Những 'vũ khí' giúp Trung Quốc trả đũa đòn thuế của ông Trump

Những 'vũ khí' giúp Trung Quốc trả đũa đòn thuế của ông Trump
3 giờ trướcBài gốc
Cảng ở Oakland, California, trong hôm 3/2, một ngày trước khi thuế quan mới của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực. Ảnh: EPA.
Trong hôm 4/2, Trung Quốc đã đáp trả quyết định áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump bằng một loạt biện pháp kinh tế, phát đi tín hiệu rõ ràng: nếu căng thẳng thương mại leo thang, Mỹ cũng sẽ phải gánh chịu hậu quả.
Chính phủ Trung Quốc tuyên bố áp thuế 15% đối với than đá, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), thiết bị nông nghiệp và nhiều mặt hàng khác nhập khẩu từ Mỹ; đồng thời hạn chế xuất khẩu các khoáng sản quan trọng phục vụ sản xuất công nghệ cao, mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với Google và đưa hai công ty Mỹ khác vào danh sách đen.
Động thái này được đưa ra ngay sau khi Mỹ nâng mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc thêm 10% bắt đầu từ lúc 00:01 sáng 4/2 (12h01 ngày 5/2 giờ VN). Các biện pháp đáp trả của Trung Quốc sẽ có hiệu lực từ ngày 10/2, tạo ra khoảng thời gian để hai bên đàm phán. Ông Trump dự kiến sẽ có cuộc trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, sau khi ông đồng ý hoãn áp thuế đối với Canada và Mexico.
Áp thuế, hạn chế xuất khẩu và trừng phạt
Các biện pháp mà Trung Quốc công bố dường như đã được tính toán cẩn thận nhằm thể hiện lập trường cứng rắn mà không làm bùng phát xung đột rộng hơn.
"Họ có nhiều lựa chọn để đáp trả, không chỉ giới hạn ở thuế quan", Wendy Cutler, cựu quan chức đàm phán thương mại của Mỹ, nhận định. "Họ muốn phản ứng nhanh chóng và tương xứng. Trung Quốc vẫn còn nhiều công cụ khác có thể sử dụng".
Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo áp thuế 15% đối với than đá và LNG, cùng mức thuế 10% đối với dầu thô, máy móc nông nghiệp và một số phương tiện. Bộ Thương mại Trung Quốc cũng công bố hạn chế xuất khẩu các vật liệu quan trọng như vonfram - nguyên liệu thiết yếu trong sản xuất công nghệ cao, đồng thời áp lệnh trừng phạt 2 công ty Mỹ.
Dù mạnh tay đáp trả nhưng Bắc Kinh lại không động đến một số mặt hàng quan trọng. Dennis Wilder, cựu chuyên gia phân tích CIA và cố vấn về chính sách Trung Quốc của cựu Tổng thống George W. Bush, cho rằng việc Trung Quốc không đánh thuế mới lên các mặt hàng nông sản Mỹ là dấu hiệu cho thấy nước này không muốn đẩy căng thẳng lên quá mức.
"Đây là tín hiệu rõ ràng cho thấy họ muốn kiểm soát tình hình", ông Wilder nhận xét. "Nếu áp thuế lên nông sản Mỹ, nông dân tại vùng Trung Tây sẽ phản ứng dữ dội".
Mỗi năm, Mỹ xuất khẩu khoảng 35 tỷ USD đậu nành, ngũ cốc, bắp và bông sang Trung Quốc. Những mặt hàng này chủ yếu đến từ các bang vốn là thành trì ủng hộ ông Trump.
Các biện pháp thuế quan mới của Mỹ được đưa ra sau khi Nhà Trắng quyết định hoãn áp thuế đối với Mexico và Canada để đổi lấy cam kết siết chặt kiểm soát biên giới. Hiện nhiều mặt hàng Trung Quốc đã bị đánh thuế tới 25%, và các động thái mới chỉ là sự bổ sung vào những loại thuế sẵn có.
Ông Trump cũng cáo buộc Trung Quốc để fentanyl bị tuồn vào Mỹ, và đã ký sắc lệnh áp thuế vào hôm thứ Bảy tuần trước.
Đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington tuyên bố các động thái của Bắc Kinh là "biện pháp đối phó cần thiết", hoàn toàn hợp lý và chính đáng, trong khi Bộ Thương mại Trung Quốc gọi các mức thuế của Mỹ là "mang tính ác ý".
Cuộc chiến thương mại mới sẽ là một thử thách với Trung Quốc khi nền kinh tế nước này đang đối mặt với khủng hoảng bất động sản nghiêm trọng. Tuy nhiên, xuất khẩu - lĩnh vực vừa đạt mức kỷ lục vào tháng 12/2024 - lại là điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế.
"Họ cần thận trọng. Rõ ràng, việc leo thang thuế quan với ông Trump không có lợi cho họ. Trung Quốc có nhiều thứ để mất hơn lần này", ông Cutler, Phó Chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á tại Washington, nhận định.
Một tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng ở Louisiana vào năm 2022. Ảnh: Reuters.
Tạo lợi thế đàm phán
Đã 8 năm trôi qua kể từ lần đầu đối phó với vị Tổng thống khó lường, giờ đây giới chức Trung Quốc đã sẵn sàng cho một vòng đối đầu mới.
"Washington nghĩ rằng nền kinh tế Trung Quốc đang chao đảo. Nhưng lãnh đạo Trung Quốc lại tự tin hơn nhờ những thành công gần đây trong lĩnh vực công nghệ, cùng với chiến lược đa dạng hóa và tái định hướng thương mại, đầu tư ra nước ngoài", ông Kennedy từ CSIS cho biết.
Trong những tuần gần đây, ông Trump cũng phát tín hiệu muốn tránh một cuộc chiến thương mại toàn diện với Trung Quốc. Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News hồi cuối tháng 1, ông nói rằng "không muốn" áp thuế, đồng thời mô tả thuế quan là "đòn bẩy rất lớn đối với Trung Quốc". Hôm 3/2, ông cho biết sẽ có cuộc trao đổi với Bắc Kinh.
Theo giáo sư Qiu Huafei tại Đại học Đồng Tế, các biện pháp trả đũa của Trung Quốc nhằm tạo ra "lợi thế đàm phán", có thể được sử dụng làm "con bài mặc cả trong các cuộc thương lượng sắp tới".
"Trung Quốc lo ngại rằng nếu thể hiện sự yếu thế ngay từ đầu, họ sẽ phải đối mặt với nhiều sức ép hơn từ ông Trump - điều mà họ không mong muốn", ông Qiu nói.
Đây không phải lần đầu tiên ông Trump sử dụng thuế quan như một công cụ đối phó với Trung Quốc.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông đã phát động một cuộc chiến thương mại toàn diện, áp thuế đối với gần 400 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc với lý do Bắc Kinh có các hành vi thương mại không công bằng, bao gồm đánh cắp sở hữu trí tuệ. Trung Quốc đáp trả bằng thuế quan nhắm vào hàng hóa Mỹ.
Hai nước sau đó ký thỏa thuận thương mại "giai đoạn một" vào năm 2020, trong đó Trung Quốc cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong vòng hai năm. Tuy nhiên, Bắc Kinh không thực hiện đầy đủ cam kết này, chỉ mua chưa đến 60% giá trị hàng hóa đã thỏa thuận, theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson.
Đến năm 2021, khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, chính quyền mới vẫn giữ nguyên phần lớn thuế quan thời ông Trump và áp thêm mức thuế mới đối với các mặt hàng như xe điện.
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 2019 tại Nhật Bản. Ảnh: NYTimes.
Bắc Kinh vẫn còn “vũ khí” đáp trả
Theo giới chuyên gia, Trung Quốc còn nhiều công cụ khác ngoài thuế quan để đối phó với một cuộc chiến thương mại mới với ông Trump.
Bắc Kinh đã hé lộ chiến lược trả đũa cứng rắn trong những tháng gần đây, bao gồm kiểm soát xuất khẩu, áp lệnh trừng phạt, và tiến hành điều tra chống độc quyền đối với các công ty Mỹ. Việc điều tra Google và hạn chế xuất khẩu khoáng sản là một phần trong chiến lược này.
Henry Gao, chuyên gia thương mại tại Đại học Quản lý Singapore, nhận định căng thẳng hiện nay có thể tạo lợi thế cho Trung Quốc. Khi ông Trump đe dọa áp thuế lên các nước như Mexico và Canada, Bắc Kinh có cơ hội khẳng định mình là một nền kinh tế ổn định và có trách nhiệm hơn trên trường quốc tế. Điều này cũng nằm trong chiến lược rộng lớn hơn của Trung Quốc trong việc củng cố vai trò lãnh đạo toàn cầu.
Ông Gao nhận định rằng những lời đe dọa áp thuế của ông Trump không chỉ làm suy giảm vị thế của Mỹ mà còn khiến Washington khó khăn hơn trong việc kêu gọi đồng minh chung tay gây sức ép lên Trung Quốc.
Trong khi đó, người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ có thể sớm cảm nhận tác động của thuế quan mới, khi giá các mặt hàng từ thiết bị điện tử đến giày dép đồng loạt tăng cao.
Jay Foreman, Giám đốc điều hành công ty đồ chơi Basic Fun, doanh nghiệp Mỹ có nhà máy sản xuất tại Trung Quốc, lo ngại mức thuế mới sẽ làm giảm lợi nhuận và buộc công ty phải tăng giá sản phẩm.
Dù vậy, ông vẫn tin tưởng vào một giải pháp ngoại giao giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. “Tôi tin rằng Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ sớm đạt được một thỏa thuận quan trọng”, ông Foreman nói.
Nhật Anh
Nguồn VietTimes : https://viettimes.vn/nhung-vu-khi-giup-trung-quoc-tra-dua-don-thue-cua-ong-trump-post182479.html