Ngày 29-12, một máy bay Hàn Quốc chở 181 người đã lao khỏi đường băng và bốc cháy dữ dội ở sân bay Muan (Hàn Quốc) khiến 179 người thiệt mạng, theo hãng thông tấn Yonhap.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do máy bay va phải chim. Vậy trong lịch sử ngành hàng không đã có những sự cố như vậy hay chưa?
Dưới đây là một số vụ máy bay va phải chim chấn động ngành hàng không.
Máy bay rơi khi trên đường sang Nga
Gần đây nhất là vụ một máy bay chở khách của hãng hàng không Azerbaijan Airlines rơi tại TP Aktau (Kazakhstan) khi trên đường từ Azerbaijan đến Nga.
Vụ việc xảy ra vào ngày 25-12, máy bay khi đó chở 67 người (gồm công dân Azerbaijan, Nga, Kazakhstan và Kyrgyzstan). Vụ tai nạn khiến 38 người thiệt mạng, trong đó có hai phi công và một tiếp viên hàng không.
Hiện trường vụ máy bay rơi ở TP Aktau (Kazakhstan) ngày 25-12. Ảnh: TASS
Cơ quan giám sát hàng không Nga ra tuyên bố rằng thông tin ban đầu cho thấy phi công đã quyết định hạ cánh khẩn cấp sau khi đâm phải chim.
Máy bay đã lệch hàng trăm km so với lộ trình dự kiến từ Azerbaijan đến Nga và rơi xuống bờ bên kia của Biển Caspi.
Các quan chức không giải thích tại sao máy bay lại bay qua biển, nhưng vụ tai nạn xảy ra ngay sau khi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) nhắm vào miền nam nước Nga.
Hãng hàng không Azerbaijan Airlines sau đó nói rằng “sự can thiệp kỹ thuật từ bên ngoài” có thể là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn.
Phép màu trên sông Hudson
Vào ngày 15-1-2009, chuyến bay số hiệu 1549 của hãng hàng không Mỹ US Airways, khởi hành từ sân bay La Guardia (TP New York) đến TP Charlotte (bang North Carolina) thì gặp sự cố sau khi cất cánh chỉ hơn 7 km, theo trang Simpleflying.
Chuyến bay số hiệu 1549 đáp xuống sông Hudson 15-1-2009. Ảnh: WIKIMEDIA COMMONS
Máy bay va chạm với một đàn ngỗng Canada khi đang ở độ cao khoảng 915 m. Máy bay sau đó đã không thể khởi động lại sau khi cả hai động cơ đều bị chim đâm vào và mắc kẹt. Cuộc điều tra kết luận rằng kích thước và lực tác động của vụ va chạm khiến động cơ không thể khởi động lại, ít nhất hai con chim bị cuốn vào bên trong mỗi động cơ.
Dù vậy, cơ trưởng Chesley Sullenberger đã xuất sắc hạ cánh chiếc máy bay an toàn xuống sông Hudson, cứu sống toàn bộ hành khách và phi hành đoàn. Sự kiện này được biết đến rộng rãi với cái tên “Phép màu trên sông Hudson”.
Sau cuộc điều tra, khung máy bay đã được đưa ra đấu giá. Đến tháng 6-2011, Tập đoàn Bảo hiểm Quốc tế Mỹ (AIG) đã tặng khung máy bay này cho Bảo tàng Hàng không Carolinas.
Sự cố hy hữu từ chim kền kền
Ngày 29-11-1973, một chuyến bay của hãng hàng không Air Ivory Coast (Bờ Biển Ngà) vận hành trên tuyến từ TP Abidjan (Bờ Biển Ngà) đến thủ đô Paris (Pháp) đã gặp sự cố hy hữu.
Khi máy bay đang ở độ cao khoảng 11.278 m trên bầu trời Tây Phi, một tiếng động lớn vang lên. Ban đầu, phi hành đoàn không nghĩ rằng đó là do va chạm với chim, vì chim hiếm khi bay ở độ cao này.
Tạp chí Forbes khi đó mô tả sự việc như sau: “Khi máy bay hạ cánh, đội ngũ mặt đất đã kiểm tra, đặc biệt là động cơ bên phải, nơi bị hư hỏng nghiêm trọng. Điều đáng kinh ngạc là họ phát hiện xác một con chim mắc kẹt trong các bộ phận của động cơ. Độ cao xảy ra va chạm khiến phát hiện này trở nên khó tin. Các chuyên gia nhanh chóng xác định đó là một con kền kền Rüppell nhờ vào bộ lông và kích thước đặc trưng của nó, dù trong tình trạng không còn nguyên vẹn”.
Theo Thư viện Nghiên cứu Điểu học (SORA), việc chim bay ở độ cao như vậy là cực kỳ hiếm (độ cao 11.278 m cao hơn 2.400 m so với đỉnh núi Everest - ngọn núi cao nhất thế giới).
Trực thăng rơi xuống đầm lầy sau khi va phải chim
Vào ngày 4-1-2009, một chiếc trực thăng Sikorsky S-76C++ mang số đăng ký N748P, do hãng Petroleum Helicopters International (Mỹ) điều hành, đã gặp tai nạn cách sân bay trực thăng Lake Palourde Base, TP Los Angeles (bang California, Mỹ) khoảng 19 km.
Chiếc trực thăng đang trên đường đến giàn khoan dầu South Timbalier để vận chuyển công nhân.
Bảy phút sau khi cất cánh, trực thăng đột ngột mất công suất và rơi xuống khu vực đầm lầy, khiến 8/9 người trên máy bay thiệt mạng. Theo Mạng An toàn Hàng không (Aviation Safety Network), các mẫu vật thu thập từ kính chắn gió và vỏ trực thăng đã chỉ ra nguyên nhân của vụ va chạm với chim.
Đàn chim bồ câu va vào máy bay
Ngày 29-10-1987, máy bay mang số đăng ký ET-AJA của Hãng hàng không Ethiopian Airlines có lộ trình dự kiến từ Sân bay Quốc tế Addis Ababa Bole (TP Addis Ababa, Ethiopia) đến Sân bay Quốc tế Asmara (Eritrea - một quốc gia Tây Phi), quá cảnh tại Sân bay Bahar Dar (Ethiopia).
Chặng bay đầu tiên, tức từ Addis Ababa Bole đến Bahar Dar, diễn ra theo kế hoạch mà không gặp vấn đề lớn nào. Tuy nhiên, sau khi cất cánh từ Bahir Dar vào lúc 9 giờ 50 sáng 29-10-1987 (giờ địa phương), máy bay đã gặp phải một đàn chim bồ câu.
Khi vụ va chạm xảy ra, chiếc máy bay chỉ cách mặt đất khoảng 91 m và đang di chuyển với tốc độ 270 km/giờ.
Khoảng nửa phút sau vụ va chạm, tốc độ của máy bay đã tăng thêm 14 km/giờ và đạt độ cao 1.800 m. Máy bay đã bị vỡ sau khi tiếp xúc với mặt đất, khi cơ trưởng cố gắng hạ cánh chiếc máy bay mà không cho bánh xe chạm đất.
6 thành viên phi hành đoàn không bị thương nhưng 35/98 hành khách đã thiệt mạng.
Thảm họa 20 giây
Một trong những tai nạn thương tâm nhất là tai nạn của chuyến bay Eastern Airlines 375 cất cánh từ sân bay Boston Logan, bang Massachusetts (Mỹ) vào ngày 4-10-1960.
Chỉ trong chưa đầy 60 giây sau khi cất cánh, máy bay đã bị chim đâm và rơi xuống Vịnh Winthrop. Trong số 67 hành khách và 5 thành viên phi hành đoàn, chỉ có 10 người sống sót. Cơ trưởng và cơ phó đều thiệt mạng.
Máy bay của hãng Eastern Airlines gặp nạn ngày 4-10-1960. Ảnh: BUREAU OF AIRCRAFT ACCIDENTS ARCHIVES
Cuộc điều tra của Hội đồng Hàng không Dân dụng Mỹ, tiền thân của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, cho biết: “Nguyên nhân chính và mức độ nghiêm trọng của tai nạn là do một chuỗi sự kiện đặc biệt xảy ra rất nhanh”.
Khi máy bay bay ở độ cao khoảng 36,5 m, những con chim starling (họ chim sáo) bị hút vào động cơ. Tạp chí Boston Magazine mô tả những gì xảy ra tiếp theo: “Chân vịt của động cơ 1 bị dừng lại và động cơ này ngay lập tức bị tắt. Các động cơ 2 và 4 mất công suất trong chốc lát rồi hồi phục, nhưng sau đó cũng mất công suất. Việc mất công suất ở động cơ 2 và 4 làm máy bay chậm lại và nghiêng sang trái. Cánh máy bay bị rơi, mũi máy bay ngẩng lên, máy bay quay vòng rồi rơi xuống Cảng Boston gần như thẳng đứng, vỡ thành nhiều mảnh. Tất cả chỉ diễn ra trong vòng 20 giây”.
THẢO VY