Vì số người ra đi trong mỗi năm trên toàn cầu nói chung và trong nước nói riêng bao giờ cũng đông, trong khi nội dung những bài tưởng nhớ như thế này rất nhanh bị trôi lấp trên dòng chảy thông tin biến chuyển ồ ạt từng giây phút, nên việc nhắc lại cũng thường vắn tắt hết mức. Như những tưởng niệm ngắn ngủi. Thậm chí, như những thủ tục lạnh lùng. Nhắc một lần nữa, rồi thôi.
Ánh mắt xanh thẳm hút hồn của Alain Delon trên màn bạc đã khiến rạp phim trở thành thiên đường của biết bao thế hệ nữ khán giả.
Dẫu sao thì cũng phải biết ơn “thói quen” đó của báo chí, vì nhờ vậy, nếu chẳng may ta bỏ sót thông tin về sự ra đi của một thần tượng nào, thì nhân tiện cũng được biết. Dẫu cái “được biết” đó làm cho ta ít nhiều ngậm ngùi, nhưng cần thiết.
Phải rồi, trí óc ta luôn có một sự ngoan cố, vốn mặc định rằng các thần tượng một thuở là người luôn sống, luôn trẻ trung và nhan sắc, tài năng của họ luôn ở đỉnh cao không gì có thể xô đổ. Họ gần như bất tử trong ta. Khía cạnh con người thường, với sinh lão bệnh tử tưởng chừng không chi phối đến một biểu tượng đã ghi dấu ấn vào tâm hồn ta. Thế nhưng, một lần nữa, các bảng tổng kết nói trên lại một cách lạnh lùng thông báo cho ta rằng: họ đã qua đời, đã biến mất khỏi thế giới này, và những sự lấp lánh ta nghĩ về họ chỉ là bởi hào quang của một thứ ảo giác.
Một lần nữa, các bảng tổng kết đó bảo với ta, hãy tin đi, kỳ thực là họ đã ra đi, sau một tuổi già, một cơn bệnh tầm thường, một tai nạn ngớ ngẩn, thậm chí là một chọn lựa được chết. Cái chết đã đến thăm họ, mang họ đi, thuộc về họ mãi mãi. Ta dần hiểu ra điều cay đắng này: sự sống “mãi mãi” mà ta hình dung trong sự cố chấp cho cùng là ảo ảnh trong tâm trí mà thôi.
Maggie Smith, mỹ nhân kiêu sa trên màn bạc của thập niên 1970-1980.
Hãy nhớ lại, ánh mắt xanh thẳm hút hồn của Alain Delon trên màn bạc đã khiến rạp phim trở thành thiên đường của biết bao thế hệ nữ khán giả. Yêu ghét gì qua các vai nam chính hào hoa hay phụ bạc, các nữ khán giả màn bạc có thể bỏ qua hết, khi Alain Delon nhếch môi cười. Hẳn ông từng là một người tình trong mộng thầm kín của biết bao cô gái trên khắp địa cầu khi rạp phim sập tối, những cuộn băng nhựa tua qua các bánh răng máy chiếu và phóng lên thứ hư cấu hấp dẫn mà ta gọi là phim.
Vậy mà, trong năm nay, Alain Delon chết cái chết khá buồn như mọi cụ già khác ở tuổi 88. Chấn động tâm can chứ. Gần như ta chưa thể quen về điều này. Các nữ khán giả mơ mộng năm xưa, bây giờ đã là những cụ bà từng trải cuộc đời, họ sẽ đón nhận tin này thế nào? Một Alain Delon hào hoa phong nhã (và phong tình nữa) mà họ say đắm năm xưa và một Alain Delon buồn bã trong tuổi già, trước khi chết đã thổ lộ với báo giới, “tới bây giờ, thật, tôi không thể hiểu nổi phụ nữ” - hai con người ấy có liên quan gì nhau không?
Và nếu không thể nói quá đáng buồn, thì đó là gì?
Nhưng dù thế nào thì cũng đã xảy ra như thế.
Tương tự, Maggie Smith, mỹ nhân kiêu sa trên màn bạc của thập niên 1970-1980. Ở Maggie Smith năm ấy, qua một vẻ đẹp có thể trở thành kinh điển của những bộ phim như The Prime of Miss Jean Brodie, California Suite... bỗng một ngày xuất hiện với khuôn mặt chằng chịt vết chân chim của một quý bà nhìn đời lạnh lùng và có phần nghiêm khắc. Và sau đó... Làm sao có thể tin. Nhưng vẫn phải tin.
Bà mất vào năm nay. Những người xem phim của thế hệ cũ từng ái mộ bà, nếu vẫn còn trên đời, sẽ thấy cả một vùng ký ức cuộn trào trở về như con sóng lớn rồi cuốn đi, mất hút trong đại dương mênh mông, kéo theo nó là tuổi trẻ mộng tưởng của bao người.
Điều này hẳn cũng khá giống với cảm giác của những trí thức trẻ thập niên 1960-1970 từng ngồi trong các quán cà phê đô thị ở Đà Lạt, Sài Gòn nhẩm theo từng ca từ của bản Le temps de l’amour hay Tous les garçons et les filles hẫng hụt khi hay tin cụ bà Françoise Hardy qua đời hôm 11-6-2024. Và cũng không khác lắm với cảm giác của những người từng thuê tiểu thuyết tình cảm, đọc hết bộ này tới bộ kia của văn sĩ Quỳnh Dao. Các fan của nữ văn sĩ Đài Loan, bà hoàng tiểu thuyết diễm tình sẽ không khỏi trải qua cảm giác trống trải khi hay tin Quỳnh Dao chủ động rời bỏ cõi tạm với những đoạn di thư nhất quán với phong cách văn chương lãng mạn và ướt át của bà.
Còn bao cái tên, con người từng là tượng đài trong lòng ta, đi vào những kỷ niệm, thậm chí là tạo ra những bước ngoặt lớn trong hành trình phát triển của tâm hồn ta bỗng một hôm biến mất chóng vánh trong cõi vô thường. Những gì họ để lại trong không gian ký ức của ta những khoảng giao cảm, bừng sáng, rồi xét cho cùng, như bao nhiêu thứ ở đời, cũng phôi phai theo thời gian.
Sự ra đi của họ trong tư cách những người phàm, xét cho cùng, cũng chỉ là một sự hợp thức hóa của lãng quên và tiêu biến trước dòng đời bất tận.
Những trang báo cuối năm lần dở lại vội vàng, nhắc nhớ và điểm danh những cái tên trong vô vàn những danh nhân đã đi vào thiên thu, đồng thời cũng đánh thức trong ta những ký ức, những ghi dấu trong lịch sử tâm hồn.
Các bản tin đó nổi lên vài giờ trên trang báo điện tử rồi cũng chìm xuống dưới dòng chảy thông tin cuồn cuộn. Và một lần nữa, trước dòng chảy đó, ta lại được nhắc nhớ về tính phù du của phận người, về những trải nghiệm và hoài vọng đã qua.
Nguyễn An Nam