Anh Q. đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản để rời xa gia đình và tự lập (ảnh nhân vật cung cấp)
Những tổn thương không tên
Chị T.T.H. (25 tuổi) ở thị trấn Phú Thái (Kim Thành) lớn lên trong một gia đình có đủ vật chất nhưng lại thiếu vắng tình thương. Dù là con ruột nhưng chị luôn thấy lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình.
Nhìn lại tuổi thơ, chị H. không có quá nhiều ký ức vui vẻ để kể lại. Chị không được bố mẹ cưng chiều như chị cả, cũng không được quan tâm như em út. Những bữa cơm gia đình, chị thường lặng lẽ ăn xong rồi đi lên gác. Mỗi lần phạm lỗi, chị bị mắng nhiều hơn hẳn so với các anh chị em khác. Còn khi làm được điều gì tốt, lời khen dường như cũng không dành cho chị.
Tốt nghiệp THPT với thành tích khá, chị H. thi đỗ đại học. Ngoài khoản tiền học phí, chị hiếm khi nhận được sự hỗ trợ nào từ gia đình. Không than vãn, không trách móc, H. lao vào làm thêm để trang trải. Chị dạy kèm buổi tối, làm thêm ở quán cà phê vào cuối tuần, có thời điểm vừa học vừa làm đến ba công việc cùng lúc. Dù cuộc sống sinh viên đầy vất vả, nhưng cũng chính quãng thời gian đó giúp chị trưởng thành và cứng cỏi hơn bao giờ hết.
Cũng giống như chị H., anh N.V.Q. ở phường Sao Đỏ (TP Chí Linh) cũng có tuổi thơ không mấy vui vẻ. Chỉ vì thành tích học tập không bằng các anh chị trong nhà, Q. ngày càng ít nhận được tình yêu thương của bố mẹ. Trong bữa cơm gia đình, anh ít được hỏi han. Khi có chuyện gì xảy ra trong nhà, anh thường bị trách móc nhiều hơn. Cái "mác" học kém gắn liền với anh suốt những năm phổ thông. Nó cũng trở thành cái cớ khiến anh không nhận được sự công bằng trong tình thương của chính bố mẹ mình. Nhưng chính từ những thiếu thốn tình cảm ấy, anh đã bươn chải và sớm trưởng thành. Không học đại học, cũng chẳng học nghề. Q. bước vào đời sớm hơn các bạn cùng trang lứa. Sau vài năm gom góp đủ tiền, anh quyết định đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản.
Nhớ lại những năm tháng tuổi thơ, anh Q. tâm sự: “Tôi học không giỏi, nên chẳng được kỳ vọng gì. Bố mẹ thường chỉ nhắc đến anh chị của tôi, những người luôn đứng đầu lớp. Còn tôi, chỉ cần không gây rắc rối là đủ".
Trong xã hội hiện đại, vẫn có không ít gia đình, cha mẹ có xu hướng dành nhiều sự quan tâm hơn cho một đứa trẻ “giỏi giang” và “nghe lời”. Sự phân biệt đó được thể hiện trong lời khen, trong cách xử phạt, đến cả những hành vi nhỏ như mua quà, dẫn đi chơi hay chia sẻ thời gian. Đứa con “được yêu” thì lớn lên với sự tự tin, nhưng đứa “bị ghét” lại mang trong lòng mặc cảm, tủi thân, thậm chí là ghen tị và phản kháng ngầm. Khi tình thương không được chia đều, những đứa trẻ lớn lên trong sự so sánh, thiệt thòi và tổn thương mà người lớn đôi khi không nhận ra.
“Vết sẹo” tâm hồn
Dù đã trưởng thành với cuộc sống ổn định nhưng những tổn thương trong quá khứ vẫn trở thành "vết sẹo" trong lòng chị H.
Trẻ nhỏ cảm nhận rất rõ sự khác biệt trong cách cha mẹ đối xử với mình. Một lời nói thiếu công bằng, một lần bị bỏ quên… đều có thể trở thành "vết sẹo" tâm lý lâu dài. Khi bị tổn thương, trẻ dễ mất niềm tin vào tình cảm gia đình, thu mình hoặc thậm chí là phản ứng tiêu cực với xã hội.
Chị H. thừa nhận, việc tuổi thơ thiếu thốn tình thương của bố mẹ đã trở thành "vết sẹo" khi lớn lên. Hiện chị đã có gia đình nhỏ với 2 bé gái. Dù cuộc sống đã ổn định, nhưng những vết thương tâm lý từ thuở nhỏ vẫn thỉnh thoảng ùa về.
Chị H. tâm sự, giờ đây, điều chị sợ nhất là vô tình lặp lại “sự phân biệt” mà mẹ chị từng làm. Chính vì thế, chị luôn cố gắng lắng nghe các con, dành thời gian cho con, và nhắc mình mỗi ngày “Đừng để con cảm thấy cô đơn trong chính gia đình của mình.”
Theo Bà Nguyễn Thị Nhâm, Phó Trưởng Ban Gia đình xã hội - Kinh tế (Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hải Dương), trong vai trò làm cha mẹ, sự công bằng, lắng nghe và cố gắng yêu thương đúng cách là điều cần thiết. Mỗi đứa trẻ là một cá thể khác biệt, có cách thể hiện riêng, nhu cầu riêng và cũng cần được yêu thương theo cách công bằng, chứ không phải “đồng đều” theo kiểu máy móc.
Trẻ em có khả năng cảm nhận tình cảm rất rõ. Khi bị đối xử thiếu công bằng, chúng dễ hình thành cảm giác tự ti, cảm giác không được yêu thương, từ đó sinh ra những hành vi tiêu cực như chống đối, thu mình hoặc thậm chí phá vỡ mối quan hệ gia đình. Không chỉ vậy, trong một số trường hợp, sự thiên vị kéo dài còn trở thành nguyên nhân sâu xa dẫn tới mâu thuẫn anh em trong gia đình khi trưởng thành, thậm chí dẫn tới tranh chấp tài sản hoặc bất hòa lâu dài.
“Thay vì để cảm xúc chi phối, cha mẹ nên chú ý tới sự công bằng trong cách nuôi dạy con. Mỗi đứa trẻ cần là một cá thể riêng biệt, có giá trị, có chỗ đứng riêng trong lòng bố mẹ", bà Nhâm nói.
Không cần những hành động lớn lao, đôi khi một lời động viên, một cái ôm đúng lúc hay một ánh mắt cảm thông cũng là “liều thuốc” chữa lành cho những trái tim con trẻ. Yêu thương đúng cách, đó không chỉ là trách nhiệm của cha mẹ, mà còn là nền móng cho một gia đình êm ấm.
KHÁNH HÒA