Những từ khóa đang trở thành cấm kỵ trên Instagram

Những từ khóa đang trở thành cấm kỵ trên Instagram
12 giờ trướcBài gốc
Không chỉ riêng Instagram, mà cả các nền tảng lớn khác của Meta như Facebook và Threads cũng hạn chế chủ đề chính trị. Ảnh: NurPhoto.
Trên Instagram, nhà sáng tạo nội dung Arielle Fodor có nghệ danh Mrs. Frazzled đã nổi tiếng nhờ những video hài hước đời thường, đạt hàng triệu lượt xem với những video giả vờ "nuôi dạy" người lớn.
Tuy nhiên, có một điều khiến Arielle Fodor ngày càng bức xúc. Mỗi khi cô đăng bài liên quan đến bầu cử, lượt xem sẽ giảm đi đáng kể. Điều này không phải do cô tưởng tượng. Trên thực tế, mỗi khi cô đề cập đến vấn đề chính trị, lượng khán giả giảm khoảng 40% so với các bài đăng bình thường.
Theo Washington Post, Fodor không phải trường hợp duy nhất. Qua quá trình điều tra, tờ báo kết luận Meta đang kiểm soát và giảm tần suất xuất diện của các bài đăng chính trị trên nền tảng của mình.
"Điều này khiến tôi cảm thấy rất bất lực. Chúng ta đang có trong tay một công cụ mạnh mẽ như mạng xã hội, nhưng lại không thể tự do chia sẻ về bầu cử”, Frazzled nói với Washington Post.
Kiểm duyệt ngầm
Kể từ khi Mark Zuckerberg đưa ra chiến lược “giảm chính trị” vào năm 2021, các nội dung chính trị trên Meta - bao gồm Facebook, Instagram và gần đây là Threads - đều bị ảnh hưởng.
Theo nghiên cứu của tổ chức Accountable Tech, mức độ tương tác với các nội dung chính trị trên Instagram có thể giảm đến 65% với một số tài khoản có tầm ảnh hưởng lớn như Human Rights Campaign hay Feminist. Thực trạng này cho thấy Meta đang dần tạo ra một không gian mạng xã hội "tinh giản" chính trị và người dùng chỉ biết phải chấp nhận.
Hồi tháng 2, tập đoàn tuyên bố sẽ không còn chủ động đề xuất nội dung về chính trị, bao gồm các chủ đề "có liên quan đến các vấn đề luật pháp, bầu cử hoặc các chủ đề xã hội”.
Song, điều khiến người sáng tạo như Fodor cảm thấy bất mãn chính là sự thiếu minh bạch. Không ai nhận được thông báo rằng Instagram tự động bật chế độ "giảm nội dung chính trị". Đến khi họ nhận ra thì đã quá muộn.
Đây không hẳn là “kiểm duyệt”, vì bạn vẫn có thể đăng bài về chính trị và những người đã theo dõi bạn vẫn có thể nhìn thấy nó. Đó cũng là cách Taylor Swift đạt được 283 triệu người theo dõi nhờ ủng hộ bà Kamala Harris. Nhưng đây là một dạng "shadowban" - thuật ngữ dùng để chỉ việc giảm tầm ảnh hưởng của một loại nội dung mà không thông báo rõ ràng.
Trên thực tế, các nội dung chính trị thường bị giới hạn, không xuất hiện trong mục “Khám phá” (Explore) hoặc dòng thời gian của những người không theo dõi tài khoản đó.
Meta đã thắt chặt việc kiểm soát những gì xuất hiện trên bảng tin của bạn, đặc biệt là từ các tài khoản bạn chưa theo dõi. Ảnh: The Atlantic.
Nói với Washington Post, Fodor cho biết cô cảm thấy khó hiểu và mất niềm tin vào nền tảng này. Trong một số bài đăng về bầu cử gần đây, khi cô dùng từ “vote” (bỏ phiếu), lượng khán giả xem bài viết của cô giảm đến 63%.
Những bài đăng của cô về các chủ đề như quyền phá thai hay bỏ phiếu xếp hạng ưu tiên (ranked-choice voting) cũng không tránh khỏi việc bị giảm tương tác. “Nó làm tôi rất mất tinh thần”, Fodor chia sẻ.
Theo phát ngôn viên Corey Chambliss, lý do Meta làm điều này là vì người dùng mong muốn được thấy ít tin chính trị hơn trên mạng xã hội, đồng thời vẫn có khả năng tương tác với nội dung chính trị nếu họ muốn.
Nỗi lo về thuật toán
Nhưng việc Meta giảm thiểu nội dung chính trị cũng đặt ra những câu hỏi về quyền kiểm soát quá mức của công ty. Trong những năm đầu mạng xã hội này ra mắt, chính Meta đã khuyến khích các cuộc thảo luận chính trị trên nền tảng.
Năm 2011, Mark Zuckerberg từng tổ chức một buổi livestream với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhằm thảo luận về cách mạng xã hội góp phần thúc đẩy nền dân chủ. “Facebook cho phép chúng ta không chỉ có cuộc đối thoại một chiều”, Obama nói. Nhưng giờ đây, có vẻ như Meta lại muốn thu hẹp phạm vi của những cuộc thảo luận đó.
Theo một khảo sát của Pew Research Center, 1/5 người trưởng thành ở Mỹ thường xuyên nhận tin tức từ Instagram, nhiều hơn cả các nền tảng như TikTok, X (trước đây là Twitter) hay Reddit. Điều này cho thấy nội dung chính trị suy giảm trên Instagram có thể tác động lớn đến khả năng tiếp cận thông tin của hàng triệu người dùng. Từ đó, nó sẽ ảnh hưởng đến nhận thức và thậm chí là quyết định bỏ phiếu của họ.
Đầu năm nay, Fodor đã cùng với nhà sáng tạo khác gửi thư cho Meta, nói rằng công ty đã từ bỏ trách nhiệm xây dựng “một không gian cởi mở và an toàn để đối thoại, trò chuyện và thảo luận”.
Sự thay đổi của Meta bắt đầu từ năm 2021, khi CEO Mark Zuckerberg quyết định rút dần các nội dung chính trị khỏi Facebook sau nhiều năm bị chỉ trích vì thiên vị đảng Dân chủ. Ảnh: Washington Post.
Theo Washington Post, một trong những vấn đề lớn nhất mà Fodor gặp phải là thuật toán mập mờ. Cô không bao giờ biết nội dung của mình bị giảm hiển thị khi nào hay như thế nào.
Điều này khiến nhiều nhà sáng tạo cảm thấy bất an. Fodor gọi đây là “nỗi lo về thuật toán”. Cô cho biết: "Điều này khiến mọi người ngày càng thiếu tin tưởng vào các nền tảng mạng xã hội”.
Meta không thông báo cho Fodor bài đăng nào của cô bị gắn cờ là quá chính trị. Nhưng dữ liệu từ tài khoản Instagram của cô cho thấy những bài viết liên quan đến chính trị có số lượng người xem ít hơn hẳn. Điều này chứng tỏ rằng Instagram đã “can thiệp” vào nội dung của cô.
Trên thực tế, Mark Zuckerberg có quyền tự do theo Tu chính án thứ nhất để quyết định những gì sẽ được quảng bá trên các nền tảng của mình. Nhưng người dùng cũng có quyền được biết những chủ đề nào bị hạn chế và cách Instagram đưa ra quyết định này.
Zach Praiss, giám đốc chiến dịch của Accountable Tech, nhận định: “Meta đã đi xa đến mức hạn chế khả năng người dùng nói về họ là ai và họ quan tâm đến điều gì”.
Với nhà sáng tạo nội dung Fodor, cô cảm thấy như mình đang "gào thét vào khoảng không vô tận" - một khoảng không mà đáng lẽ người dân phải có quyền tự do thảo luận về chính trị.
Thúy Liên
Nguồn Znews : https://znews.vn/khi-chinh-tri-tro-thanh-tu-cam-ky-tren-instagram-post1505484.html