Họ đã để lại ấn tượng, sự cảm phục sâu sắc bởi những đóng góp đáng nể cho sự nghiệp trồng người.
Thầy Nguyễn Xuân Khang - Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Marie Curie, nhân vật chính trong tác phẩm "Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang và những dự án vì cộng đồng" của tác giả Tuyết Mai - từ Hà Nội dự qua màn hình trực tuyến.
Các nhà giáo, tác giả, nhân vật, khách mời chụp hình lưu niệm cùng Ban Tổ chức cuộc thi viết “Người Thầy kính yêu”. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Trận lũ quét lịch sử ở thôn Làng Nủ (Lào Cai) xảy ra vào đầu tháng 9-2024 đã qua nhưng đau thương còn mãi. Nhìn tình cảnh người dân thôn Làng Nủ, các học sinh ngây thơ mất điểm tựa, là một người thầy, người cha, thầy Khang cảm thấy phải có trách nhiệm giúp đỡ các em nhỏ tiếp tục học tập và trưởng thành.
Sau trận lũ quét, sau khi khảo sát từng nhà, bệnh viện, trường học và thống kê được có 22 cháu nhỏ cần nuôi dưỡng (12 bé gái, 10 bé trai, bé nhỏ nhất 3 tuổi), không chần chừ, thầy Khang đã quyết định nhận nuôi các em cho đến khi tròn 18 tuổi. Nhắn nhủ với giáo viên trẻ, thầy Khang nói: "Tôi hy vọng những đồng nghiệp của mình sẽ là những chiếc "lá lành" tỏa sáng. Đã là "lá lành" thì mình sẽ tự lo được cho mình và sẽ có thể giúp những người khó khăn".
Cô Nguyễn Thị Kim Dung - SN 1933, nhân vật trong bài "Người giáo viên quả cảm" - là nữ cảm tử quân trong trận đánh Majestic (Sài Gòn) gây nhiều tiếng vang năm 1948. Sau khi ra tù, rồi nỗ lực học tập, cô trở thành giảng viên Trường ĐH Y Dược TP HCM. Chỉ khi sức khỏe không cho phép, nhà giáo Kim Dung mới phải gác lại sự nghiệp trồng người của mình.
Ở tuổi 91, dù phải ngồi xe lăn nhưng cô Kim Dung vẫn minh mẫn. Suốt buổi giao lưu trên sân khấu, cô nhắc đi nhắc lại tâm nguyện muốn các học trò có thể tiếp tục sứ mệnh nghiên cứu, tìm ra những bài thuốc hay để điều trị bệnh cho người dân.
Anh Đặng Hoàng An, tác giả bài viết "Kình ngư khuyết tật miệt mài gieo chữ miễn phí", chia sẻ về nhân vật Nguyễn Thị Sa Ri (Cần Đước - Long An): "Từ khi quen biết chị Sa Ri, cuộc sống của tôi - một người khuyết tật đồng cảnh - được thắp lên những tia hy vọng và nguồn cảm hứng mới. Chị từng chia sẻ với tôi rằng mọi rào cản không đến từ khiếm khuyết mà từ chính suy nghĩ của chúng ta. Tôi đã học được rất nhiều điều từ chị".
Cô giáo Nguyễn Thị Sa Ri (Long An) trải lòng tại buổi lễ: “Cuộc thi viết “Người Thầy kính yêu” đã tiếp thêm động lực cho tôi...”. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Cuộc sống bất công khi cướp đi đôi chân của chị Nguyễn Thị Sa Ri nhưng chị vẫn nhìn đời bằng đôi mắt ngập tràn hy vọng. Đều đặn gần 8 năm qua, vào các ngày thứ bảy, chủ nhật và thứ hai hằng tuần, lớp tiếng Anh 0 đồng của cô giáo "chân tròn" lại sáng đèn. Đây là lớp học miễn phí dành cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.
Mặc dù phải ngồi xe lăn nhưng không điều gì có thể ngăn cản cô giáo trẻ. Chị Sa Ri là vận động viên của đội tuyển bơi lội người khuyết tật Việt Nam, đóng góp 30 huy chương vàng, 13 huy chương bạc, 1 huy chương đồng cho đội tuyển quốc gia. Lúc giao lưu trên sân khấu buổi trao giải, cô nở nụ cười thật tươi: "Tôi chưa đủ duyên để trở thành giáo viên đứng trên bục giảng nhà trường nhưng tôi lại may mắn khi có những em nhỏ gọi mình là "cô giáo", nghe rất thân thương".
Ngay sau khi nghe nhà giáo Nguyễn Xuân Khang trải lòng về dự án nuôi dạy học sinh mồ côi Làng Nủ, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân đã phát biểu chia sẻ và tri ân, đồng thời quyết định: Báo Người Lao Động trích 200 triệu đồng từ chương trình "Hướng về miền Bắc yêu thương" để chung tay cùng thầy Khang trong hoạt động này.
Huế Xuân - Đặng Trinh