Vẫn tiềm ẩn rủi ro
Nói về phản ứng của cộng đồng doanh nghiệp trước lệnh tạm hoãn áp thuế đối ứng của Mỹ với hàng hóa Việt Nam, Tiến sĩ Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho hay: “Phần lớn doanh nghiệp tạm thời “thở phào” vì ít nhất họ không phải ngay lập tức chịu thêm gánh nặng chi phí, không bị xáo trộn kế hoạch kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ra thận trọng bởi “tạm hoãn” không đồng nghĩa với việc bãi bỏ hoàn toàn. Các rủi ro, thách thức vẫn tiềm ẩn”.
Doanh nghiệp Việt Nam cần sẵn sàng phương án ứng phó với thuế quan từ các thị trường nhập khẩu
Theo ông Mạc Quốc Anh, giai đoạn tạm hoãn thuế 90 ngày là thời gian để doanh nghiệp tập trung rà soát, chuẩn bị kịch bản ứng phó. Ví dụ như việc chuẩn bị quy trình, chứng từ, tính toán lại cơ cấu giá thành, điều chỉnh lại chiến lược xuất nhập khẩu cũng như rà soát lại các hợp đồng với đối tác. Như vậy, doanh nghiệp sẽ chủ động hơn thay vì bị động bị áp thuế luôn từ ngày 9-4. “Lệnh tạm hoãn áp thuế đối ứng giúp doanh nghiệp có “thời gian vàng” để chuẩn bị và điều chỉnh chiến lược. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng hiểu rõ nguy cơ về phòng vệ thương mại chưa hẳn chấm dứt. Trong giai đoạn tiếp theo, cộng đồng doanh nghiệp mong chờ sự minh bạch và hỗ trợ kịp thời từ phía cơ quan quản lý và các hiệp hội; đồng thời tích cực củng cố nội lực để sẵn sàng ứng biến nếu rủi ro tái diễn” - ông Mạc Quốc An nhấn mạnh.
Chia sẻ tại bàn tròn chính sách “Mỹ áp thuế: Các kịch bản và ứng phó hậu đàm phán” diễn ra ngày 11-4, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Vina T&T Group cho biết, rủi ro từ việc Mỹ áp thuế với Việt Nam vẫn rất cao. “Trong 90 ngày này sẽ xảy ra rất nhiều rối loạn liên quan đến logistics, cảng, nếu hàng hóa từ các nước đồng loạt chảy vào Mỹ. Còn sau 90 ngày vẫn đang là một ẩn số. Các doanh nghiệp ở Việt Nam đang lo lắng trong 90 ngày này có tiếp tục thay đổi gì không? Liệu ông Trump có thay đổi quyết định rút ngắn lại thời gian hoãn áp thuế không? Hoặc cũng có thể có trường hợp trong 90 ngày này doanh nghiệp cố gắng sản xuất nhưng không kịp “deadline” hoãn thuế. Do đó, sau khi nhận được thông tin hoãn thuế trong 90 ngày, chúng tôi mừng nhưng cũng rất lo vì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Bản thân doanh nghiệp Mỹ cũng vậy, họ phải thay đổi lại kế hoạch kinh doanh năm 2025. Thậm chí họ lên kế hoạch theo từng tuần chứ không phải theo từng tháng như trước đây” - ông Nguyễn Đình Tùng nói.
Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm thiểu rủi ro
Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành - Trường Chính sách công Fulbright cho biết, so với các đối thủ, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể bởi mức thuế quan với các nước là như nhau. Tuy nhiên, mức thuế này dù không lớn nhưng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sức mua của người dân Mỹ. Vì vậy, tác động sẽ phụ thuộc nhu cầu của người dân Mỹ đối với từng ngành hàng. Ông Nguyễn Xuân Thành nhận định, ngành nội thất sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất. Lý do là trong năm 2024, Mỹ nhập 13,2 tỷ USD gỗ và các sản phẩm gỗ từ Việt Nam (chiếm 9,7% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và 19,8% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng nội thất của Mỹ). Tiếp theo là ngành điện tử tiêu dùng, thiết bị văn phòng, máy móc, thiết bị linh kiện. Đáng chú ý, phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu trong nhóm hàng điện tử và linh kiện nằm ở khối FDI. Ngành dệt may, da giày cũng sẽ bị ảnh hưởng, nhưng dự báo không lớn vì đây là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của người dân Mỹ.
Thận trọng trong đánh giá về sự thay đổi về thuế đối ứng của Mỹ, các nhà phân tích từ Công ty Cổ phần chứng khoán MB (MBS Research) cho rằng, động thái hoãn thời điểm áp mức thuế mới chỉ đủ để các bên thích nghi với sự chuyển biến của chiến tranh thương mại. Theo đó, các chuyên gia MBS Research vẫn cho rằng, các nhóm ngành xuất khẩu dệt may, thủy sản, đồ gỗ, cao su, giấy, dây cáp điện… và các nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp, logistics vẫn chịu tác động về dài hạn do giảm lượng đơn hàng cũng như biên lợi nhuận giảm sút. Bên cạnh đó, dệt may, thủy sản, đồ gỗ, bất động sản công nghiệp và logistics sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ.
Nên ứng phó như thế nào?
TS Mạc Quốc Anh cho rằng, thời gian này cần minh bạch thông tin và cảnh báo sớm. Doanh nghiệp hy vọng cơ quan quản lý hoặc hiệp hội ngành hàng sẽ kịp thời cập nhật thông tin chính thức khi có thay đổi về chính sách, giúp họ có đủ thời gian chuẩn bị. Đồng thời, cần có kênh tư vấn, giải đáp vướng mắc nhanh hơn để doanh nghiệp hiểu rõ quy trình, thủ tục liên quan đến thuế phòng vệ thương mại (nếu phải áp dụng trở lại). Ở cấp vĩ mô, doanh nghiệp mong muốn từ phía Nhà nước là nếu phải áp dụng lại (hoặc có biến động về thuế), cần có lộ trình cụ thể, tránh gây “sốc” về chi phí.
Các biện pháp phòng vệ thương mại hay thuế đối ứng nên được triển khai nhất quán, hạn chế tình trạng “bất ngờ” khiến chuỗi cung ứng xáo trộn. Trong trường hợp rào cản thuế quay lại (hoặc rào cản mới), nhiều doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ) mong nhận được sự hỗ trợ từ chuyên gia tư vấn luật thương mại quốc tế, hướng dẫn về hồ sơ chứng minh, giấy tờ cần thiết. Đặc biệt, doanh nghiệp kỳ vọng được kết nối mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm, giảm lệ thuộc vào một vài thị trường vì dễ có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Ông Mạc Quốc Anh cũng khuyến cáo doanh nghiệp nên tìm cách giảm thiểu chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, kiểm soát xuất xứ minh bạch để hạn chế nguy cơ bị gắn “bán phá giá”; theo dõi sát diễn biến thị trường; chủ động liên hệ với đối tác nước ngoài, chia sẻ kịp thời về tình trạng thuế phí, cùng thỏa thuận cơ chế phân chia rủi ro, bảo toàn lợi ích đôi bên; cần chú ý củng cố hồ sơ pháp lý, minh bạch số liệu; tập trung vào sản phẩm giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu, nâng cao uy tín. Ngoài ra, việc tự chủ về nguyên liệu và tập trung sản xuất phục vụ thị trường nội địa cũng rất cần thiết.
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, chúng ta cần phải có sự minh bạch khi xuất sang Mỹ, tránh bán phá giá hỗ trợ xuất khẩu, thông số sản phẩm Việt Nam rõ ràng minh bạch. Chúng ta mong rằng có những tiến triển lạc quan hơn nhưng sẵn sàng trường hợp xấu nhất.
Phân tích, nhận định về tác động chính sách thuế của Mỹ đến xuất khẩu thủy sản, đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, các doanh nghiệp cần tăng cường xuất khẩu sang Mỹ, tập trung vào các sản phẩm chủ lực như tôm, cá tra, cá ngừ và chế biến giá trị gia tăng để lấp khoảng trống Trung Quốc để lại; đàm phán với Mỹ để tránh thuế chống bán phá giá, cung cấp dữ liệu minh bạch về nguồn gốc và giá thành.
Cùng với đó, chuyển hướng và đa dạng thị trường, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ hoặc Trung Quốc. Đẩy mạnh xuất khẩu sang EU, Nhật Bản, Hàn Quốc qua các FTA (EVFTA, CPTPP, RCEP) để giảm phụ thuộc vào Mỹ. Ví dụ, tôm Việt Nam vào EU được miễn thuế trong khi hàng Trung Quốc chịu thuế 12 - 20%. Khai thác thị trường mới như Trung Đông, Nam Mỹ để phân tán rủi ro; tăng cường kiểm soát hải quan, kiểm soát xuất xứ, minh bạch truy xuất nguồn gốc để đảm bảo thủy sản xuất khẩu là 100% từ Việt Nam. Hợp tác với các cơ quan chức năng của Mỹ để giám sát chuỗi cung ứng, tránh bị nghi ngờ lẩn tránh thuế.
Đại diện VASEP cũng nhấn mạnh việc doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng và thương hiệu, đầu tư vào công nghệ chế biến, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế (FDA, ASC, MSC) để tạo sự khác biệt với hàng Trung Quốc. Xây dựng thương hiệu “thủy sản Việt Nam” gắn với bền vững, sạch và minh bạch; phát triển chuỗi cung ứng bền vững để giảm chi phí và tăng năng lực cạnh tranh.
Hà Linh