Thẻ Căn cước công dân được hiểu một cách đơn giản là một loại giấy tờ tùy thân cơ bản của công dân Việt Nam, trong đó phải ghi rõ và có đầy đủ thông tin cá nhân của công dân.
Tuy nhiên, điều đáng lo là không ít người lại vô tư chia sẻ ảnh hoặc bản scan căn cước công dân lên mạng xã hội, mà không biết rằng hành động tưởng chừng “vô hại” đó có thể khiến họ rơi vào những rắc rối khó lường.
Theo cảnh báo từ cơ quan chức năng, một số thông tin trên căn cước công dân bắt buộc phải giữ kín tuyệt đối, nếu không muốn trở thành "con mồi" ngon ăn cho các chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi.
Khi sử dụng thẻ căn cước công dân, có 4 thông tin quan trọng người dân tuyệt đối không được để lộ
- Số căn cước công dân: đây còn là mã định danh cá nhân của mỗi công dân (theo Điều 19 Luật Căn cước công dân). Mã định danh cá nhân gắn liền với công dân từ khi sinh ra cho đến khi mất đi, không thay đổi, không có sự trùng lặp với bất cứ ai.
- Thông tin nhân thân cơ bản của mỗi cá nhân: Họ tên, ngày sinh, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú. Những thông tin này thường được yêu cầu kê khai trong các hợp đồng, giao dịch ngân hàng và thủ tục hành chính...
- Mã QR, bởi khi quét mã QR trên thẻ căn cước công dân gắn chip, sẽ hiện ra những thông tin cơ bản về nhân thân, số Chứng minh nhân dân cũ. Bên cạnh đó, còn có thể lộ những thông tin về đặc điểm nhân dạng, ngày cấp thẻ căn cước công dân, vân tay của chủ thẻ.
- Mặt sau thẻ: Chứa các thông tin mã hóa như vân tay, đặc điểm nhận dạng của người được cấp thẻ, ngày tháng năm cấp thẻ, họ tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ.
Những rủi ro khi để lộ thông tin trên căn cước công dân
Trong thời đại công nghệ số, những thông tin này lại cực kỳ dễ bị đánh cắp và sử dụng vào mục đích xấu nếu người dùng sơ hở. Điển hình là các chiêu trò vay tiền online trái phép – nơi kẻ gian chỉ cần ảnh căn cước công dân là có thể tạo tài khoản trên các app vay tiền không cần gặp mặt, sau đó chiếm đoạt khoản vay. Người đứng tên căn cước công dân sẽ bị lôi vào các cuộc đòi nợ phi pháp, thậm chí bị dọa dẫm, bôi nhọ danh dự trên mạng xã hội. Dù có thể chứng minh mình không phải là người vay, nhưng để gỡ rối và thoát khỏi vòng xoáy phiền phức đó thì không hề dễ dàng.
Một kiểu lừa đảo khác cũng nguy hiểm không kém là dùng căn cước công dân người khác để mở tài khoản ngân hàng online. Hiện nay, nhiều ngân hàng cho phép khách hàng đăng ký mở tài khoản từ xa và gửi thẻ về tận nhà. Kẻ xấu chỉ cần có ảnh căn cước công dân là đã đủ điều kiện mở tài khoản đứng tên người bị hại, rồi sử dụng để nhận tiền từ các vụ lừa đảo khác. Khi bị điều tra, người bị mạo danh sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc chứng minh mình không liên quan, bởi tất cả giao dịch đều gắn với tài khoản đứng tên họ.
Trước thực trạng này, điều quan trọng nhất là người dân cần tỉnh táo và cẩn trọng tuyệt đối khi chia sẻ thông tin cá nhân, đặc biệt là hình ảnh thẻ căn cước công dân gắn chip. Đừng đăng tải lên mạng, cũng đừng gửi cho người lạ qua các ứng dụng nhắn tin, và càng không nên đưa căn cước công dân cho bất kỳ ai không thực sự cần thiết. Nếu chẳng may đã để lộ, hãy lập tức thông báo cho công an hoặc các đơn vị liên quan để được hỗ trợ xử lý kịp thời, tránh hậu họa về sau.
Dù căn cước công dân gắn chip được đánh giá là công cụ hiện đại giúp bảo mật và quản lý thông tin tốt hơn, nhưng nếu người dùng không có ý thức tự bảo vệ, thì nó lại trở thành “con dao hai lưỡi” giúp tội phạm công nghệ cao dễ dàng tiếp cận và trục lợi. Thời đại số đang mở ra nhiều tiện ích, nhưng cũng đòi hỏi mỗi người cần nâng cao cảnh giác để không trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của các chiêu trò lừa đảo tinh vi.
Cách xử lý khi bị lộ ảnh và thông tin căn cước công dân
Thu hồi và xóa các thông tin bị lộ trên mạng: Nếu phát hiện thông tin căn cước công dân bị lộ trên mạng, hãy nhanh chóng thu hồi và yêu cầu xóa các thông tin đó để ngăn chặn sự lan rộng.
Thông báo ngay cho cơ quan công an: Liên hệ ngay với cơ quan công an để báo cáo vụ việc và nhận được sự hỗ trợ cần thiết.
Liên hệ với các ngân hàng và dịch vụ tài chính: Kiểm tra và ngăn chặn các hoạt động trái phép bằng cách liên hệ với các ngân hàng và dịch vụ tài chính mà thông tin căn cước công dân có thể bị lạm dụng.
Thu thập chứng cứ và gửi đơn khiếu nại: Thu thập tất cả các chứng cứ liên quan đến việc lộ thông tin căn cước công dân, bao gồm tin nhắn, email và các hình ảnh. Gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng để được xử lý.
Thông báo cho gia đình và người thân: Thông báo cho gia đình và người thân về tình trạng bị lộ thông tin để họ cảnh giác và tránh bị lừa đảo.
Đoàn Trang