Những ưu thế tạo tiền đề thuận lợi cho Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa

Những ưu thế tạo tiền đề thuận lợi cho Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa
15 giờ trướcBài gốc
Theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, quyết định sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Khánh Hòa thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Khánh Hòa. Sau khi sắp xếp, tỉnh Khánh Hòa có diện tích tự nhiên là 8.555,86 km2, quy mô dân số là 2.243.554 người. Tỉnh Khánh Hòa giáp tỉnh Đắk Lắk, tỉnh Lâm Đồng và Biển Đông. [1]
Ông Võ Hoàn Hải được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa
Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa khóa VII (nhiệm kỳ 2021-2026) đã tổ chức Kỳ họp thứ nhất sau khi hợp nhất hai tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận vào chiều ngày 1/7/2025.
Tại kỳ họp, Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa công bố nghị quyết chỉ định Ủy viên Ủy ban Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 với 15 thành viên, trong đó có ông Võ Hoàn Hải giữ chức Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa.
Ông Võ Hoàn Hải có trách nhiệm tham mưu và điều hành các hoạt động của ngành Giáo dục và đào tạo trên địa bàn toàn tỉnh trong giai đoạn mới.
Ông Võ Hoàn Hải làm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa sau sáp nhập. Ảnh: website Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa.
Sinh ngày 02/05/1976, ông Võ Hoàn Hải hiện 49 tuổi, quê quán tại Ninh Quang, Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa (cũ). Ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa từ tháng 5/2020. Trước đó, ông Hải trải qua nhiều chức vụ tại tỉnh Khánh Hòa (cũ), bao gồm: Bí thư Tỉnh đoàn, Bí thư Huyện ủy Vạn Ninh.
Năm học 2024-2025, tỉnh Khánh Hòa (cũ) có 290.000 học sinh, tỉnh Ninh Thuận (cũ) có khoảng 150.000 học sinh. Như vậy, quy mô ngành Giáo dục tỉnh Khánh Hòa sau khi sáp nhập địa phương là 440.000 học sinh. [2]
Những điểm nhấn về giáo dục và đào tạo của hai tỉnh trước sáp nhập
Trước sáp nhập, tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận đều có những thành tích đáng ghi nhận trong phát triển giáo dục, tạo tiền đề thuận lợi để tiếp tục nâng cao chất lượng sau khi sáp nhập.
Cụ thể, trước thời điểm sáp nhập, tỉnh Ninh Thuận có 150.889 học sinh trên 4.749 lớp, thuộc 297 cơ sở giáo dục vào năm học 2024-2025; tăng 3.917 học sinh so với năm học 2023-2024. Toàn ngành Giáo dục Ninh Thuận có 10.474 cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Đơn cử, huyện Ninh Phước (cũ) năm học 2024-2025 có 50 trường học với tổng số 25.116 học sinh trên 736 lớp các cấp học. Để bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học, huyện Ninh Phước đã huy động nguồn lực xây dựng 71 phòng học và 27 phòng bộ môn tại các trường với tổng kinh phí hơn 84,3 tỷ đồng, đồng thời sửa chữa 30 phòng học, nhà vệ sinh, tường rào cho nhiều trường với tổng kinh phí là 4,3 tỷ đồng.
Với quyết tâm nâng cao chất lượng dạy và học, huyện Ninh Phước (cũ) đã quan tâm đầu tư cho sự nghiệp giáo dục, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh các cấp theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, huy động nhiều nguồn lực tài trợ, tặng sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, thiết bị dạy học, đồ dùng học tập cho hầu hết các trường học trên địa bàn huyện. Toàn huyện đã có 1.517 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên, cơ bản đáp ứng được việc tổ chức dạy học.
Tại huyện Bác Ái (cũ), có 29 trường học với 7.135 học sinh trên 308 lớp vào năm học 2024-2025. Song song với đầu tư cơ sở vật chất, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng đã nâng biên chế lên 680 cán bộ, giáo viên (100% giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo và chuẩn nghề nghiệp, tăng cao so với mặt bằng chung của tỉnh), đáp ứng tốt việc giảng dạy tại các trường. [3]
Còn đối với tỉnh Khánh Hòa trước sáp nhập, ngành Giáo dục của tỉnh đã đánh dấu chặng đường đầy nỗ lực và đổi mới từ việc nâng cao chất lượng giảng dạy, thực hiện chuyển đổi số, đến các chính sách hỗ trợ an sinh giáo dục luôn là ưu tiên hàng đầu của tỉnh. Cùng với đó, chính sách hỗ trợ 100% học phí cho học sinh các cấp học tại trường công lập trong năm học 2024-2025 đã góp phần giảm gánh nặng tài chính cho hàng ngàn gia đình trên địa bàn tỉnh. Những nỗ lực đổi mới giảng dạy cũng mang lại nhiều kết quả vượt bậc. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 đạt 98,64%, tăng 1,1% so với năm 2023. Đặc biệt, tại kỳ thi học sinh Giỏi quốc gia năm học 2024-2025, tỉnh Khánh Hòa (cũ) đạt 45 giải, trong đó có một giải Nhất môn Toán.
Đồng thời, chuyển đổi số được đẩy mạnh với hai bước tiến lớn, đó là xây dựng hệ thống dữ liệu cho ngành Giáo dục và đưa vào thử nghiệm Trung tâm điều hành giáo dục. Hệ thống quản trị của nhà trường đã được triển khai đồng bộ từ cấp mầm non đến phổ thông, giúp quản lý hiệu quả và hiện đại hóa môi trường học đường. Với chỉ số hài lòng tăng 7 bậc, Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa (cũ) đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác cải cách hành chính.
Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh xây dựng trường chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 67,69%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đưa ra. Những thành tựu mà ngành Giáo dục tỉnh Khánh Hòa (cũ) đạt được là kết quả từ sự quan tâm của chính quyền, sự đồng lòng của cán bộ giáo viên và sự ủng hộ nhiệt thành từ các bậc phụ huynh. Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là động lực để đổi mới, xây dựng nền giáo dục hiện đại, bền vững, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh mới sau sáp nhập và đất nước. [4]
Những thách thức còn tồn tại cần nỗ lực giải quyết
Bên cạnh những thuận lợi và thành tích nổi bật mà ngành giáo dục của hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận đã đạt được, việc sáp nhập hai địa phương này cũng đặt ra không ít thách thức cho Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa (mới).
Ảnh minh họa: Báo Khánh Hòa.
Một số khó khăn vốn có của hai tỉnh vẫn cần tiếp tục giải quyết như tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều địa phương và cấp học trên địa bàn. Mặc dù giáo viên nghỉ việc vì áp lực công việc, thuyên chuyển công tác, tỷ lệ rất thấp, gần như không có; nhưng do giáo viên hàng năm đến tuổi nghỉ hưu, không có chỉ tiêu tuyển dụng biên chế nên tình trạng thiếu đội ngũ giáo viên dồn qua từng năm. Trước tình trạng này, các đơn vị sự nghiệp giáo dục chủ động ký hợp đồng để đảm bảo chương trình dạy và học. Điều đáng nói, nhiều trường dù thực hiện tuyển dụng hợp đồng nhưng vẫn không thể tuyển được giáo viên do đặc thù vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn.
Các trường đã nỗ lực khắc phục dựa trên tình hình thực tế. Ngành cũng đưa ra nhiều phương án để giáo viên yên tâm công tác nhưng trong đó cốt lõi vẫn là động viên. Tuy vậy, địa phương vẫn khó thu hút giáo viên về giảng dạy ổn định, lâu dài do đặc thù một số nơi ở vùng cao. Đối với bậc trung học phổ thông, nhiều năm nay có tình trạng thiếu giáo viên các bộ môn tự chọn như Âm nhạc, Mỹ thuật,... xuất phát từ thực tiễn nhu cầu chọn môn học của học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Các trường không thể chủ động tuyển dụng các biên chế hay hợp đồng từ sớm với giáo viên, bởi phải căn cứ trên nhu cầu học của học sinh từng năm.
Toàn ngành Giáo dục tỉnh Khánh Hòa (cũ) có 22.196 cán bộ, công nhân viên, giáo viên hệ công lập và ngoài công lập năm 2023. Vì vậy, về các công tác tuyển dụng, ngành Giáo dục cần xem xét toàn diện, tính toán với các đơn vị, cơ quan chuyên môn khác trong tỉnh để đưa ra tham mưu cụ thể. [5]
Qua rà soát định mức theo các thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2024-2025, tỉnh Ninh Thuận (cũ) còn thiếu 445 giáo viên và 485 nhân viên các cấp học. [3] Mặt khác, tỉnh có nhiều điểm trường lẻ, thiếu hệ thống trường chất lượng cao. Nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp còn hạn chế dẫn tới tình trạng thiếu phòng học, phòng bộ môn, phòng chức năng, sân chơi, bãi tập và thiếu trang thiết bị dạy học. [6]
Như vậy, việc sáp nhập tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Khánh Hòa mở ra nhiều cơ hội phát triển giáo dục theo hướng đồng bộ, quy mô lớn và hiện đại hơn. Tuy nhiên, để tận dụng thuận lợi và vượt qua thách thức, cần một chiến lược quản lý giáo dục khoa học, có lộ trình rõ ràng.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-quyet-202-2025-QH15-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-cap-tinh-648951.aspx
[2] https://giaoducthoidai.vn/ong-vo-hoan-hai-lam-giam-doc-so-gddt-tinh-khanh-hoa-post738101.html
[3] https://nhandan.vn/ninh-thuan-quyet-tam-nang-cao-chat-luong-giao-duc-trong-nam-hoc-moi-post828466.html
[4] https://ktv.org.vn/tin-tong-hop/giao-duc/nhung-thanh-tuu-cua-nganh-giao-duc-khanh-hoa-trong-nam-2024/
[5] https://baotintuc.vn/giao-duc/khanh-hoa-giai-bai-toan-thieu-giao-vien-20231124122158080.htm
[6] https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/doi-moi-can-ban-toan-dien-gd-va-dt.aspx?ItemID=8786
Lưu Diễm
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/nhung-uu-the-tao-tien-de-thuan-loi-cho-so-gddt-tinh-khanh-hoa-post252508.gd