Luật sư Hoàng Văn Chiển, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tư vấn như sau:
Các trường hợp không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định số 178?
Theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP về Chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Các trường hợp không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi bao gồm:
- Trường hợp có tuổi đời còn từ đủ 2 năm đến đủ 5 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP và có đủ thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để được hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội sẽ không bị trừ tỷ lệ lương hưu (theo điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP)
- Trường hợp có tuổi đời còn trên 5 năm đến đủ 10 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP và có đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để được hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội sẽ không bị trừ tỷ lệ lương hưu (theo điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP)
- Trường hợp có tuổi đời còn từ đủ 2 năm đến đủ 5 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP và có đủ thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để được hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, trong đó có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành hoặc có đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1.1.2021 sẽ không bị trừ tỷ lệ lương hưu (theo điểm c khoản 2 Điều 7 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP).
- Trường hợp có tuổi đời còn dưới 2 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP và có đủ thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để được hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội sẽ không bị trừ tỷ lệ lương hưu (theo điểm d khoản 2 Điều 7 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP).
- Trường hợp có tuổi đời còn dưới 2 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP và có đủ thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để được hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, trong đó có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành hoặc có đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1.1. 2021 sẽ không bị trừ tỷ lệ lương hưu (theo điểm đ khoản 2 Điều 7 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP).
Ảnh minh họa/BH
Những trường hợp chưa xem xét nghỉ việc theo Nghị định số 178?
Tại Điều 4 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP quy định về các trường hợp chưa xem xét nghỉ việc theo Nghị định 178 như sau:
- Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP là nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, trừ trường hợp cá nhân tự nguyện nghỉ việc.
- Những người đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị thanh tra, kiểm tra do có dấu hiệu vi phạm.
Thái Yến