Tăng lợi nhuận cho nông dân
Vụ Thu Đông năm 2024, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hưng Tân (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) thực hiện thí điểm mô hình canh tác lúa chất lượng cao giảm phát thải, áp dụng máy sạ hàng hiệu ứng đường biên và bón vùi phân bón với diện tích 15ha (4 hộ nông dân tham gia). Nông dân thực hiện mô hình sử dụng lượng giống gieo sạ 80kg/ha và lượng phân bón 200kg/ha.
Với phương pháp sản xuất này, nông dân vừa giảm lượng giống, vừa bảo đảm không bón phân trong 45 ngày đầu gieo sạ. Việc bón vùi phân còn góp phần giảm thất thoát và giảm hiệu ứng nhà kính.
Sau hơn 3 tháng gieo sạ, diện tích lúa thí điểm thực hiện ĐA của ông Lê Văn Ngay - thành viên HTX Nông nghiệp Hưng Tân, đã thu hoạch.
Ông Ngay chia sẻ, được tập huấn những khoa học - kỹ thuật canh tác tiến bộ, áp dụng sạ thưa, bón phân vùi, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật,... nên giảm được chi phí sản xuất.
Ông Ngay đánh giá năng suất và chất lượng vụ lúa Thu Đông năm 2024 vẫn bảo đảm, lợi nhuận tăng hơn so với lối canh tác truyền thống.
“Từ ngày gieo sạ đến thu hoạch, tôi không phải phun xịt sâu, rầy, chỉ xịt bệnh thôi. Mặc dù sạ thưa nhưng bông lúa to, chắc hạt, hạt lúa sáng, lúa cứng cây, ít đổ ngã” - ông Lê Văn Ngay chia sẻ thêm.
Năng suất và chất lượng lúa trong mô hình được bảo đảm, nông dân có lợi nhuận cao hơn từ 3-10 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình
Giám đốc HTX Nông nghiệp Hưng Tân - Ngân Văn Phi đánh giá, các nông dân tham gia mô hình thí điểm của ĐA tuân thủ tốt quy trình canh tác theo hướng dẫn, ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất và không bón thêm phân, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật khi chưa thật sự cần thiết.
Nhờ đó, năng suất lúa của mô hình cao hơn bên ngoài từ 100-120kg/ha; chi phí sản xuất thấp hơn bên ngoài mô hình từ 1,7-2,54 triệu đồng/ha. Với giá bán lúa 8.500 đồng/kg, lợi nhuận mang lại từ 21-28 triệu đồng/ha, cao hơn bên ngoài mô hình từ 3-10 triệu đồng/ha.
Khi thực hiện mô hình, HTX có nhiều thuận lợi và khó khăn. Về thuận lợi, HTX được Công ty Phân bón MTK Hữu Thành và Công ty TNHH MTV Tư Sang hỗ trợ 50% chi phí sạ hàng biên và bón vùi phân nên giảm được chi phí sản xuất.
Còn về khó khăn là do ảnh hưởng của thời tiết, công tác làm đất, khử lẫn lúa giống chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
HTX mong rằng thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh, huyện sẽ hỗ trợ giống lúa chất lượng để nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân - ông Ngân Văn Phi cho biết.
Tập trung thực hiện
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh triển khai, thực hiện ĐA tại 8 huyện, thị xã. Trong đó, giai đoạn 1 (2024-2025), tỉnh tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là 60.000ha.
Giai đoạn 2 (2026-2030), tỉnh xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải mới (ngoài vùng Dự án VnSAT) và sẽ mở rộng thêm 65.000ha, hướng tới mục tiêu 125.000ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vào năm 2030.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng lãnh đạo UBND huyện Tân Hưng khảo sát mô hình Canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải tại Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Tân (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng)
ĐA nhằm hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững. Từ đó, giảm chi phí sản xuất, gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, việc triển khai, thực hiện ĐA ban đầu có nhiều khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, với sự quyết tâm và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự tham gia của các HTX, các cơ quan, doanh nghiệp; đồng thời, tỉnh có nhiều năm xây dựng vùng chuyên canh lúa ứng dụng công nghệ cao và thực hiện Dự án VnSAT. Do đó, ông tin tưởng tỉnh sẽ thực hiện thành công ĐA.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm yêu cầu các địa phương trong vùng thực hiện ĐA cần chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí hoàn thiện các điều kiện ban đầu để triển khai ĐA; phối hợp chặt chẽ các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện; hỗ trợ và phát triển HTX, đào tạo nhân lực quản lý HTX, nâng cấp kết cấu hạ tầng để tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất lúa bền vững./.
Bùi Tùng - Thái Bạch