Triển lãm là một trong những hoạt động nổi bật nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 – 19.5.2025), thể hiện tình cảm tri ân sâu sắc và sự ngưỡng vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với vị lãnh tụ kính yêu, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của nhân loại.
Tư liệu trong Triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”
Thông qua triển lãm, công chúng có dịp chiêm ngưỡng và suy ngẫm về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, những giá trị trường tồn, không chỉ soi sáng con đường cách mạng Việt Nam mà còn lan tỏa đến cộng đồng quốc tế.
Triển lãm trưng bày hàng trăm hình ảnh, tư liệu, hiện vật quý giá về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vĩ đại và tư tưởng Hồ Chí Minh
Với quy mô lớn, triển lãm được chia thành nhiều cụm nội dung chuyên đề, phản ánh các khía cạnh khác nhau trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác như: “Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc”, “Nhà văn hóa kiệt xuất”, “Bác Hồ trong lòng bè bạn năm châu”, “Tình cảm của Người với các tầng lớp nhân dân”...
Đặc biệt, phần trưng bày chuyên đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất” giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu được công nhận là Bảo vật quốc gia như: Đường Kách mệnh, Nhật ký trong tù, Di chúc…
Cùng nhiều tác phẩm văn học, báo chí có giá trị tư tưởng và nghệ thuật sâu sắc như: Bản yêu sách của nhân dân An Nam, Bản án chế độ thực dân Pháp, Cương lĩnh chính trị, các bài báo, bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng đồng bào chiến sĩ cả nước.
Các đại biểu xem trưng bày về chủ đề “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”
Một điểm nhấn giàu ý nghĩa là không gian “Chiến dịch giải phóng mang tên Người”, tái hiện vai trò biểu tượng và tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đại thắng mùa Xuân năm 1975, cột mốc kết thúc chiến tranh, mở ra thời kỳ hòa bình, thống nhất đất nước.
Triển lãm còn giới thiệu các thành tựu của nhân dân ta trong quá trình thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; các tác phẩm văn học nghệ thuật, phim tư liệu, tranh cổ động, tem bưu chính, sản phẩm thủ công mỹ nghệ… ca ngợi tấm gương đạo đức, phong cách mẫu mực của Người.
Nhiều bảo tàng, trung tâm văn hóa từ các tỉnh thành như Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, TP. Hồ Chí Minh... cùng góp mặt tại triển lãm, mang đến các tư liệu, hình ảnh phản ánh sinh động tình cảm sâu đậm của Bác với đồng bào cả nước và những tấm gương tiêu biểu trong việc làm theo gương Bác.
Ban Tổ chức trao Cup cho các đơn vị tham gia triển lãm
Không chỉ là một không gian trưng bày, triển lãm còn là nơi kết nối cảm xúc qua các chương trình nghệ thuật như “Hoa tháng Năm dâng Người”, “Lời ca dâng Bác”, “Thanh niên làm theo lời Bác”...
Bên cạnh đó, công nghệ hiện đại như phòng đa giác quan, trình chiếu 3D, âm thanh vòm 5.1... mang đến trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn người xem ở nhiều lứa tuổi.
Đông đảo du khách đã đến tham quan gian hàng trưng bày, triển lãm
Không gian nghệ thuật “Sen trong đời sống văn hóa Việt Nam” với các hoạt động trình diễn áo dài, tranh cổ động, sản phẩm thủ công lấy cảm hứng từ hoa sen, loài hoa gắn liền với hình ảnh Bác, góp phần làm sâu sắc thêm thông điệp về sự thanh cao, giản dị và cốt cách Hồ Chí Minh.
Đồng thời, các gian hàng giới thiệu sản phẩm làng nghề, ẩm thực đặc sản, hàng tiêu dùng chất lượng và tour du lịch văn hóa... tạo nên một không gian hội tụ giữa truyền thống và hiện đại, thu hút sự quan tâm, tham gia đông đảo của công chúng.
Triển lãm diễn ra đến hết ngày 20.5, không chỉ là sự kiện văn hóa – chính trị đặc sắc, mà còn là dịp để mỗi người dân Việt Nam thêm một lần nhìn lại, học hỏi và tự hào về di sản tinh thần vô giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại.
PHẠM NGÂN