Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Getty Images/TTXVN.
Theo tờ Finacial Times, ông Yuri Ushakov, cố vấn chính sách đối ngoại của nhà lãnh đạo Nga, cho biết cuộc trò chuyện kéo dài khoảng 2 giờ của ông Putin và Trump có giọng điệu rất thân thiện đến nỗi không vị tổng thống nào muốn là người đầu tiên cúp máy.
Đối với người Ukraine và các đồng minh của ở châu Âu thì những phát biểu trên lại được nhận định theo chiều hướng ngược lại.
Theo nội dung được hé lộ, trong cuộc điện đàm ngày 19/5, Tổng thống Mỹ dường như đã không đưa ra áp lực nào lên Nga để hối thúc Moskva sớm đạt được lệnh ngừng bắn – trái ngược với điều ông Trump đã miêu tả trước đây. Bên cạnh đó, ông Trump cũng nói rõ rằng Mỹ đang dần rút lui khỏi vai trò trung gian trong các nỗ lực chấm dứt chiến tranh, đồng thời có ý định để cho Moskva và Kiev tự giải quyết mọi vấn đề liên quan.
Trước bối cảnh đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có những cảnh báo về hệ quả đối với những nỗ lực kết thúc cuộc chiến hiện nay. "Điều quan trọng đối với tất cả chúng ta là Mỹ không được xa rời các cuộc đàm phán và theo đuổi hòa bình", ông Zelensky nói trong một tuyên bố sau khi kết thúc điện đàm với Tổng thống Trump. Nhà lãnh đạo Ukraine cũng cho rằng việc Mỹ rút khỏi các cuộc đàm phán sẽ chỉ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phía Nga.
Một số nhà quan sát nhận định những động thái trên có thể là bước ngoặt sau hơn ba năm xung đột. Cuộc điện đàm thượng đỉnh Trump – Putin đã gợi mở ra những vấn đề mà châu Âu quan ngại nhất. Đó là khi Tổng thống Mỹ đang chuyển hướng dần về sang phía Moskva, thay vì Kiev như kỳ vọng của châu Âu.
Theo phát biểu trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Trump thậm chí đã đưa ra gợi ý về nhân vật có thể thay thế làm trung gian: Giáo hoàng Leo XIV. "Vatican… tuyên bố rằng rất muốn tổ chức các cuộc đàm phán", ông Trump nêu rõ.
Hai nguồn thạo tin đã tiết lộ thêm một số nội dung trong cuộc điện đàm của ông Trump với các nhà lãnh đạo châu Âu sau khi nói chuyện với Tổng thống Nga. Bên cạnh việc ám chỉ không tham gia tiến trình hiện nay, ông Trump còn cho biết sẽ không có ý định gây thêm áp lực lên Moskva trong khi các cuộc đàm phán song phương giữa Nga và Ukraine đang được thúc đẩy.
Điều đó có thể là một sự thay đổi thái độ của ông Trump đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine. Chỉ hơn một tuần trước, các nhà lãnh đạo châu Âu cho biết rằng họ cùng với Tổng thống Trump đã cảnh báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga nếu nước này không thực hiện lệnh ngừng bắn ngay lập tức.
"Cuộc điện đàm với (Tổng thống) Trump là một chiến thắng cho (Tổng thống) Putin", ông Steven Pifer, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine hiện đang làm việc tại Trung tâm An ninh và Hợp tác Quốc tế tại Đại học Stanford, cho biết.
Qua cuộc điện đàm có thể nhận thấy rằng hai nhà lãnh đạo Trump và Putin dường như đã thống nhất rằng Nga và Ukraine sẽ đàm phán trực tiếp, tiếp tục kết quả của cuộc hòa đàm tại Istanbul vào tuần trước.
Thông báo sau cuộc điện đàm, Tổng thống Putin cho biết Nga đã sẵn sàng phối hợp với phía Ukraine về một "bản ghi nhớ về thỏa thuận hòa bình có thể có trong tương lai". Bản ghi nhớ đó sẽ bao gồm "các nguyên tắc làm nền tảng cho thỏa thuận hòa bình" và "một lệnh ngừng bắn có thể có trong một khoảng thời gian nhất định, nếu đạt được một số thỏa thuận nhất định".
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Ukraine cho biết ý tưởng về một bản ghi nhớ trên chưa thực sự rõ ràng. Trong khi đó, Tổng thống Zelensky cũng nói với phóng viên vào tối 19/5 rằng đề xuất này là "xa lạ" với ông.
Ý định của Mỹ khi muoons rút khỏi vai trò trung gian dường như được "hé lộ" vào nhiều tuần trước đó bởi chính Tổng thống Trump cũng như từ Ngoại trưởng Marco Rubio và Phó Tổng thống JD Vance - những người đã nhiều lần bày tỏ sự thất vọng với cả Nga và Ukraine. Ông Vance nói với các phóng viên vào hôm 19/5 rằng cuối cùng Mỹ có thể phải nói rằng: "Đây không phải là cuộc chiến của chúng tôi".
"Chúng tôi sẽ cố gắng chấm dứt nó, nhưng nếu chúng tôi không thể chấm dứt nó, cuối cùng chúng tôi sẽ nói: 'Bạn biết không? Điều đó đáng để thử, nhưng chúng tôi sẽ không làm thế nữa", ông Vance chia sẻ.
Tổng thống Trump cũng nhắc lại thông điệp trên khi phát biểu tại Nhà Trắng. Ông cho biết điều gì đó "sắp xảy ra" để chấm dứt chiến tranh. Nhưng ông cũng nhấn mạnh nếu không đạt được thì phía Mỹ sẽ rút lui và đây là vấn đề của châu Âu, nên để châu Âu tự giải quyết.
Một số chuyên gia cho rằng ý định rút lui của Tổng thống Trump là điều dễ hiểu. Ông Peter Slezkine từ nhóm nghiên cứu Stimson Center cho biết rằng quan điểm của mỗi bên Nga và Ukraine đều khiến Tổng thống Trump "nổi giận" với bên còn lại. "Nếu ông ấy có thể buộc hai bên nói chuyện với nhau và tự rút mình ra khỏi bức tranh, điều đó có thể là cần thiết để mọi thứ đạt được tiến triển", ông Peter nói thêm.
Tuy vậy, một số nhà phân tích khác lại nhận định rằng ông Trump hiện nay có vẻ quan tâm nhiều hơn đến việc xích lại gần hơn Moskva hơn là giải quyết cuộc chiến kéo dài hơn 3 năm qua.
"Vào thời điểm này, ông Trump dường như coi việc bình thường hóa quan hệ Nga - Mỹ là mục đích tự thân", ông Andrew Weiss, Phó chủ tịch Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho biết. "Mọi thứ khác đều phụ thuộc vào mục tiêu đó".
Thời điểm có thể kết thúc cuộc chiến Nga - Ukraine
Với lợi thế đang có trên chiến trường, nhiều nhà phân tích nhận định phía Nga sẽ khó chấp nhận một thỏa thuận mà nước này không đạt được lợi ích đáng kể, nhất là tại các vùng lãnh thổ phía Đông Ukraine. Moskva dường như sẽ đợi một thời điểm phù hợp để giải quyết vấn đề này.
Một phát ngôn viên quân đội Ukraine cho biết "các trận chiến dữ dội" đang diễn ra xung quanh thành phố chiến lược Pokrovsk, miền Đông Ukraine và phía Bắc Toretsk gần đó. Nhiều binh lính Ukraine cho biết rằng một xa lộ đóng vai trò là trung tâm hậu cần quan trọng của Kiev đang bị thiết bị bay không người lái của Nga tấn công thường xuyên, đe dọa hoạt động của Ukraine trong khu vực.
Theo nhóm phân tích quân sự DeepState thân cận với quân đội Ukraine, tình hình đang bất lợi đối với lực lượng Kiev và quân đội Nga đang "xâm nhập các vị trí và tiến gần đến biên giới hành chính của khu vực Donetsk" - một trong những khu vực mà Nga đã tuyên bố sáp nhập vào năm 2022 nhưng vẫn chưa kiểm soát được hoàn toàn.
Bản đồ của DeepState cho thấy lực lượng Nga còn cách ranh giới này chưa đầy 5km tại những điểm giao tranh ác liệt nhất.
Việc chiếm toàn bộ khu vực Donetsk ở phía Đông - cùng với các khu vực lân cận Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia, 3 khu vực khác mà Nga tuyên bố sáp nhập vào năm 2022 - vẫn là một mục tiêu quân sự quan trọng đối với Moskva. Trong các cuộc đàm phán với các quan chức Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần trước, Nga đã đưa ra bất kỳ lệnh ngừng bắn nào cũng phải đi kèm với điều kiện là Kiev phải rút toàn bộ lực lượng của mình khỏi cả 4 khu vực trên.
Ông Rob Lee, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, cho biết Nga đã thành công trong việc tiến quân vào sâu bên trong và tuyển được quân với số lượng lớn.
"Về mặt quân sự, tôi nghĩ Nga có thể duy trì cuộc chiến trong thời điểm hiện tại, với việc tuyển tình nguyện viên liên tục. Giới lãnh đạo Nga có thể tin rằng họ vẫn có thể cải thiện vị thế của mình trên chiến trường", ông Lee nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Lee cũng cho biết khi mùa hè đến gần, điều kiện thời tiết sẽ trở nên thuận lợi hơn cho các hoạt động tấn công, điều này có thể có lợi cho Nga. "Nga vẫn chưa đạt được mục tiêu tối thiểu là chiếm đóng toàn bộ các vùng Donetsk và Luhansk... Vì vậy, họ có thể sẽ cố gắng chiếm càng nhiều lãnh thổ càng tốt vào mùa hè này trước khi tham gia đàm phán", ông nói thêm.
Bình Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc