Ảnh minh họa: T.L
Theo khoản 2 Điều 8 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, cá nhân được hoàn thuế trong các trường hợp sau:
1. Số thuế đã nộp lớn hơn số thuế phải nộp.
2. Có thu nhập tính thuế chưa đến mức phải nộp thuế, nhưng đã nộp thuế trước đó.
3. Các trường hợp khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài ra, Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định cá nhân được hoàn thuế khi đã đăng ký và có mã số thuế tại thời điểm nộp hồ sơ quyết toán thuế, cá nhân ủy quyền quyết toán thuế qua tổ chức trả thu nhập sẽ nhận hoàn thuế thông qua tổ chức này.
Theo Điều 71 Luật Quản lý thuế 2019, hồ sơ hoàn thuế bao gồm: văn bản yêu cầu hoàn thuế, các tài liệu liên quan đến yêu cầu hoàn thuế. Những tài liệu này cần được chuẩn bị đầy đủ và chính xác để đảm bảo quá trình xử lý nhanh chóng.
Dựa trên Điều 72 Luật Quản lý thuế 2019, các bước thực hiện như sau:
1. Nộp hồ sơ hoàn thuế:
- Trực tiếp tại cơ quan quản lý thuế.
- Gửi qua đường bưu chính.
- Gửi trực tuyến qua cổng giao dịch điện tử của cơ quan thuế.
2. Tiếp nhận và xử lý hồ sơ:
Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận, cơ quan thuế sẽ phân loại và thông báo: hồ sơ hợp lệ và hồ sơ chưa đầy đủ. Trong đó, nếu hợp lệ thì người dân sẽ nhận được thông báo về thời hạn giải quyết sẽ được thông báo. Còn nếu chưa đầy đủ thì sẽ nhận được thông báo bằng văn bản để người nộp thuế bổ sung.
Một ví dụ cụ thể, trường hợp bạn làm việc theo hợp đồng thử việc 2 tháng với thu nhập 5 triệu đồng/tháng, để xác định mình có được hoàn thuế hay không, bạn cần kiểm tra tổng thu nhập năm:
- Nếu tổng thu nhập cả năm chưa đến 108 triệu đồng (sau khi trừ các khoản giảm trừ), bạn có thể đề nghị hoàn thuế.
- Điều kiện cần: Đã có mã số thuế tại thời điểm nộp hồ sơ quyết toán thuế.
Ngoài ra, một số những lưu ý khi thực hiện hoàn thuế là sẽ không bị xử phạt nếu nộp hồ sơ quyết toán muộn. Và người dân có thể chọn hoàn thuế trực tiếp hoặc bù trừ vào kỳ nộp thuế sau.
Vũ Linh