Nhiều tuyến quốc lộ kết nối 3 tỉnh hợp nhất
Theo Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14-4-2025 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Lâm Đồng sẽ sáp nhập với tỉnh Bình Thuận và tỉnh Đắk Nông. Tỉnh mới sẽ có tên là Lâm Đồng với diện tích 24.233 km, dân số 3.324.400 người.
TP Đà Lạt sẽ là trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Lâm Đồng mới sau hợp nhất với Bình Thuận và Đắk Nông.
TP Đà Lạt dự kiến sẽ là trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Lâm Đồng mới.
Hiện nay, Đà Lạt cách TP Gia Nghĩa (trung tâm của Đắk Nông hiện nay) khoảng 160 km qua Quốc lộ 28; cách TP Phan Thiết (trung tâm của Bình Thuận hiện nay) khoảng 160 km qua Quốc lộ 28B và Quốc lộ 20. Các tuyến giao thông này đóng vai trò huyết mạch, tạo điều kiện thuận tiện để kết nối hiệu quả các trung tâm lớn của tỉnh Lâm Đồng mới sắp tới, kết nối với vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ. Trục Quốc lộ 20 kết nối Đà Lạt thẳng xuống vùng Đông Nam Bộ và TP HCM.
Ngoài ra, Lâm Đồng còn có các tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 55, Quốc lộ 27, Quốc lộ 27B kết nối với các tỉnh ven biển phía Đông Nam.
Tuyến đèo Prenn sẽ kết nối trung tâm TP Đà Lạt với 2 tuyến cao tốc trong tương lai là Liên Khương - Bảo Lộc và Bảo Lộc Tân Phú, rút ngắn thời gian đi các tỉnh Đông Nam Bộ và TP HCM.
Còn đối với việc kết nối Phan Thiết - Bình Thuận, dự án nâng cấp Quốc lộ 28B dài 68 km (Bắc Bình - Bình Thuận đến Đức Trọng - Lâm Đồng) với tổng mức đầu tư 1.435 tỉ đồng đang được các đơn vị gấp rút thi công, dự kiến hoàn thành vào năm 2026.
Trong khi đó, sân bay Liên Khương là Cảng Hàng không Quốc tế đầu tiên của khu vực Tây Nguyên (sân bay cấp 4E có công suất 5 triệu hành khách/năm), là đầu mối giao thông rất quan trọng, góp phần phát triển ngành du lịch vùng Tây Nguyên nói chung.
Những dự án trọng điểm tương lai của Lâm Đồng
Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đang khẩn trương chuẩn bị cho việc khởi công 2 dự án đường cao tốc Liên Khương - Bảo Lộc (dài gần 74 km, vốn đầu tư 17.718 tỉ đồng) và Bảo Lộc - Tân Phú giai đoạn 1 (dài 66 km, vốn đầu tư 17.200 tỉ đồng).
Khi 2 dự án hoàn thành, hệ thống giao thông từ Đà Lạt - trung tâm của tỉnh Lâm Đồng mới - sẽ được tăng cường kết nối với vùng kinh tế sôi động nhất cả nước là TP HCM và Đông Nam Bộ, tạo động lực phát triển cho tỉnh Lâm Đồng mới.
Quốc lộ 27C nối Đà Lạt với Nha Trang
Đối với kết nối vùng duyên hải Nam Trung Bộ, đặc biệt là tỉnh Khánh Hòa mới (Khánh Hòa sáp nhập với Ninh Thuận), đang có tuyến Quốc lộ 27C Nha Trang - Đà Lạt dài khoảng 130 km. Thế nhưng, tuyến đường này thường xuyên xảy ra sạt lở vào mùa mưa gây ách tắc giao thông và cung đường "tử thần" đèo Khánh Lê thường xảy ra tai nạn.
Thời gian qua, UBND tỉnh Lâm Đồng và UBND tỉnh Khánh Hòa cùng các sở, ngành 2 địa phương đã tổ chức cuộc trao đổi, thống nhất một số nội dung liên quan đến việc đầu tư dự án đường cao tốc Nha Trang - Đà Lạt.
Dự án có chiều dài gần 81 km, vốn đầu tư khoảng 25.058 tỉ đồng, giai đoạn xây dựng từ năm 2026 - 2028. Khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai thành phố chỉ còn khoảng 1,5 - 2 giờ, thay vì hơn 3 - 4 giờ như hiện nay, tăng thêm tiềm năng khai thác lợi thế du lịch đặc thù "hoa và biển" của 2 thành phố du lịch nổi tiếng của Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Đối với kết nối Lâm Đồng - Ninh Thuận (dự kiến là Khánh Hòa sau sáp nhập), hiện tại có dự án tuyến đường nối từ thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn, Ninh Thuận) đến ngã tư Tà Năng (Đức Trọng, Lâm Đồng). Dự án có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng, dài hơn 63 km, đang trong giai đoạn sắp hoàn thành.
Bên cạnh đó là dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt với tổng mức đầu tư dự kiến 27.000 tỉ đồng.
Trường Nguyên