Hạo Thành đang nghiên cứu và lập hồ sơ địa chất cho những khu vực quanh các mỏ vàng tại Siberia để có thể hỗ trợ các thợ mỏ.
“Các nhà địa chất học thường làm việc nhiều năm trời tại những vùng hẻo lánh khó tiếp cận, nên chúng tôi không chỉ cần những kỹ thuật cao siêu trong phòng thí nghiệm mà cần cả những kỹ năng sinh tồn. Không có mạng, chỉ có đá để ngắm thôi” - anh Vương cho biết.
'Nhiệm mầu Nam Cực' - ảnh thắng giải được chụp tại trạm nghiên cứu Nam Cực. Ảnh: Aman Chokshi/Nature
Lúc tấm ảnh Kính thiên văn Nam cực thắng giải Nhà Khoa học làm việc này được chụp, anh Aman Chokshi đang là sinh viên Tiến sĩ tại ĐH Melbourne (Australia) làm việc tại trạm nghiên cứu Nam cực của Mỹ.
Anh cho biết hằng ngày anh và các đồng nghiệp đã phải đi hơn 1 cây số giữa trời lạnh âm 50 đến âm 70 độ để dọn tuyết khỏi bề mặt chảo của kính thiên văn khổng lồ, hoặc tra dầu cho động cơ của kính mỗi vài tuần.
“Trạm có khoảng 44 người, nhưng chỉ có 8 hay 10 người là những nhà khoa học thực hiện nghiên cứu” - anh Chokshi cho biết.
MINH CHIẾN
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/anh-nhung-tam-anh-thang-giai-nha-khoa-hoc-lam-viec-nam-2025-post849714.html