Những trường hợp này sẽ bị thu hồi sổ đỏ trong năm 2025 theo quy định mới nhất

Những trường hợp này sẽ bị thu hồi sổ đỏ trong năm 2025 theo quy định mới nhất
5 giờ trướcBài gốc
Những trường hợp nào bị thu hồi sổ đỏ theo quy định mới của Luật Đất đai?
Theo khoản 2 Điều 152 Luật Đất đai 2024, Nhà nước thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (hay là sổ đỏ/giấy chứng nhận) đã cấp trong các trường hợp sau:
- Trường hợp 1: Nhà nước thu hồi toàn bộ diện tích đất trên sổ đỏ đã cấp.
- Trường hợp 2: Cấp đổi sổ đỏ đã cấp.
- Trường hợp 3: Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất mà phải cấp mới sổ đỏ.
- Trường hợp 4: Sổ đỏ đã cấp không đúng quy định của pháp luật về đất đai, cụ thể:
+ Cấp không đúng thẩm quyền.
+ Không đúng đối tượng sử dụng đất.
+ Không đúng diện tích đất.
+ Không đủ điều kiện được cấp.
+ Không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai tại thời điểm cấp sổ đỏ.
- Trường hợp 5: Sổ đỏ đã cấp bị tòa án có thẩm quyền tuyên hủy.
- Trường hợp 6: Đấu giá, giao quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo yêu cầu của tòa án, cơ quan thi hành án mà người phải thi hành án không nộp sổ đỏ đã cấp.
Thẩm quyền thu hồi sổ đỏ sau khi sát nhập tỉnh, thành?
Sau khi sáp nhập tỉnh, thành, thẩm quyền thu hồi sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất) năm 2025 vẫn tuân theo các quy định của Luật Đất đai 2024, cụ thể được quy định tại Điều 83. Việc sáp nhập không làm thay đổi thẩm quyền này, nhưng có thể ảnh hưởng đến quá trình thực hiện do những thay đổi về địa giới hành chính.
Cơ quan có thẩm quyền thu hồi sổ đỏ bao gồm:
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền thu hồi sổ đỏ đối với các đối tượng sử dụng đất là:
- Tổ chức trong nước, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.
- Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.
- Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.
- Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Việc thu hồi sổ đỏ do UBND cấp tỉnh thực hiện trong các trường hợp sau:
- Vi phạm pháp luật về đất đai.
- Chấm dứt việc sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
- Tự nguyện trả lại đất.
- Đất có nguy cơ đe dọa tính mạng con người hoặc không còn khả năng sử dụng.
Ủy ban nhân dân cấp huyện
Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền thu hồi sổ đỏ đối với:
- Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.
- Việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh.
- Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Ảnh hưởng của việc sáp nhập
Việc sáp nhập các đơn vị hành chính có thể ảnh hưởng đến quá trình thu hồi sổ đỏ theo các cách sau:
Thay đổi địa chỉ: Sáp nhập có thể dẫn đến việc thay đổi địa chỉ, số tờ, số thửa của các thửa đất. Việc này có thể đòi hỏi phải điều chỉnh thông tin trên sổ đỏ. Tuy nhiên, việc này không đồng nghĩa với việc bắt buộc phải cấp đổi sổ đỏ. Theo quy định, việc thay đổi thông tin trên sổ đỏ sẽ được thực hiện theo yêu cầu của người sử dụng đất.
Cơ sở dữ liệu: Các cơ quan quản lý đất đai cần phải cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai, đảm bảo sự thống nhất về thông tin sau khi sáp nhập.
Quy trình hành chính: Việc sáp nhập có thể làm thay đổi cơ cấu tổ chức của các cơ quan quản lý đất đai, ảnh hưởng đến quy trình, thủ tục thu hồi sổ đỏ.
Hướng dẫn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ ban hành hướng dẫn cụ thể về việc chỉnh lý hồ sơ địa chính, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi sáp nhập.
Lưu ý: Người dân không bắt buộc phải làm lại sổ đỏ sau khi sáp nhập, trừ khi có nhu cầu chỉnh lý hoặc cập nhật thông tin.
Các cơ quan này có trách nhiệm thực hiện quy trình thu hồi theo quy định của pháp luật và đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân trong trường hợp bị thu hồi sổ đỏ.
Theo quy định của Luật đất đai mới, năm 2025 có 6 trường hợp bị thu hồi sổ đỏ. Ảnh minh họa: TL
Thủ tục thu hồi sổ đỏ thực hiện thế nào?
Theo Điều 46 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, việc thu hồi, hủy Giấy chứng nhận đã cấp, cấp Giấy chứng nhận sau khi thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp được quy định như sau:
Thu hồi sổ đỏ đối với trường hợp vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; do vi phạm pháp luật về đất đai; do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người, không còn khả năng tiếp tục sử dụng:
Bước 1: Người sử dụng đất nộp Giấy chứng nhận đã cấp cho đơn vị/tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc cơ quan được quy định theo quyết định thu hồi đất;
Bước 2: Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) tiếp nhận Giấy chứng nhận từ cơ quan/đơn vị nhận Giấy chứng nhận từ người sử dụng đất.
Bước 3: Giải quyết
Trường hợp Nhà nước thu hồi toàn bộ diện tích của thửa đất ghi trong Giấy chứng nhận thì VPĐKĐĐ cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính và trên cơ sở dữ liệu đất đai.
Trường hợp Nhà nước thu hồi một phần diện tích của thửa đất ghi trong Giấy chứng nhận hoặc trường hợp Giấy chứng nhận đã được cấp cho nhiều thửa đất mà Nhà nước thu hồi một/một số thửa thì thực hiện VPĐKĐĐ xác nhận trên Giấy chứng nhận đã cấp hoặc cấp mới Giấy chứng nhận đối với phần diện tích/các thửa đất còn lại nếu người sử dụng đất có nhu cầu; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người được cấp; cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
Thu hồi sổ đỏ trong trường hợp đã cấp không đúng quy định
Thu hồi giấy chứng nhận đã cấp do cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, không đúng diện tích, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn hoặc nguồn gốc sử dụng theo điểm a, b, c khoản 3 Điều 152 Luật Đất đai 2024, cụ thể là các trường hợp:
- Trường hợp Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai có bản án, quyết định có hiệu lực thi hành, trong đó có kết luận về việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp thì việc thu hồi Giấy chứng nhận được thực hiện theo bản án, quyết định đó;
- Trường hợp cơ quan thanh tra có văn bản kết luận giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định:
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, nếu kết luận đó là đúng thì quyết định thu hồi giấy chứng nhận đã cấp;
Trường hợp xem xét, xác định giấy chứng nhận đã cấp là đúng quy định của pháp luật thì phải thông báo lại cho cơ quan thanh tra.
- Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận phát hiện giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định:
Kiểm tra lại, thông báo cho người sử dụng đất biết rõ lý do;
Quyết định thu hồi giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định:
Trong 03 trường hợp trên, trình tự thủ tục thu hồi giấy chứng nhận như sau:
Bước 1: Cơ quan có thẩm quyền quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp.
Bước 2: VPĐKĐĐ cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính và trên cơ sở dữ liệu đất đai.
Thu hồi khi người sử dụng đất phát hiện sổ đỏ cấp không đúng quy định
Bước 1: Người sử dụng đất gửi kiến nghị bằng văn bản đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ, cụ thể là:
Bộ phận một cửa thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, huyện, xã.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả, đồng thời chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền.
Bước 3: Cơ quan thẩm quyền kiểm tra, xem xét, quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp; cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại khoản 9 Điều 46 Nghị định 101/2024/NĐ-CP.
Bước 4: Cơ quan thẩm quyền chỉ đạo thực hiện cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính và trên cơ sở dữ liệu quốc gia.
Thu hồi trong trường hợp sổ đỏ bị tòa án tuyên hủy và đấu giá, giao quyền sử dụng đất theo yêu cầu của Tòa án, cơ quan thi hành án mà người phải thi hành không nộp sổ đỏ đã cấp
- Đối với giấy chứng nhận đã cấp lần đầu:
Bước 1: Cơ quan có thẩm quyền (UBND cấp tỉnh, huyện) quyết định thu hồi và chuyển quyết định đến VPĐKĐĐ.
Bước 2: VPĐKĐĐ thu hồi giấy chứng nhận đã cấp, đồng thời cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính và trên cơ sở dữ liệu đất đai.
- Đối với giấy chứng nhận đã cấp khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất:
Cơ quan có thẩm quyền (Tổ chức/chi nhánh của tổ chức đăng ký đất đai) quyết định thu hồi và cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính và trên cơ sở dữ liệu đất đai.
Thu hồi trong trường hợp có nhiều thửa đất cấp chung 1 giấy chứng nhận có một/một số thửa bị thu hồi
Bước 1: Thu hồi giấy chứng nhận đã cấp.
Bước 2: Cấp giấy chứng nhận theo quy định đối với các thửa đất này; cấp đối giấy chứng nhận cho các thửa đã được cấp giấy chứng nhận theo quy định tại khoản 9 Điều 46 Nghị định 101/2024/NĐ-CP.
Lưu ý:
VPĐKĐĐ có trách nhiệm quản lý giấy chứng nhận trong trường hợp thu hồi giấy chứng nhận.
Các trường hợp thu hồi giấy chứng nhận mà người sử dụng đất không đồng ý với việc giải quyết của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định.
Trường hợp người sử dụng đất không nộp sổ đỏ thì hủy sổ đỏ thế nào?
Trường hợp thu hồi sổ đỏ (giấy chứng nhận) mà người sử dụng đất không nộp thì việc hủy sổ đỏ được thực hiện như sau:
(i) Đối với giấy chứng nhận đã cấp lần đầu: Cơ quan có chức năng quản lý đất đai trình cho cơ quan có thẩm quyền quyết định hủy giấy chứng nhận đã cấp.
(ii) Đối với giấy chứng nhận đã cấp khi thực hiện đăng ký biến động: VPĐKĐĐ quyết định hủy giấy chứng nhận đã cấp.
(iii) Trường hợp giấy chứng nhận đã cấp bị tòa án tuyên hủy thì thực hiện theo mục (iv) dưới đây.
(iv) VPĐKĐĐ cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính và trên cơ sở dữ liệu đất đai; lập danh sách Giấy chứng nhận đã bị hủy gửi cho cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh, Bộ Tài nguyên & Môi trường để thông báo công khai ở trên trang thông tin điện tử.
Đối với trường hợp cấp giấy chứng nhận sau khi thu hồi
Trường hợp cấp giấy chứng nhận sau khi thu hồi được thực hiện như sau:
Trường hợp 1: Giấy chứng nhận bị thu hồi là cấp lần đầu:
Bước 1: VPĐKĐĐ chuyển hồ sơ cấp giấy chứng nhận đến cơ quan quản lý đất đai.
Bước 2: Giải quyết hồ sơ
Cơ quan quản lý đất đai kiểm tra hồ sơ, xác định lại thông tin quy hoạch tại thời điểm cấp giấy chứng nhận;
Chuẩn bị hồ sơ để cơ quan thẩm quyền cấp giấy chứng nhận.
Chuyển hồ sơ đã giải quyết đến VPĐKĐĐ.
Bước 3: VPĐKĐĐ chỉnh lý hồ sơ địa chính và trên cơ sở dữ liệu đất đai; trao giấy chứng nhận hoặc chuyển cơ quan tiếp nhận hồ sơ để trao cho người được cấp.
Trường hợp 2: Giấy chứng nhận bị thu hồi là giấy chứng nhận cấp trong trường hợp đăng ký biến động:
Bước 1: VPĐKĐĐ kiểm tra hồ sơ đã cấp giấy chứng nhận để các định lại thông tin tại thời điểm cấp giấy chứng nhận.
Bước 2: VPĐKĐĐ cấp giấy chứng nhận.
Bước 3: VPĐKĐĐ chỉnh lý hồ sơ địa chính và trên cơ sở dữ liệu đất đai; trao giấy chứng nhận hoặc chuyển cơ quan tiếp nhận hồ sơ để trao cho người được cấp.
Lưu ý:
Cơ quan quản lý đất đai, VPĐKĐĐ không xác định lại các thông tin khác ở trên giấy chứng nhận đã được cơ quan thẩm quyền xác lập phù hợp với quy định.
Đối với giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định do lỗi của cơ quan thẩm quyền thì nghĩa vụ tài chính được xác định theo chính sách thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại thời điểm cấp giấy chứng nhận trước đây; đối với trường hợp do lỗi của người sử dụng đất thì nghĩa vụ tài chính được xác định dựa theo chính sách thu tiền sử dụng đất và tiền thuê đất tại thời điểm cấp giấy chứng nhận.
Nếu tại thời điểm thu hồi giấy chứng nhận đã cấp mà quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đang thế chấp và bên nhận thế chấp đang giữ giấy chứng nhận thì cơ quan thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận phải thông báo cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất và bên nhận thế chấp. Sau đó, bên nhận thế chấp phải nộp giấy chứng nhận cho cơ quan thẩm quyền.
UBND cấp xã có thẩm quyền thu hồi sổ đỏ không?
UBND cấp xã không có thẩm quyền thu hồi sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất). Theo quy định của Luật Đất đai 2024, thẩm quyền thu hồi sổ đỏ thuộc về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Cụ thể, thẩm quyền thu hồi đất và thu hồi sổ đỏ được phân chia như sau:
UBND cấp tỉnh: Thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
UBND cấp huyện: Thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; thu hồi đất trong trường hợp thu hồi vì mục đích quốc phòng, an ninh hoặc phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Như vậy, UBND cấp xã không có thẩm quyền ra quyết định thu hồi sổ đỏ.
Dù không có quyền thu hồi đất, UBND cấp xã có thể đóng vai trò trong:
- Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình thực hiện quyết định thu hồi đất, bồi thường và giải phóng mặt bằng.
- Tham gia tổ chức công bố quyết định thu hồi đất tại địa phương và hỗ trợ trong việc vận động người dân.
L.Vũ (th)
Nguồn GĐ&XH : https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nhung-truong-hop-nay-se-bi-thu-hoi-so-do-trong-nam-2025-theo-quy-dinh-moi-nhat-172250419220040141.htm