Những truyền thống Giáng sinh kỳ lạ trên thế giới

Những truyền thống Giáng sinh kỳ lạ trên thế giới
15 giờ trướcBài gốc
Tượng Đại tá Sanders trong trang phục Ông già Noel tại Tokyo, Nhật Bản
Giấu chổi
Na Uy nổi tiếng với những truyền thống Giáng sinh độc đáo, trong đó có phong tục giấu chổi. Truyền thống này đã tồn tại hơn 400 năm, khi Vua Christian IV ra lệnh cho tất cả phù thủy phải rời khỏi đất nước trước lễ Giáng sinh.
Từ đó, nhiều câu chuyện dân gian thú vị xoay quanh sự kiện này ra đời. Người ta kể rằng, các phù thủy cảm thấy bị xúc phạm bởi lệnh trục xuất nên đã biến lâu đài của nhà vua thành một cung điện băng, ngăn chặn lối vào bằng những khối băng lớn mà lửa hay nước đều không thể làm tan chảy.
Để ngăn các phù thủy tiếp tục gây rối, nhà vua ra lệnh giấu hết chổi trước dịp Giáng sinh. Truyền thống này được lưu truyền qua nhiều thế hệ và ngày nay vẫn được thực hiện nhằm ngăn chặn phù thủy dùng chổi để di chuyển và làm những điều xấu xa trong mùa lễ hội.
Ăn gà rán KFC
Giáng sinh là dịp nhộn nhịp nhất trong năm của KFC tại Nhật Bản, khi nhiều gia đình chọn mua bữa tối tại đây. Vào năm 2022, trong 3 ngày, từ 23 đến 25/12, KFC đã đón tiếp 2 triệu khách hàng, mang về khoảng 6 tỷ yên doanh thu. Truyền thống này bắt nguồn từ những năm 1950, khi văn hóa phương Tây dần ảnh hưởng tới đời sống của người Nhật.
Theo tờ Telegraph - nhật báo của Anh, ban đầu là do người nước ngoài tại Nhật Bản không thể tìm thấy món gà vào dịp Giáng sinh. Nhận thấy cơ hội, KFC đã khởi động chiến dịch "Kentucky for Christmas" và đến nay, thói quen ăn KFC đã trở thành phong cách đón mừng Giáng sinh phổ biến tại Nhật Bản chứ không chỉ là trào lưu nhất thời.
Trượt patin
Ở Venezuela, giày trượt patin là món đồ không thể thiếu vào dịp Giáng sinh. Theo truyền thống, các gia đình sẽ tụ tập trên đường phố để trượt patin và hát vang những bài ca mừng Giáng sinh. Truyền thống này được cho là bắt đầu từ những năm 1950, khi đất nước này trải qua "cơn sốt" trượt patin.
Trượt patin vẫn phổ biến cho đến nay và Giáng sinh là thời điểm hoàn hảo để tận hưởng hoạt động này.
"Cây chuối" Noel
Có khoảng 25 triệu người Ấn Độ (tương đương 2,3% dân số) theo đạo Thiên Chúa. Người Ấn Độ tổ chức Giáng sinh và trao quà cho nhau giống như nhiều quốc gia nhưng cách trang trí cây Giáng sinh lại mang nét riêng biệt.
Ở vùng Nam Ấn, nơi việc tìm kiếm cây thông không dễ dàng, người dân thường thay thế bằng cây chuối hoặc cây xoài. Những cây này được trang trí bằng đèn và đồ trang trí, biến chúng thành phiên bản "cây thông" Noel đầy sắc màu. Đối với người Ấn Độ, việc trang trí Giáng sinh với cây chuối hoặc xoài cũng là cách thể hiện sự gắn bó với thiên nhiên và văn hóa địa phương.
"Bà già Noel"
Befana được ví như Bà già Noel, người tặng quà cho trẻ em Ý
Vào ngày 5 và 6/1 hàng năm, người dân Ý, đặc biệt là trẻ em, lại háo đón lễ Befana - được coi là Giáng sinh thứ hai của đất nước này. Befana được ví như Bà già Noel của Ý. Bà có vẻ ngoài xấu xí, với mụn cóc và chiếc mũi nhọn, đúng chất của một phù thủy trong những câu chuyện cổ tích.
Giống như Ông già Noel, Befana cũng tặng quà cho trẻ em. Bà vào nhà bằng cách chui qua ống khói và di chuyển bằng chổi phép, thay vì dùng bầy tuần lộc. Vào đêm 5/1, những đứa trẻ ngoan sẽ nhận được quà hay kẹo bánh, còn những em bé chưa nghe lời cha mẹ thì chỉ nhận được than đen. Dù là bánh kẹo hay than, tất cả đều được bỏ vào một chiếc tất dài, treo bên lò sưởi.
Xem hoạt hình Vịt Donald
Vào lúc 15 giờ ngày Giáng sinh, nhiều người dân Thụy Điển sẽ bật tivi để xem hoạt hình Vịt Donald. Tập phim đặc biệt cho dịp Giáng sinh là "Kalle Anka och hans vänner önskar God Jul" (nghĩa là "Vịt Donald và những người bạn chúc bạn Giáng sinh vui vẻ").
Tập phim được phát sóng từ năm 1959 trên kênh truyền hình công cộng của Thụy Điển mà không có quảng cáo, đã trở thành 1 trong 3 sự kiện truyền hình quan trọng của đất nước này. Lời thoại trong chương trình quen thuộc đến mức nhiều câu nói trong đó đã trở thành một phần của ngôn ngữ thường ngày của người Thụy Điển.
Địa chỉ của Ông già Noel
Địa chỉ gửi thư đến Ông già Noel là Bắc Cực, Canada, H0H 0H0
Địa chỉ gửi thư đến Ông già Noel là Bắc Cực, Canada, H0H 0H0, đặc biệt là không cần bưu phí. Đây không phải là trò đùa, bởi Bưu điện Canada đã thiết lập một mã thư tín riêng cho những bức thư gửi Ông già Noel. Trong những bức thư, trẻ em thường viết danh sách quà mong muốn, vẽ hình ảnh, kể những câu chuyện vui nhộn và chia sẻ trò chơi yêu thích.
Điều đáng ngạc nhiên là mỗi lá thư đều được đọc và trả lời. Hơn 6.000 tình nguyện viên của Bưu điện Canada - bao gồm cả nhân viên hiện tại và người đã nghỉ hưu - giúp đỡ Ông già Noel trong công việc này. Các lá thư được trả lời bằng ngôn ngữ mà chúng được viết, bao gồm cả chữ nổi Braille dành cho người khiếm thị.
Để nhận được phản hồi, thư phải được gửi chậm nhất vào ngày 16/12. Trong suốt 30 năm qua, truyền thống này đã giúp lan tỏa niềm vui mùa lễ và củng cố niềm tin của trẻ em đối với Ông già Noel.
Ném giày
Ở Cộng hòa Séc, có một truyền thống Giáng sinh vừa vui nhộn vừa kỳ quặc là ném giày. Truyền thống này tương tự như việc ném hoa cưới và đối với phụ nữ Séc, đây là cách để dự đoán việc kết hôn của mình.
Vào đêm Giáng sinh, người phụ nữ sẽ đứng quay lưng về phía cửa và ném một chiếc giày qua vai. Nếu chiếc giày rơi xuống với phần mũi giày hướng về phía cửa, điều đó có nghĩa là cô ấy sẽ kết hôn trong năm tới. Ngược lại, nếu chiếc giày rơi với phần gót giày hướng về phía cửa, cô ấy có thể sẽ vẫn độc thân thêm một thời gian nữa.
Jade Nguyễn (Tổng hợp)
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/nhung-truyen-thong-giang-sinh-ky-la-tren-the-gioi-20241218200641552.htm