Những vũ khí đang làm thay đổi chiến trường: Mỹ học được gì từ công nghệ quốc phòng Israel?

Những vũ khí đang làm thay đổi chiến trường: Mỹ học được gì từ công nghệ quốc phòng Israel?
7 giờ trướcBài gốc
Hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm Sắt) được kích hoạt tại thành phố Sderot, Israel để đánh chặn các tên lửa từ Dải Gaza, ngày 13/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Đánh giá trên trang web của Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS) có trụ sở tại Israel mới đây, John Spencer, Chủ tịch nghiên cứu chiến tranh đô thị tại Viện Chiến tranh Hiện đại, đồng giám đốc Dự án Chiến tranh Đô thị và Tiến sĩ Liam Collins, Giám đốc sáng lập của Viện Chiến tranh Hiện đại tại West Point và là Nghiên cứu viên Quân sự Cấp cao của Viện Trung Đông cho rằng, từ những năm 1970, công nghệ quân sự của Israel đã đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của quân đội Mỹ. Mối quan hệ đối tác này không chỉ dừng lại ở việc chuyển giao công nghệ, mà còn phản ánh một quá trình "đồng tiến hóa chiến lược", giúp cả hai quốc gia đối phó hiệu quả với các mối đe dọa hiện đại.
Bài học từ chiến trường Israel
Sau Chiến tranh Yom Kippur năm 1973, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tiến hành 37 nghiên cứu riêng biệt về cuộc xung đột này. Những bài học từ thành công của Israel đã định hình sâu sắc học thuyết quân sự Mỹ, trực tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển của học thuyết Chiến tranh Không-Bộ (trên không và trên bộ) và các hệ thống vũ khí "Big Five" - trực thăng Apache, xe chiến đấu Bradley, hệ thống tên lửa Patriot, xe tăng Abrams và trực thăng Black Hawk.
Các sáng kiến quốc phòng của Israel tiếp tục tác động đến chiến lược và hệ thống chiến đấu của quân đội Mỹ. Nhiều công nghệ này ra đời từ nhu cầu ứng phó nhanh với các thách thức an ninh độc đáo trong chiến tranh đô thị và bất đối xứng của Israel.
Công nghệ cứu sinh trên chiến trường
Băng cứu thương Israel là một trong những ví dụ tiêu biểu về cải tiến y tế cứu sinh. Được phát triển bởi một bác sĩ quân y Israel vào những năm 1990, loại băng cầm máu này có đầu ấn tích hợp cho phép binh sĩ xử lý vết thương nghiêm trọng bằng một tay. Quân đội Mỹ đã áp dụng băng cứu thương này từ đầu những năm 2000, đặc biệt khi đối mặt với thương vong ngày càng tăng ở Iraq và Afghanistan. Hiện nay, đây là vật dụng tiêu chuẩn trong bộ dụng cụ sơ cứu của binh sĩ Mỹ.
Đổi mới không chỉ giới hạn trong lĩnh vực y tế. Máy ủi D9 bọc thép của Israel đã chứng minh giá trị trong chiến tranh đô thị. Năm 2003, quân đội Mỹ đã mua 14 chiếc D9 bọc thép để sử dụng tại Iraq. Những chiếc máy ủi này được sử dụng để phá rào chắn, phá hủy các vị trí kiên cố và bảo vệ binh sĩ. Israel còn phát triển phiên bản điều khiển từ xa của D9, cho phép thực hiện các nhiệm vụ và kỹ thuật chiến đấu ở khu vực nguy hiểm mà không đặt binh sĩ vào tình thế nguy hiểm.
Hệ thống bảo vệ chủ động: Bước đột phá trong chiến tranh thiết giáp
Hệ thống bảo vệ chủ động Trophy (APS) là một trong những đóng góp quan trọng nhất của Israel cho chiến tranh thiết giáp. Được phát triển bởi Rafael Advanced Defense Systems, Trophy cung cấp khả năng phòng thủ nhiều lớp chống lại tên lửa chống tăng và rocket (RPG). Hệ thống tự động phát hiện, theo dõi và đánh chặn các mối đe dọa trước khi chúng tiếp cận xe.
Trophy APS đã cách mạng hóa chiến tranh đô thị bằng cách giảm thiểu lỗ hổng của xe thiết giáp, cho phép chúng di chuyển qua không gian đô thị dày đặc với khả năng sống sót cao hơn nhiều. Nhận thấy hiệu quả này, quân đội Mỹ đã tích hợp Trophy APS vào xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams từ năm 2018. Đến năm 2020, xe tăng Abrams được trang bị Trophy đã được triển khai ở châu Âu.
Xe quân sự Israel di chuyển dọc biên giới Dải Gaza, ngày 2/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Đối phó với mối đe dọa IED và đường hầm
Trong Chiến tranh Iraq, các thiết bị nổ tự chế (IED) gây ra phần lớn thương vong cho Mỹ, khiến Tướng John Abizaid, chỉ huy Bộ tư lệnh Lực lượng Trung ương Mỹ, yêu cầu một hiệu ứng "giống như dự án Manhattan" để đối phó. Israel, vốn có nhiều kinh nghiệm đối phó với IED từ Hamas và Hezbollah, đã chia sẻ công nghệ với Mỹ, cung cấp các thiết bị vi sóng gắn trên xe có tên Dragon Spike và Dragon Spike II để thử nghiệm tại Iraq và Arizona.
Đối với mối đe dọa đường hầm, Israel đã tiên phong phát triển các công nghệ chống hầm tiên tiến, tích hợp radar xuyên đất, cảm biến địa chấn và hệ thống phát hiện do AI điều khiển. Mỹ và Israel đã hợp tác thông qua Đạo luật Tăng cường Hợp tác Chống hầm, với ngân sách 80 triệu USD hàng năm. Sự hợp tác này đã ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược an ninh biên giới Mỹ, đặc biệt là dọc theo biên giới Mỹ - Mexico.
Cách mạng hóa không chiến hiện đại
Hệ thống nhắm mục tiêu LITENING do Rafael phát triển và hiện được đồng sản xuất với Northrop Grumman, đã trở thành nền tảng của khả năng không kích chính xác cho không quân Mỹ. Thiết bị này hiện được sử dụng trên máy bay F-16 để nhắm mục tiêu cho tên lửa Hydra-70 dẫn đường bằng laser, được nâng cấp thông qua Hệ thống vũ khí tiêu diệt chính xác tiên tiến (APKWS).
Trong các hoạt động chống lại thiết bị bay không người lái (UAV) do Houthi phóng, máy bay Mỹ đang kết hợp LITENING với APKWS để tiêu diệt UAV với chi phí chỉ 35.000-40.000 USD, so với chi phí 400.000-500.000 USD của tên lửa AIM-9 Sidewinder hoặc 1 triệu USD của tên lửa AIM-120.
Israel cũng đóng góp quan trọng vào việc nâng cấp máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Lightning II. Là đơn vị vận hành quốc tế đầu tiên của máy bay này, không quân Israel đã tích hợp các hệ thống tác chiến điện tử nâng cao và khả năng mang vũ khí bên ngoài. F-35I "Adir" của Israel là chiếc F-35 duy nhất trên thế giới đã thực hiện các cuộc tấn công tác chiến bằng đạn dược mang bên ngoài.
Ứng phó với các mối đe dọa mới nổi
Để đối phó với mối đe dọa từ UAV, Israel đã phát triển Iron Beam - hệ thống phòng không laser năng lượng cao đầu tiên trên thế giới. Không giống các hệ thống phòng thủ dựa trên tên lửa như Iron Dome, Iron Beam vô hiệu hóa các mối đe dọa bằng năng lượng laser, cung cấp giải pháp hiệu quả về chi phí cho các cuộc tấn công bằng UAV số lượng lớn.
Trong lĩnh vực AI quân sự, Israel đã phát triển nhiều công nghệ tiên tiến như đạn dược lảng vảng như Harpy và Harop, hệ thống quản lý trận chiến Fire Weaver, hệ thống chống UAV Drone Dome, và xe bọc thép CARMEL tích hợp AI. Quân đội Mỹ đã học hỏi từ những tiến bộ này, thử nghiệm các công nghệ tương tự cho các ứng dụng chiến trường hiện đại.
Mối quan hệ đối tác quốc phòng Mỹ - Israel không chỉ là về việc áp dụng công nghệ mà còn là sự cùng phát triển, thúc đẩy đổi mới quân sự để đi trước các mối đe dọa mới nổi. Từ các hệ thống phòng thủ động học như Trophy APS và Iron Dome cho đến các ứng dụng AI tiên tiến, những cải tiến quân sự của Israel đã nâng cao đáng kể khả năng chiến đấu của Mỹ.
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/quan-su/nhung-vu-khi-dang-lam-thay-doi-chien-truong-my-hoc-duoc-gi-tu-cong-nghe-quoc-phong-israel-20250503141158391.htm