Những thỏi vàng trên tàu Prince De Conty

Những thỏi vàng trên tàu Prince De Conty
9 giờ trướcBài gốc
1. Được hoàn thành và hạ thủy vào năm 1743 tại cảng Lorient, tỉnh Bretagne, Pháp, Prince de Conty là tàu thương mại trực thuộc Công ty Đông Ấn. Nó được đặt theo tên của Louis-Francois de Bourbon-Conti, hoàng tử xứ Conty.
Hoạt động với 12 cánh buồm, tàu Prince de Conty làm bằng gỗ với chiều dài 40m, rộng 12,50m, trọng tải 600 tấn. Tàu được trang bị 38 khẩu pháo bắn đạn bi đường kính 90mm nhằm chống trả nếu gặp cướp biển. Chỉ huy tàu là thuyền trưởng Charles Francois Breárt de Boisanger.
Ngày 2/4/1745, tàu Prince de Conty đến cảng Wampou (Hoàng Phố) sau 20 tháng hải hành. Tiếp theo, nó thả neo ở Quảng Đông, Trung quốc rồi chất lên đồ sứ, trà, lụa tơ tằm, hồ tiêu và vàng thỏi. Đầu năm 1746, nó nhổ neo đi qua eo biển Flores rồi dừng lại ở Mascarenes, Ấn Độ Dương - là những hòn đảo thuộc Pháp. Trước khi trở về Pháp, tàu Prince de Conty còn ghé đảo Fernando Noronha, Brazil để mua thêm cà phê và ca cao.
Tàu Prince de Conty (ảnh vẽ năm 1943).
Sau khi băng qua Đại Tây Dương và khi gần đến cảng Lorient, Pháp, đêm 3/12/1946, tàu Prince de Conty gặp một trận cuồng phong. Gió thổi rất mạnh cộng với sương mù đã khiến thuyền trưởng Charles Francois Breárt de Boisanger không còn có thể điều khiển được tàu. Hậu quả là nó bị đắm ở Belle-Ile, một hòn đảo ven biển phía nam Bretagne, gần cảng Loscat, tỉnh Locmaria, Pháp với 160 thủy thủ thiệt mạng, 42 người sống sót. Theo lời họ, những cơn gió giật đầu tiên đã thổi tung buồm lái trước mũi tàu và những cánh buồm chính. Tàu Prince de Conty nghiêng hẳn về một bên, nước tràn xuống hầm tàu rồi sau đó tàu bắt đầu chìm.
Pierre Darin, một trong số người sống sót kể lại: “Câu nói cuối cùng mà tôi nghe được từ thuyền trưởng Charles Francois Breárt de Boisanger, ông ấy hét lớn: “Bỏ tàu”. Tôi thoát chết là nhờ bám vào một cái bao đựng những quả dừa khô - là thức ăn dự trữ cho thủy thủ đoàn…”.
Giữa năm 1947, Công ty Đông Ấn sử dụng tù nhân người Anh trong việc thu hồi những thỏi vàng nhưng không có kết quả mặc dù nó chỉ nằm ở độ sâu 15m mà nguyên nhân là dòng chảy dưới đáy biển rất mạnh, trang bị cho thợ lặn lúc ấy còn rất thô sơ. Mỗi thợ lặn đeo những khối chì 15 kg để có thể chìm xuống đáy cộng với cái ống thở, dẫn không khí trực tiếp từ trên tàu cùng một chiếc kính lặn. Ghi chép của Belize, người chỉ huy đội thợ lặn cho thấy mới chỉ xuống tới 10m nước, dòng chảy đã cuốn các thợ lặn đi xa và không một ai có thể tiếp cận được tàu.
Từ đó, sau nhiều lần trục vớt không thành công, tàu Prince de Conty chìm vào quên lãng. Đến năm 1974, nhà thám hiểm và cũng là chuyên gia lặn biển Patrick Lizé trong một chuyến khảo sát ở đảo Belle-Ile đã nhìn thấy con tàu. Trong nhật ký hải hành, ông viết: “Toàn bộ thân tàu đã bị hàng hàng lớp lớp những con hàu bao phủ, các cột buồm đều không còn nữa. Tàu nằm nghiêng 30 độ giữa những tảng đá và các rạn san hô, thân tàu nhiều chỗ đã mục nát”. Phát hiện của Patrick Lizé dẫn đến những cuộc săn lùng kho báu, thực hiện bởi các băng nhóm tội phạm và những người mong muốn làm giàu trong chớp mắt.
Kết quả là hàng nghìn mảnh đồ sứ Trung Quốc có niên đại từ thời vua Càn Long (1736-1795), những chiếc rương đựng trà, lụa tơ tằm… được lấy lên. Đáng kể nhất là hàng chục thỏi vàng với những dòng chữ Trung quốc, mỗi thỏi có trọng lượng từ 368 đến 375 gam lọt vào tay những kẻ săn lùng. Tuy nhiên sau một thời gian điều tra, Cảnh sát Pháp đã bắt giữ 12 kẻ trộm vàng và tất cả đều phải ra tòa rồi lĩnh án, tổng cộng là 126 năm tù với các tội danh xâm phạm tài sản của Công ty Đông Ấn khi chưa được phép, trộm cắp tài sản của Công ty Đông Ấn là vàng thỏi…
Video do Gladu quay trong một chuyến lặn khi phát hiện vàng trên tàu Prince de Conty.
2. Sau vụ bắt giữ 16 kẻ trộm vàng, không còn ai lai vãng đến nơi nó bị chìm và nước Pháp cũng không tiến hành trục vớt thêm một lần nào nữa, một phần là vì Cảnh sát biển Pháp đã ra thông báo cấm tất cả tàu bè không được đến gần vị trí của Prince de Conty 1 hải lý (1.852m) vì chân vịt tàu thuyền khi quay có thể đẩy những gì còn lại của tàu Prince de Conty vào vùng nước xoáy. Hơn nữa sau gần 300 năm chịu đựng nhiều những cơn bão lớn, toàn bộ con tàu đã mục nát, thợ lặn chui vào và nếu con tàu đổ sụp thì cái chết là điều không thể tránh khỏi, chưa kể dòng chảy ngầm dưới đáy biển Belle-Ile cũng làm thối chí những kẻ liều lĩnh nhất.
Thế nhưng đầu năm 2018, Cơ quan Điều tra thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ nhận được thông báo từ Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ, cho biết người đứng đầu bộ phận khảo cổ học dưới nước của Pháp là ông Michel L'Hour đã phát hiện một vụ mua bán đáng ngờ gồm 5 thỏi vàng trên một trang web đấu giá ở Mỹ. Theo ông Michel, có đủ cơ sở để tin rằng số vàng này đến từ tàu Prince de Conty. Dựa trên những chứng cứ ấy, Hải quan Mỹ đã thu giữ 5 thỏi vàng có chữ Trung quốc với giá trị ước tính 331.145 USD. Qua giám định, Hải quan Mỹ xác nhận vàng đúc vào thời nhà Thanh, được sử dụng như tiền tệ trong các giao dịch thương mại và là một phần trong lô vàng trên tàu Prince de Conty.
Biết được việc này, Bộ Ngoại giao Trung quốc làm công văn, đề nghị Bộ An ninh nội địa Mỹ hoàn trả cho quốc gia họ số vàng vừa nói nhưng phía Mỹ từ chối với lý do “thời điểm xảy ra vụ đắm tàu Prince de Conty, số vàng trên tàu được dùng để trao đổi cà phê, ca cao cùng những phẩm vật khác với dân bản xứ nên nó không được coi là tài sản của Chính phủ Trung quốc”. Bên cạnh đó, Bộ An ninh nội địa Mỹ ủy quyền cho Cục Điều tra liên bang (FBI) tiến hành tìm hiểu vì sao số vàng này lại xuất hiện trên thị trường.
Ngày 2/3/2022, 5 thỏi vàng đã được Chính phủ Mỹ trao trả cho Chính phủ Pháp thông qua đại sứ quán Pháp ở Washington. Đến tháng 6 cùng năm, văn phòng công tố tỉnh Brest, Pháp ra quyết định truy tố 3 công dân Pháp và 2 công dân Mỹ vì tình nghi đã bán ở Thụy Sĩ những thỏi vàng lấy từ tàu Prince de Conty với các tội danh “sở hữu tài sản văn hóa bị đánh cắp từ một vụ trộm có tổ chức, rửa tiền bởi một băng đảng có tổ chức, âm mưu tội phạm và xuất khẩu bất hợp pháp tài sản văn hóa”.
Đến tháng 6/2023, Văn phòng công tố Brest đề nghị tòa án đưa ra xét xử 5 người vừa nói về các tội danh nêu trên. Kết quả điều tra cho thấy khi bị bắt vào năm 2022, một trong 3 người Pháp là Gladu - nhiếp ảnh gia chuyên chụp hình dưới đáy biển - đã khai rằng sau 40 lần lặn, kéo dài từ năm 1976 đến năm 1999, ông ta lấy được 16 thỏi vàng từ tàu Prince de Conty. Bên cạnh đó, Gladu cũng thú nhận mình đã bán tất cả 16 thỏi vàng cho một quân nhân đã nghỉ hưu sống tại Thụy Sĩ vào năm 2006.
5 thỏi vàng thu được trong cuộc bán đấu giá ở Mỹ.
Vẫn theo kết quả điều tra, Cảnh sát Pháp với sự phối hợp của FBI đã tìm ra người mua vàng và đồng thời cũng là người bán vàng trên sàn đấu giá là ông Phillip cùng vợ là bà Gay Courter, tiểu thuyết gia và nhà sản xuất phim. Cả hai đều là người Mỹ, sống tại bang Florida, Mỹ. Theo lời khai của bà Courter, một vài người bạn Pháp “đã tặng cho tôi 16 thỏi vàng (?!)” nhưng các điều tra viên cho rằng chuyện này không thể xảy ra bởi lẽ chẳng ai điên khùng đến độ “tặng cho bạn bè” một số tài sản kếch xù như vậy!
Một lần nữa, các điều tra viên lại quay lại với nhân vật Gladu. Lần này họ phát hiện Gladu quen vợ chồng Phillip từ những năm 1980 và đã cùng vợ chồng ông ta đi nghỉ hè trên du thuyền Catamaran ở Hy Lạp vào năm 2011, ở vùng Caribe vào năm 2014 và ở Polynesia thuộc Pháp vào năm 2015.
Một điều tra viên nói: “Chúng tôi có cơ sở để xác định rằng Gladu đã nhờ vợ chồng Phillip bán 16 thỏi vàng bởi lẽ họ là người Mỹ, việc mua bán cũng diễn ra ở Mỹ nên ít gây sự nghi ngờ”. Tuy nhiên Gladu một mực phủ nhận là mình đã đưa vàng cho vợ chồng Phillip, và ông ta “không hề biết và cũng không hề liên quan đến số vàng này” mặc dù trước đó, khi bị bắt vào năm 2022, Gladu khai sau 40 lần lặn, ông ta lấy được 16 thỏi vàng từ tàu Prince de Conty.
Vẫn theo kết quả điều tra, Cảnh sát Pháp “có đủ chứng cứ để tin rằng bà Courters đã sở hữu ít nhất 23 thỏi vàng và vợ chồng bà đã bán 18 thỏi với giá hơn 2.192.000 USD thông qua trang mạng eBay, phần lớn số tiền này đã được chuyển cho Gladu theo như thỏa thuận…”. Điều đáng nói là trước khi những thỏi vàng trên tàu Prince de Conty bị phát hiện, bà Courters đã cho xuất bản một cuốn tiểu thuyết nói về một con tàu chở vàng bị chìm ở Đại Tây Dương. Trong cuốn tiểu thuyết ấy, người đọc nhận thấy có những tình tiết khiến họ liên tưởng đến vụ chìm tàu Prince de Conty nhưng khi được hỏi, bà Courters cho rằng: “Là nhà văn, tôi có quyền viết ra những gì mà tôi tưởng tượng. Chẳng lẽ tôi lại bị tù vì những chuyện không có thật hay sao?”.
Vài ngày sau khi Văn phòng công tố Brest đề nghị tòa án đưa ra xét xử vợ chồng Phillip, cặp đôi này có đơn kháng cáo nhưng đã bị Tòa án tối cao Pháp bác bỏ. Luật sư Gregory Levy, người nhận bào chữa cho vợ chồng Phillip nói: “Cả ông Phillip và bà Courters không biết mình đã vướng vào chuyện gì. Họ không biết số vàng đó là vàng bị đánh cắp. Họ cho rằng mình không làm sai vì quy định về mua bán vàng ở Mỹ hoàn toàn khác với quy định ở Pháp. Họ không được hưởng lợi trong việc này”.
Theo thông báo của Tòa án Brest, vụ trộm cắp và tiêu thụ số vàng của tàu Prince de Conty sẽ được đưa ra xét xử vào tháng 7/2025. Trong số 5 bị cáo phải ra trước vành móng ngựa, ngoài vợ chồng Phillip và Galdu, còn có vợ của Galdu là Brigitte Gladu và Annette May Pesty chị dâu của Brigitte Gladu. Hai người này bị cáo buộc với vai trò đồng phạm. Nếu bị kết án, Gladu có thể nhận từ 10 đến 15 năm tù, vợ chồng Phillip từ 5 đến 10 năm. Riêng Annette May Pesty, chị dâu của vợ Gladu, người mà lúc ban đầu đã khai với cảnh sát Pháp rằng mình là kẻ đầu tiên “phát hiện có vàng trên tàu Prince de Conty” nhưng sau đó, khi Cảnh sát bắt Gladu và khi anh ta thú nhận, thẩm phán chủ tọa phiên tòa đang cân nhắc xem có nên đưa Annette May Pesty vào hồ sơ tố tụng hay không.
Cuối cùng là vàng trên tàu Prince de Conty. Một số nhà sử học đã lần theo dấu vết của những vụ mua bán hàng hóa giữa tàu Prince de Conty và thương nhân Trung quốc ở Hoàng Phố, Quảng Đông, Trung quốc và thổ dân ở Mascarenes, Ấn Độ Dương, đảo Fernando Noronha, Brazil để tìm hiểu giá cả của từng mặt hàng vào thời điểm từ 1745 đến 1746 nhưng những kết quả mà họ thu được không thể xác định có bao nhiêu thỏi vàng trên tàu lúc nó bị chìm…
Vũ Cao (Theo History: Gold on the Prince de Conty)
Nguồn ANTG : https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/nhung-thoi-vang-tren-tau-prince-de-conty-i774694/