Tác dụng của táo đỏ với sức khỏe
Báo Thanh Niên dẫn lời bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ (Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3) cho biết, theo y học hiện đại, những tác dụng của táo đỏ hầu hết đến từ thành phần dinh dưỡng bên trong. Quả táo đỏ chứa nhiều các hợp chất chống oxy hóa. Đặc biệt, đây là nguồn cung cấp phong phú các hợp chất như flavonoid, polysaccharid và axit triterpenic.
Bên cạnh đó, táo đỏ còn chứa nhiều vitamin, khoáng chất và ít calo. Cụ thể, trong 100g táo đỏ sống chứa chất béo 0,2g, chất đạm 1,2g, carbohydrate 20,2g, kali 250 mg, vitamin C 69 mg (khoảng 77% giá trị hằng ngày được khuyến nghị).
Ngoài ra, táo đỏ còn chứa một số loại khoáng chất khác như photpho, canxi, magiê và một lượng vitamin B phức hợp nhất định. Nước sắc từ dược liệu có thể làm cho Albumin huyết thanh cùng với Protid toàn phần tăng rõ. Từ đó có thể thấy rằng dược liệu này tác dụng bảo vệ chức năng gan, đồng thời giúp tăng lực cơ.
Theo y học cổ truyền, các tài liệu đông y ghi nhận dược liệu đại táo vị ngọt, tính bình có công dụng bổ trung, cường lực, ích khí, trừ phiền muộn, dưỡng tỳ, bình vị khí, giải độc.
Táo đỏ tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng ăn được
Đại táo là vị thuốc quý nên dược liệu này có mặt phổ biến trong rất nhiều đơn thuốc chữa bệnh. Ngoài ra, với hương vị ngọt thanh và kết cấu dai mềm, táo đỏ thường được sử dụng trong các món ngọt truyền thống và các món hầm bổ dưỡng như gà hầm, chè dưỡng nhan, cháo, súp.
Tùy thuộc vào từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu ở dạng tươi hay phơi khô. Thông dụng nhất là kết hợp với các vị thuốc khác rồi sắc lấy nước uống. Liều dùng khuyến cáo là khoảng 5-10 quả một ngày. Tuy nhiên, tùy trường hợp, mục đích sử dụng có thể điều chỉnh và sử dụng liều lượng phù hợp để tốt cho sức khỏe.
Những người nên hạn chế ăn táo đỏ
Táo đỏ tuy tốt cho sức khỏe nhưng có một số người nên hạn chế ăn thực phẩm này. Báo VietNamNet dẫn lời, bác sĩ Đoàn Thu Hồng, phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, tư vấn, táo đỏ là món ăn vặt lành tính, gần như không có tác hại, cần chú ý tránh ăn táo nếu đang dùng một trong các loại thuốc sau:
- Thuốc chống trầm cảm
- Thuốc chứa các chất ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SSNRI)
- Một số loại thuốc chống co giật: Phenytoin, phenobarbitone, carbamazepine
Ngoài ra lượng đường cao trong táo đỏ sấy khô cũng sẽ không tốt cho những người thừa cân, béo phì hay tiểu đường type 2. Vì vậy những người này cũng không nên ăn quá nhiều táo đỏ sấy.
Thanh Thanh (Tổng hợp)