Quang cảnh cảng hàng hóa ở Nagoya, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 12/5 cho biết nước này đã ghi nhận thặng dư tài khoản vãng lai cao kỷ lục, đạt 30.380 tỷ yen (208 tỷ USD) trong năm tài chính 2024 (kết thúc ngày 31/3/2025), đánh dấu năm thứ hai liên tiếp thiết lập mức cao lịch sử, nhờ vào lợi nhuận đầu tư nước ngoài.
Theo báo cáo, thặng dư trong cán cân tài khoản vãng lai, chỉ số vĩ mô giúp đánh giá tình hình kinh tế của Nhật Bản, đã tăng 16,1% so với năm trước, đạt mức cao nhất kể từ khi có dữ liệu so sánh vào năm tài chính 1985. Trong khi đó, thu nhập chính, phản ánh số tiền Nhật Bản thu được từ các khoản đầu tư ở nước ngoài, đạt mức cao kỷ lục 41.710 tỷ yen, tăng 11,7% so với một năm trước đó. Mức tăng này chủ yếu nhờ vào việc đồng yen yếu khiến lợi nhuận và cổ tức tính bằng ngoại tệ của các công ty con ở nước ngoài cao hơn.
Trong các lĩnh vực chủ chốt khác, cán cân thương mại hàng hóa ghi nhận mức thâm hụt 4.050 tỷ yen, tăng 9,8%. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 4,1%, đạt 106.240 tỷ yen, nhờ vào tăng trưởng trong xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn, linh kiện điện tử và ô tô. Nhập khẩu tăng 4,3%, lên mức 110.290 tỷ yen, chủ yếu do nhu cầu cao đối với máy tính cá nhân và điện thoại thông minh.
Thâm hụt cán cân dịch vụ giảm 20,2%, xuống còn 2.580 tỷ yen, nhờ thặng dư du lịch tăng mạnh, đạt mức cao kỷ lục 6.690 tỷ yen, khi chi tiêu của du khách nước ngoài tại Nhật Bản đã vượt quá mức chi tiêu của người Nhật ở nước ngoài. Trong tài khóa 2024, Nhật Bản đón khoảng 38,85 triệu lượt khách quốc tế, tăng 34,7% so với năm 2023.
Trong khi đó, lương thực tế của người lao động tại Nhật Bản tiếp tục sụt giảm tháng thứ ba liên tiếp do lạm phát dai dẳng, trong khi chi tiêu tiêu dùng bất ngờ vượt kỳ vọng. Điều này đặt ra những thách thức không nhỏ cho triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu này, vốn đang phải đối mặt với rủi ro từ các chính sách thuế quan và sự bất ổn của chính sách tiền tệ.
Theo dữ liệu từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, lương thực tế, sau khi được điều chỉnh theo lạm phát, một chỉ số quan trọng phản ánh sức mua của các hộ gia đình, trong tháng 3/2025 đã giảm 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng giảm thứ ba liên tiếp sau mức giảm 1,5% (đã điều chỉnh) trong tháng 2/2025 và 2,8% trong tháng 1/2025.
Tỷ lệ lạm phát tiêu dùng được Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản sử dụng để tính lương thực tế, bao gồm giá thực phẩm tươi sống nhưng không tính chi phí thuê nhà, vẫn ở mức cao, trong tháng 3/2025 tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù con số này có giảm nhẹ so với mức tăng 4,3% của tháng 2/2025, nhưng chi phí thực phẩm tăng cao vẫn là gánh nặng lớn.
Lương cơ bản tăng 1,3% trong tháng 3/2025, tương đương với tháng 2/2025. Tuy nhiên, đáng chú ý là tiền lương làm thêm giờ đã giảm 1,1%, sau khi tăng 2,4% sau khi được điều chỉnh trong tháng 2/2025. Đây là lần đầu tiên lương làm thêm giờ giảm kể từ tháng 9/2024 và là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2024, cho thấy dấu hiệu tiềm ẩn về sự suy yếu trong hoạt động kinh doanh.
Tổng thu nhập tiền mặt trung bình (lương danh nghĩa) tăng 2,1% lên 308.572 yen (khoảng 2.132 USD) trong tháng 3/2025, chậm hơn so với mức tăng 2,7% được điều chỉnh của tháng trước.
Mặc dù các công ty lớn của Nhật Bản đã đồng ý tăng lương hơn 5% trong các cuộc đàm phán lương mùa Xuân, song tác động của việc này thường chỉ được phản ánh trong dữ liệu lương của chính phủ từ tháng Tư trở đi.
Trái ngược với bức tranh ảm đạm của tiền lương, dữ liệu từ Bộ Nội vụ và Truyền thông cho thấy chi tiêu hộ gia đình Nhật Bản trong tháng 3/2025 tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với dự báo tăng 0,2% của thị trường. So với tháng trước, chi tiêu tăng 0,4%.
Một quan chức Bộ Nội vụ và Truyền thông cho biết việc tăng chi tiêu cho các tiện ích và giải trí đã thúc đẩy số liệu chung, đồng thời có những dấu hiệu cho thấy tiêu dùng đã phục hồi trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, vị quan chức này cũng lưu ý rằng người tiêu dùng vẫn đang cắt giảm chi tiêu cho thực phẩm do giá cả tăng cao.
Trước tình hình trên, các doanh nghiệp Nhật Bản đang ngày càng có xu hướng bán các công ty con và bộ phận kinh doanh, biến chúng thành các thực thể độc lập để tập trung vào hoạt động cốt lõi. Đây là một xu hướng mà các chuyên gia cho rằng có thể được thúc đẩy hơn nữa do tác động của chính sách thuế quan của Mỹ.
Năm 2015, Nhật Bản đã đưa ra một Bộ Luật Quản trị doanh nghiệp, khuyến khích các công ty giải quyết tình trạng sở hữu chéo, đưa thêm nhiều Giám đốc bên ngoài vào và tăng cường đối thoại với các cổ đông. Gần đây, Sở giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) đã nâng cao tiêu chuẩn cho các công ty niêm yết, khuyến khích họ thực hiện các cải cách lớn trên thị trường.
Trong nhiều năm qua, các công ty Nhật Bản đã phát triển bằng cách bổ sung nhiều mảng kinh doanh khác nhau vào hoạt động cốt lõi. Tuy nhiên, hiện nay, xu hướng là tập trung hơn vào cốt lõi: những gì không mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp và cách họ có thể sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả nhất.
Một phân tích của chiến lược gia cấp cao Shrikant Kale tại ngân hàng đầu tư Jefferies ở Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) cho thấy, nhiều công ty Nhật Bản vẫn còn phân mảnh và được quản lý không hiệu quả. Trong khi ở Mỹ và châu Âu, khoảng hai trong ba công ty hoạt động trong một lĩnh vực duy nhất, thì ở Nhật Bản, tỷ lệ này chỉ là một trong ba. Theo ông Kale, đối với Nhật Bản, đây là một vấn đề mang tính di sản và cần được giải quyết khẩn cấp để cải thiện biên lợi nhuận và khả năng sinh lời.
Khánh Ly (Theo Kyodo, AP)