Những thách thức khi triển khai chính quyền 2 cấp

Những thách thức khi triển khai chính quyền 2 cấp
9 giờ trướcBài gốc
Từ ngày 1/7/2025, 34 tỉnh, thành phố trong cả nước chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp sau thời gian chạy thử nghiệm. Đây là dấu mốc lịch sử quan trọng trong tiến trình cải cách nền hành chính.
Hướng dẫn chi tiết, cụ thể hóa quyền hạn và trách nhiệm
PV: Thưa PGS.TS, theo luật, việc tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp sẽ phân định như sau: Cấp tỉnh tập trung ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, quản lý vĩ mô, các vấn đề có tính chất liên vùng, liên cấp xã; Cấp xã là cấp tổ chức thực hiện chính sách, tập trung vào các nhiệm vụ phục vụ người dân, trực tiếp giải quyết các vấn đề của cộng đồng dân cư, cung cấp các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu cho người dân trên địa bàn... Theo bà, sự phân cấp này đã đủ rõ ràng, hợp lý để bộ máy chính quyền địa phương hoạt động hiệu quả hay chưa?
PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh: Theo phân cấp của Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025, cấp tỉnh tập trung vào ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch và quản lý vĩ mô; trong khi cấp xã thực hiện chính sách và cung cấp dịch vụ công cơ bản là một hướng đi hợp lý để tăng hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương. Phân định này giúp cấp tỉnh tập trung vào các nhiệm vụ chiến lược, liên vùng, trong khi cấp xã gần gũi với người dân, đáp ứng trực tiếp nhu cầu cộng đồng.
PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh
Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tác động tích cực đến việc tinh giản bộ máy và nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công tại Việt Nam, hỗ trợ phát triển bền vững.
Tuy nhiên, để đảm bảo rõ ràng và hiệu quả, cần có các văn bản hướng dẫn chi tiết nhằm cụ thể hóa quyền hạn và trách nhiệm, tránh chồng chéo hoặc thiếu sót trong quản lý.
Cơ chế phối hợp liên cấp cũng cần được thiết lập chặt chẽ, đặc biệt trong các vấn đề liên vùng hoặc liên xã. Về nguồn lực, cần đảm bảo cấp xã có đủ tài chính, nhân sự và cơ sở hạ tầng để thực thi nhiệm vụ. Việc triển khai thí điểm tại một số địa phương trước khi áp dụng rộng rãi sẽ giúp đánh giá tính khả thi và điều chỉnh kịp thời.
Cuối cùng, công tác truyền thông cần được đẩy mạnh để cán bộ và người dân hiểu rõ mô hình, đảm bảo triển khai đồng bộ và hiệu quả.
Đồng thời, việc bỏ cấp huyện thì các nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện sẽ lên cấp tỉnh và xuống cấp xã cũng phải tính đến năng lực thực thi của các cấp, điều kiện bảo đảm thực hiện trong giai đoạn hiện nay.
PV: Thời gian đầu khi mới thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, chúng ta sẽ đối diện với những thách thức gì, thưa PGS.TS?
PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh: Trong giai đoạn đầu triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, nhiều thách thức sẽ xuất hiện.
Thứ nhất, năng lực cán bộ cấp xã có thể chưa đáp ứng được yêu cầu khi phải đảm nhận thêm các nhiệm vụ phức tạp trước đây thuộc cấp huyện.
Thứ hai, việc thiếu cơ chế phối hợp rõ ràng giữa cấp tỉnh và cấp xã có thể dẫn đến chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ, gây gián đoạn trong quản lý.
Thứ ba, nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất tại cấp xã còn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng cung cấp dịch vụ công chất lượng.
Thứ tư, sự thay đổi từ mô hình 3 cấp sang 2 cấp đòi hỏi thời gian để cả cán bộ và người dân thích nghi, đặc biệt là trong tư duy quản lý và thực thi.
Thứ năm, nguy cơ lạm quyền ở cấp xã có thể xảy ra do phân quyền nhiều hơn mà cơ chế giám sát chưa hoàn thiện.
Thứ sáu, việc di chuyển cán bộ giữa các địa phương trong quá trình sáp nhập tỉnh để thực thi công vụ cần được giải quyết trong thời gian tới. Thứ bảy, việc sáp nhập các tỉnh, bỏ huyện, sắp xếp cấp xã, số lượng cán bộ dôi dư khá nhiều.
Cuối cùng, việc truyền thông và đào tạo để nâng cao nhận thức về mô hình mới cần được chú trọng để tránh hiểu lầm hoặc triển khai không đồng bộ. Để vượt qua những khó khăn, thách thức ban đầu cần có lộ trình rõ ràng, tập trung vào đào tạo cán bộ, đầu tư cơ sở hạ tầng và xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ.
Khuyến khích người dân tham gia giám sát
PV: Theo PGS.TS nghĩ sao về năng lực của đội ngũ cán bộ cấp xã hiện nay trước yêu cầu công việc mới?
PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh: Phần lớn cán bộ cấp xã đã đáp ứng yêu cầu công việc của mô hình chính quyền 2 cấp, đặc biệt tại các địa phương có điều kiện tốt. Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ còn hạn chế về kỹ năng quản lý, kiến thức chuyên môn và ứng dụng công nghệ thông tin, ý thức phục vụ.
Để đạt mục tiêu nâng cao năng lực và tinh thần trách nhiệm của cán bộ cấp xã đáp ứng được yêu cầu công việc mới cần các giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, đào tạo chuyên sâu theo nhu cầu thực tiễn: Tổ chức các khóa học ngắn hạn, tập trung vào quản lý hành chính, giải quyết tranh chấp và sử dụng Cổng Dịch vụ công Quốc gia; tích hợp các buổi tập huấn về đạo đức công vụ, nhấn mạnh vai trò "vì nhân dân phục vụ", với các tình huống thực tế từ địa phương.
Trung tâm phục vụ hành chính công phường Việt Trì (tỉnh Phú Thọ)
Thứ hai, ứng dụng công nghệ số: Trang bị phần mềm quản lý hành chính điện tử hướng dẫn sử dụng tại chỗ cho cán bộ, công chức để tăng hiệu quả công việc và minh bạch hóa quy trình.
Thứ ba, cơ chế đánh giá gắn với người dân: Thiết lập hệ thống đánh giá dựa trên khảo sát mức độ hài lòng của dân, kết hợp khen thưởng công bằng để khuyến khích tinh thần trách nhiệm.
Thứ tư, tăng cường tương tác cộng đồng: Tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp hoặc qua ứng dụng như zalo, giúp cán bộ nắm bắt nhu cầu người dân, và tình hình thực tiễn tại cơ sở.
Thứ năm, hỗ trợ vùng khó khăn: Ưu tiên đầu tư máy tính, internet và tài liệu hướng dẫn cho các xã vùng sâu, vùng xa để đảm bảo điều kiện làm việc.
Ngoài ra cần có chính sách cụ thể như: tăng lương, hỗ trợ nhà ở, phương tiện đi lại trong khi sắp xếp, sáp nhập,… nhằm tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức.
PV: Với việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, ngoài thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn như hiện nay, cấp xã sẽ đảm nhận thêm nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện; được phân cấp, phân quyền nhiều hơn. Theo PGS.TS cần có sự giám sát như thế nào để tránh tình trạng cán bộ xã lạm quyền?
PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh: Để tránh tình trạng cán bộ cấp xã lạm quyền trong bối cảnh được phân quyền nhiều hơn theo mô hình 2 cấp cần xây dựng hệ thống giám sát chặt chẽ, minh bạch và phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam. Ban hành các quy định pháp lý rõ ràng, cụ thể hóa quyền hạn và trách nhiệm của cán bộ xã, kèm theo chế tài nghiêm minh cho các hành vi vi phạm.
PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh, Trưởng khoa Nhà nước - Pháp luật và Lý luận cơ sở, Học viện Hành chính Quốc gia.
Tăng cường vai trò của các cơ quan thanh tra cấp tỉnh, thực hiện kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các xã để đảm bảo tuân thủ quy định, đồng thời, phát huy giám sát cộng đồng thông qua Hội đồng Nhân dân cấp xã, các tổ chức đoàn thể, và các kênh phản ánh trực tuyến như Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc ứng dụng di động.
Thêm nữa, cấp xã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, chẳng hạn hệ thống quản lý hành chính điện tử, để ghi lại toàn bộ quy trình xử lý công việc, đảm bảo minh bạch. Tổ chức các khóa tập huấn về đạo đức công vụ và pháp luật để nâng cao nhận thức của cán bộ về trách nhiệm.
Chúng ta cũng nên thiết lập cơ chế bảo vệ người tố cáo, khuyến khích người dân tham gia giám sát thông qua các kênh an toàn, như hộp thư góp ý hoặc đường dây nóng. Những biện pháp này, nếu được triển khai đồng bộ sẽ hạn chế lạm quyền và đảm bảo hiệu quả quản lý.
PV: Xin cảm ơn PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh!
Nguyễn Vân/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/nhung-thach-thuc-khi-trien-khai-chinh-quyen-2-cap-post1211835.vov