Cờ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương và quốc kỳ các quốc gia thành viên NATO tại trụ sở ở Brussels, Bỉ. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Theo Đài phát thanh Quốc tế Deutsche Welle của Đức ngày 28/12, Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã định hướng các ưu tiên của liên minh cho năm 2025 trong một bài phát biểu đáng ngại, nhấn mạnh rằng chiến tranh đang cận kề ngưỡng cửa của liên minh quân sự này.
"Từ Brussels, chỉ mất một ngày lái xe đến Ukraine. Đó là nơi cuộc chiến khốc liệt đang diễn ra", ông Rutte nói trong bài phát biểu vào tháng 12 năm nay tại Carnegie Europe, tổ chức tư vấn có trụ sở tại Brussels (Bỉ).
Tăng chi tiêu quốc phòng
Tổng thư kí NATO đã đưa ra lý lẽ để công chúng ủng hộ việc tăng chi tiêu và đầu tư quốc phòng rằng điều này không chỉ nhằm tăng cường an ninh châu Âu mà còn hỗ trợ Ukraine. Nhưng năm 2025 liệu việc NATO tăng chi tiêu quốc phòng có thể thuyết phục được Tổng thống Mỹ Donald Trump?
Việc tăng chi tiêu quốc phòng của các thành viên NATO ở châu Âu cũng có thể giúp liên minh này vượt qua thách thức khi phải ứng phó với một Tổng thống Mỹ khó lường Donald Trump. Trong khi tất cả các tổng thống Mỹ khác gần đây đều kêu gọi các quốc gia châu Âu chi nhiều hơn cho quốc phòng, ông Trump là người duy nhất đe dọa sẽ từ bỏ việc bảo vệ các thành viên liên minh không chịu đóng góp.
Trong nỗ lực giành được sự ủng hộ của ông Trump, nhiều quốc gia châu Âu đã thực hiện lời hứa chi 2% GDP cho quốc phòng vào năm 2024. Bây giờ, khi ông Trump chuẩn bị tuyên thệ nhậm chức, có những gợi ý rằng NATO có thể tăng mục tiêu chi tiêu lên 3% hoặc thậm chí 4%.
"Chúng ta sẽ cần thêm thời gian để tham khảo ý kiến giữa các đồng minh, chính xác thì mức mới sẽ là bao nhiêu. Nhưng nó cao hơn đáng kể so với 2%. Tôi xin nói thẳng, nếu muốn chi tiêu tốt hơn, bạn phải đạt ít nhất 4% (GDP)", ông Rutte xác nhận.
Các chuyên gia cho biết ông Trump có thể sẽ thúc đẩy mức 4% GDP và nói thêm rằng các đồng minh châu Âu nên đưa ra các thỏa thuận mà ông cho là có lợi.
"Người châu Âu cần đưa ra một thỏa thuận tốt cho Mỹ. Một mô hình mà Mỹ chỉ có thể là 'biện pháp dự phòng' hoặc 'người bảo vệ cuối cùng', trong khi châu Âu đảm bảo hầu hết các biện pháp phòng thủ thông thường của châu Âu", Gesine Weber, thành viên của Quỹ Marshall Đức (GMF), cho biết.
Các thành viên NATO ở châu Âu đều nhất trí rằng họ phải nỗ lực hơn nữa cho việc phòng thủ của mình bằng cách giải quyết tình trạng sản xuất quốc phòng đang chậm trễ và lấp đầy khoảng trống về hậu cần.
Trong năm 2024, NATO đã tổ chức "Steadfast Defender", cuộc tập trận quân sự lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. Vào tháng 12 năm nay, NATO đã quyết định sửa đổi chiến lược chiến tranh hỗn hợp năm 2015 của mình.
Ngoài ra còn có nỗ lực chung nhằm tăng cường triển khai binh lực tại biên giới NATO. Ví dụ, Đức đã quyết định gửi 5.000 quân tới Litva vào năm 2027.
Các thành viên NATO châu Âu phải đối mặt với bất lợi đặc biệt khi nói đến khả năng tình báo, giám sát và trinh sát, chẳng hạn như vệ tinh có thể quan sát lãnh thổ của đối phương hoặc trực thăng vận tải lớn có thể chở thiết bị quốc phòng cồng kềnh và nhân lực trên một quãng đường dài.
Những cải thiện trong lĩnh vực này dự kiến sẽ diễn ra trong năm tới, nhưng các chuyên gia tin rằng sẽ mất hơn một thập kỷ để phát triển các năng lực mà châu Âu hiện đang phụ thuộc vào Mỹ.
"Người châu Âu có ít vệ tinh và có thể mất tới 10 đến 15 năm để lấp đầy khoảng trống này", Rafael Loss, thành viên chính sách tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu, chuyên về an ninh và quốc phòng ở khu vực châu Âu-Đại Tây Dương nêu quan điểm. Nhưng thách thức đầu tiên đối với các quốc gia châu Âu là phải chi tiền cho các dự án như vậy, ông Loss nói thêm.
Lợi ích của NATO vượt ra ngoài Bắc Đại Tây Dương
Các thành viên NATO ở châu Âu cho rằng liên minh này không chỉ đảm bảo an ninh và thịnh vượng ở cả hai bờ Đại Tây Dương mà còn tăng cường phản ứng của Washington đối với Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Các đồng minh đã tăng cường quan hệ với bốn đối tác châu Á của họ — cái gọi là AP4 gồm Australia, New Zealand, Hàn Quốc và Nhật Bản — để đối trọng với "quan hệ đối tác "không giới hạn" giữa Trung Quốc và Nga. Hợp tác NATO-AP4 dự kiến sẽ được thúc đẩy vào năm tới với việc chia sẻ thông tin tình báo nhiều hơn.
"Các thành viên NATO ở châu Âu đang cố gắng nói với những người theo chủ nghĩa diều hâu về Trung Quốc của chính quyền Trump mới rằng việc từ bỏ NATO sẽ khiến họ khó đối đầu với Trung Quốc hơn nhiều", chuyên Loss cho biết.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa), Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc gặp ở Paris, Pháp, ngày 7/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Vấn đề Ukraine
Khi cuộc xung đột Nga - Ukraine sắp diễn ra tròn ba năm vào tháng 2/2025, các nhà lãnh đạo châu Âu đã tái khẳng định sự ủng hộ đối với Kiev nhưng không hề ảo tưởng rằng nếu Mỹ cắt viện trợ, họ sẽ không thể đáp ứng được sự thiếu hụt.
Việc thiếu hụt ngân sách trong nước đã khiến các quốc gia giàu có ở châu Âu ngần ngại đưa ra lời hứa với Ukraine, đặc biệt là khi không biết liệu sự hỗ trợ từ Mỹ, nước hậu thuẫn tài chính và quân sự lớn nhất của Ukraine, có tiếp tục hay không.
Kristine Berzina, Giám đốc điều hành của GMF Geostrategy North có trụ sở tại Mỹ nhận định rằng việc Ukraine gia nhập NATO cũng sẽ là "một điểm gây bất đồng lớn trong liên minh".
Các thành viên NATO ở châu Âu nhìn chung ủng hộ tư cách thành viên của Ukraine trong liên minh - ngoại trừ Đức - nhưng cam kết đó sẽ chỉ là lời nói suông nếu chính quyền Trump phản đối việc mở rộng, chuyên gia Weber lưu ý.
Về phần mình, chuyên gia Berzina nêu rõ: "(Tổng thống Ukraine Volodymyr) Zelensky rất rõ ràng rằng tương lai của Ukraine cần phải nằm trong NATO", nhưng Phó Tổng thống Mỹ sắp nhậm chức JD Vance "đã bày tỏ sự nghi ngờ về tiến trình này".
Không ai biết ông Trump sẽ hành động thế nào - "đó là điều chưa biết lớn", chuyên gia Loss kết luận.
Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Dw.com)