Thời điểm này, những thay đổi, điểm mới của kỳ thi được học sinh, phụ huynh đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có địa phương nào chốt phương án thi chính thức bởi đều phải chờ Thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và THPT thay thế thông tư hiện hành của Bộ GD&ĐT để thực hiện thống nhất chung trên toàn quốc.
Trong dự thảo thông tư sửa đổi Bộ GD&Đ xây dựng có 2 phương thức tuyển sinh lớp 10 THPT gồm xét tuyển và thi tuyển.
Với phương thức xét tuyển, căn cứ là kết quả rèn luyện và học tập các năm học chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS của đối tượng tuyển sinh.
Thí sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội.
Với phương thức thi tuyển, số lượng môn thi dự kiến là 3, bao gồm Toán, Ngữ Văn và một môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp do Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn, công bố trước ngày 31/3 hằng năm. Cấu trúc đề thi và hình thức thi, các môn thi trắc nghiệm sẽ bổ sung dạng thức mới như trắc nghiệm đúng/sai và trắc nghiệm trả lời ngắn, yêu cầu học sinh tô vào các ô tương ứng với đáp án của mình.
Môn Ngữ Văn sẽ không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa để tránh học tủ, bám sát tinh thần của Chương trình GDPT 2018. Nhìn chung cấu trúc đề thi và thời gian làm bài thi do các sở quyết định.
Về điểm ưu tiên, dự thảo quy chế tuyển sinh đề xuất các mức điểm ưu tiên được cộng vào tổng điểm xét tuyển tính theo thang điểm 10 đối với mỗi môn thi, chia thành 3 nhóm: Nhóm 1: Cộng 2,0 điểm. Nhóm 2: Cộng 1,5 điểm. Nhóm 3: Cộng 1,0 điểm.
Kỳ thi dự kiến tổ chức vào tháng 6/2025. Những thay đổi này nhằm đánh giá toàn diện năng lực học sinh, phù hợp với mục tiêu của Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018, đồng thời tạo điều kiện cho các địa phương linh hoạt trong việc tổ chức tuyển sinh.
Với Thủ đô Hà Nội, thông tin về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tới đây, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, căn cứ cấu trúc định dạng đề thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025-2026, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị, các phòng GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận đề kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của môn học và tổ chức cho học sinh tập dượt kỹ; khuyến khích các nhà trường xây dựng thư viện số về đề kiểm tra nhằm tăng cường sự trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau.
Theo ông Trần Thế Cương, nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn, đối với môn Ngữ văn, trong quá trình kiểm tra, đánh giá, các nhà trường tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra, đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ.
Đặc biệt, Sở GD&ĐT Hà Nội đang khẩn trương nghiên cứu, xây dựng phương án thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026, trình UBND thành phố để công bố trong thời gian sớm nhất.
Năm ngoái, cả nước có 55/63 tỉnh thành trên cả nước tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Trong 55 tỉnh thành tổ chức thi tuyển có 11 tỉnh thành kết hợp thi tuyển và xét học bạ.
Một số tỉnh như Long An, An Giang, Hải Dương lựa chọn phương án thi 2 môn Toán, Ngữ văn bắt buộc và môn thứ ba lựa chọn ngẫu nhiên. Tuy nhiên, kể từ năm 2021 trở lại đây, cả 3 địa phương nói trên đều lựa chọn Tiếng Anh là môn thi thứ ba.
Tại Hà Nội, riêng 3 năm qua, duy trì việc thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ thay vì bốc thăm môn thứ 4 theo quy định. Quảng Bình, Hà Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long chỉ thi 2 môn là toán và ngữ văn.
Các tỉnh còn lại thi 3 môn cố định gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Trong đó, môn ngoại ngữ phổ biến nhất là tiếng Anh. 8 tỉnh thành chỉ xét học bạ vào lớp 10 gồm: Quảng Nam, Cà Mau, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Gia Lai và Lâm Đồng.
Đỗ Vi