Động thái "xuống thang" của ông Netanyahu
Động thái của Thủ tướng Benjamin Netanyahu diễn ra trong bối cảnh áp lực quốc tế ngày càng tăng đối với Israel, chiến dịch quân sự ở Dải Gaza và Lebanon không mang lại hiệu quả đúng như mong đợi, cũng như việc Thổ Nhĩ Kỳ trình lên Liên hợp quốc bức thư với sự đồng thuận của 54 quốc gia và tổ chức nhằm kêu gọi cấm bán vũ khí cho nhà nước Do Thái.
Thêm sự phức tạp của tình hình là nó diễn ra cùng thời điểm với ngày bầu cử tổng thống ở Mỹ, nơi mối quan hệ giữa Thủ tướng Benjamin Netanyahu với Đảng Dân chủ vẫn căng thẳng. Nên động thái thể hiện sự xuống thang của chính quyền Israel, sẵn sàng đối thoại với Mỹ dù kết quả thế nào.
Việc ông Donald Trump giành chiến thắng bầu cử tổng thống Mỹ cũng cho thấy bước đi của ông Netanyahu là thức thời, khi ông Trump luôn thể hiện quan điểm giảm sự viện trợ quân sự của Mỹ cho các quốc gia đồng minh, gồm cả Ukraine. Điều này sẽ khiến chính sách quân sự mạnh tay trong của chính quyền ông Netanyahu không còn phù hợp.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant (bên phải) tham dự một lễ kỷ niệm tại nước này, ngày 31/10/2024. Ảnh: Reuters
Ông Yoav Galant giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Israel từ ngày 29/12/2022 và được biết đến với quan điểm mạnh mẽ về các vấn đề an ninh, quốc phòng. Trước đó, từ năm 2005 đến năm 2010, ông là Tư lệnh Quân khu phía Nam của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), nơi ông thể hiện là một nhà lãnh đạo quân sự giàu kinh nghiệm, đóng vai trò chủ chốt trong việc phát triển và tiến hành các hoạt động quân sự trong khu vực. Trong sự nghiệp của mình, ông Galant nhiều lần phải đối mặt với những thách thức quan trọng liên quan đến an ninh miền nam Israel, bao gồm xung đột biên giới và mối de dọa từ các nhóm vũ trang ở Dải Gaza.
Mặc dù việc ông Galant bị sa thải khiến nhiều người ngạc nhiên nhưng động thái “ngầm” cho thấy chính quyền Israel đang chuẩn bị xuống thang tình hình xung đột trong khu vực. Điều này càng được củng cố với việc bổ nhiệm cựu Ngoại trưởng Israel Katz, người rất có thể sẽ phải xoa dịu tình hình và chuẩn bị cho quân đội và đất nước chấm dứt xung đột hiện nay ở Gaza và Lebanon.
Xoa dịu dư luận và lấy lại "hình ảnh" trên trường quốc tế
Việc Thủ tướng Benjamin Netanyahu cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Galant có thể do một số yếu tố. Đầu tiên, những chiến dịch quân sự chưa mang lại hiệu quả dưới sự lãnh đạo của ông Galant đã gây ra sự chỉ trích từ dư luận và các đối thủ chính trị trong nước.
Cuộc xung đột bắt đầu từ tháng 10 năm 2023 và kéo dài hơn một năm, gây ra những khó khăn nhất định cho Israel. Trong thời gian này, khoảng 2 nghìn người Israel đã thiệt mạng, trong đó có 756 sĩ quan quân đội và cảnh sát. Ngoài ra, hơn 10 nghìn người đã buộc phải rời bỏ nơi cư trú ở phía bắc và phía đông đất nước.
Tính chất kéo dài của cuộc xung đột và cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng ở Gaza và Lebanon đã làm dấy lên mối lo ngại của cộng đồng quốc tế, thậm chí ngay cả các đồng minh phương Tây của Israel. Các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc và Tổ chức theo dõi nhân quyền đã bày tỏ lo ngại về hậu quả nhân đạo của các hành động quân sự cứng rắn của Israel. Một số nước phương Tây đang kêu gọi Israel kiềm chế và tìm kiếm các giải pháp ngoại giao, phát đi tín hiệu chỉ trích chiến lược quân sự của nước này.
Sự trùng hợp của những thay đổi nhân sự này với cuộc bầu cử ở Mỹ đã làm tăng thêm sự phức tạp về mặt chính trị. Mối quan hệ giữa ông Netanyahu và Đảng Dân chủ từ trước đến nay rất căng thẳng, và mặc dù ứng cử viên Đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống song quyền lực của Đảng Dân chủ ở lưỡng viện Quốc hội Mỹ sẽ là trở ngại, ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Mỹ với Israel.
Do đó, việc bổ nhiệm ông Katz có thể là một động thái chiến lược nhằm thiết lập một cuộc đối thoại mang tính xây dựng hơn với Mỹ, dựa trên kinh nghiệm ngoại giao và khả năng thiết lập quan hệ quốc tế của ông.
Hàng nghìn cuộc biểu tình ở các thủ đô phương Tây và trên khắp thế giới, vụ kiện của Nam Phi tại Tòa án Công lý Quốc tế, cũng như việc Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi Liên hợp quốc cấm cung cấp vũ khí cho Israel báo hiệu những thách thức nghiêm trọng mà nước này phải đối mặt trên trường quốc tế.
Điều này không chỉ làm gia tăng sự cô lập về mặt ngoại giao mà còn có thể ảnh hưởng đến khả năng phòng thủ của Israel. Trong những trường hợp này, việc bổ nhiệm một nhà ngoại giao có kinh nghiệm vào vị trí bộ trưởng quốc phòng có thể nhằm mục đích chống lại những sáng kiến đó và tăng cường hỗ trợ quốc tế.
Ở trong nước, việc sa thải ông Galant từ chức và bổ nhiệm ông Katz có thể được coi là nỗ lực của Thủ tướng Netanyahu nhằm thể hiện quyết tâm và sự sẵn sàng thay đổi trước áp lực ngày càng tăng. Động thái này có thể nhằm mục đích tăng cường niềm tin của người dân vào chính phủ và củng cố vị thế của chính phủ trước những thách thức cả bên trong và bên ngoài.
Cuộc xung đột kéo dài tác động tiêu cực đến nền kinh tế Israel. Theo số liệu thống kê quý II/2024, tăng trưởng kinh tế của nước này giảm 1,5% so với năm trước, điều này cho thấy kinh tế đất nước đang bên bờ vực suy thoái. Tình trạng thiếu hụt lao động lên tới hơn 4,5% do việc huy động lực lượng dự bị và hạn chế tiếp cận với người lao động Palestine. Điều này dẫn đến năng suất lao động thấp, tình trạng lạm phát leo thang, làm xấu đi tình hình kinh tế.
Dư luận ở Israel bị chia rẽ do các chiến dịch quân sự ở Gaza, Lebanon và những khó khăn kinh tế và xã hội ngày càng gia tăng. Nhiều người Israel tin rằng chiến lược quân sự hiện tại đang thất bại và cần phải xem xét lại. Việc sa thải ông Galant, người từng là biểu tượng của một đường lối quân sự mạnh mẽ, có thể được coi là một nỗ lực của chính quyền ông Netanyahu nhằm chuyển sự chú ý và tìm ra “vật tế thần” cho những thất bại trong những tháng gần đây. Trong bối cảnh này, ông Galant thực sự có thể trở thành “cột thu lôi”, giúp Thủ tướng Netanyahu tránh bị đổ lỗi cho sai lầm của mình và bảo toàn vốn liếng chính trị.
Liệu những tính toán có thành công?
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, rõ ràng các bước đi của Thủ tướng Netanyahu là nhằm duy trì quyền kiểm soát tình hình và ngăn chặn sự leo thang hơn nữa trong nước. Tuy nhiên, có nguy cơ việc thay đổi Bộ trưởng Quốc phòng nếu không có những thay đổi cơ bản về chiến lược có thể không mang lại kết quả như mong đợi. Sự rạn nứt trong xã hội do bị dồn nén bởi các vấn đề quân sự, kinh tế và xã hội đặt ra thách thức khó khăn cho chính quyền Israel - duy trì niềm tin của người dân, ổn định nền kinh tế và tìm lại sự hỗ trợ quốc tế cho đất nước.
Song dù thế nào việc bổ nhiệm ông Katz làm Bộ trưởng Quốc phòng vẫn có thể được coi là một nỗ lực của ông Netanyahu nhằm củng cố vị thế của Israel trên trường quốc tế. Ông Katz, với kinh nghiệm làm Ngoại trưởng, có thể tăng cường các nỗ lực ngoại giao của đất nước nhằm đáp lại những lời chỉ trích và trừng phạt. Kỹ năng đàm phán quốc tế của ông có thể giúp giảm bớt căng thẳng và tìm kiếm đồng minh mới hoặc củng cố các mối quan hệ hiện có.
Hà Anh